Cuộc đua tiền điện tử của các Ngân hàng Trung ương toàn cầu

PV| 09/09/2022 14:08

Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất nuôi tham vọng tiền điện tử. Toàn cầu hóa, tài chính kỹ thuật số và nhu cầu tiếp cận tài chính tốt hơn đang thay đổi cách các Ngân hàng Trung ương (NHTW) phát hành tiền tệ. Đặc biệt, khả năng sử dụng đồng tiền điện tử do NHTW phát hành làm phương tiện hội tụ.

Tiền kỹ thuật số của NHTW (CBDC) là định dạng số của tiền tệ pháp định (fiat) do các NHTW phát hành. CBDC mang đặc điểm của cả hai loại tiền điện tử và tiền pháp định. Nó được phát hành bởi các NHTW nhưng lại sử dụng thuật toán tương tự như các loại tiền điện tử khác.

Theo một cuộc khảo sát do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) thực hiện, 90% NHTW được khảo sát đã bắt đầu triển khai các dự án đồng tiền điện tử CBDC. Trong đó, nhiều ngân hàng thể hiện sự quan tâm lớn đối với các CBDC bán lẻ.

Ảnh minh hoạ 

Đi đầu trong lĩnh vực CBDC là Bahama, quốc gia ra mắt tiền điện tử do NHTW phát hành từ tháng 10/2020. Phiên bản kỹ thuật số của đồng Bahamian Dollar (BSD) do Ngân hàng Trung ương Bahamas phát hành, tương tự tiền giấy và tiền xu, có thể truy cập qua ứng dụng di động hoặc thẻ thanh toán vật lý. 

Năm 2021, với việc ra mắt đồng tiền số eNaira, Nigeria là quốc gia đầu tiên tại châu Phi và là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hành đồng tiền điện tử rộng rãi trong công chúng. Đồng tiền kỹ thuật số mới này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện hoạt động trao đổi thương mại xuyên biên giới, mang lại nhiều giải pháp tài chính hơn cho những lao động làm việc trong các lĩnh vực không chính thức và tăng kiều hối. 

Tại châu Á, đồng nhân dân tệ điện tử (e-CNY) của Trung Quốc mở cửa cho người dùng quốc tế tại Olympics mùa đông 2022. e-CNY là đồng tiền pháp định kỹ thuật số (CBDC) được hình thành từ năm 2014 và hiện đang trong quá trình phát triển bởi Viện nghiên cứu Tiền kỹ thuật số trực thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC).

Đồng tiền này đang được thí điểm tại hơn 10 thành phố, tính đến cuối năm 2021, đã có hơn 260 triệu người mở tài khoản e-CNY và tổng giao dịch đạt gần 90 tỷ NDT, tương đương 14 tỷ USD. Du khách đến đây có thể tải ứng dụng ví điện tử e-CNY trên cửa hàng App Store và Google Play, hoặc giữ tiền trên thẻ vật lý, vòng đeo tay. 

Campuchia với dịch vụ chuyển tiền Bakong và các nước phía đông Caribe cũng nằm trong số những nước đi đầu về tiền điện tử. Với dự án Bakong, Campuchia kỳ vọng sẽ tạo nên một hệ thống tài chính toàn diện. Người dân Campuchia không cần có tài khoản ngân hàng để sử dụng đồng Bakong, họ chỉ cần tải ứng dụng Bakong về điện thoại di động là đã có thể nạp tiền, chi tiêu tại các cửa hàng hay chuyển tiền cho người thân. 

Tính đến tháng 11/2021, đồng tiền kỹ thuật số này đã vươn đến 7,9 triệu người dân Campuchia, tức gần một nửa dân số nước này, hiện là 16,7 triệu người. Tổng cộng có 6,8 triệu giao dịch trị giá chừng 2,9 tỷ USD thông qua đồng Bakong. Tiếp theo Campuchia, Lào là một quốc gia khác trong khu vực đang có tham vọng phát triển tiền số. 

Một cuộc khảo sát của Bank for International Settlements vào tháng 1/2021 cho thấy 86% trong số 65 NHTW được hỏi cho biết họ đang tham gia làm việc cùng với các đồng CBDC. Khoảng 60% các NHTW bỏ ngỏ khả năng sẽ phát hành những đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình trong thời gian tới.

Ảnh minh hoạ 

Tháng 7/2021, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã có bước đi đầu tiên hướng tới việc phát hành phiên bản số của đồng Euro. Cụ thể, Hội đồng Điều hành ECB đã chính thức cho phép tiến hành giai đoạn nghiên cứu dự án đồng Euro số, dự kiến kéo dài 2 năm và tiếp đó là 3 năm triển khai.

Nhiệm vụ chính của các NHTW là thiết kế và phát hành đơn vị tiền tệ quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trao đổi, thương mại và giao dịch. Những động thái này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng với các công cụ thanh toán điện tử và ứng phó với sự bùng nổ của tiền ảo trên toàn cầu. 

CBDC có sứ mệnh là mang đến cho người dân, doanh nghiệp an toàn tài chính, sự linh hoạt, thuận tiện và dễ dàng sử dụng ở bất kỳ đâu. CBDC giảm các chi phí duy trì hệ thống tài chính phức tạp, giảm chi phí giao dịch xuyên biên giới.

Ngoài ra, CBDC cũng giảm nguy cơ khi mọi người sử dụng các loại tiền ảo phi tập trung như Bitcoin ngày nay. Những loại tiền này có tính biến động cao, liên tục thay đổi theo tình hình vĩ mô và tâm lý nhà đầu tư. Ngược lại, CBDC do nhà nước hỗ trợ và kiểm soát sẽ ổn định hơn. 

Với Việt Nam, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Một trong những nội dung được nhắc đến trong bản kế hoạch là Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đua tiền điện tử của các Ngân hàng Trung ương toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO