Bảo vệ người tiêu dùng

Cử tri đề nghị bổ sung hỗ trợ lãi suất chủ tàu cá

Phú Nguyễn 21/06/2024 - 13:19

Cử tri tỉnh Kiên Giang đề nghị xem xét bổ sung đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất trong trường hợp cơ cấu lại thời hạn trả nợ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đối với tàu vay vốn theo Nghị định số 67/2014/NĐ- CP, đây cũng là một trong những giải pháp để kéo giảm tình trạng khai thác bất hợp pháp.

Bộ Tài chính vừa trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị có biện pháp hỗ trợ các chủ tàu vay vốn theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã được các Chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, trường hợp này không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Thông tư số 123/2018/TT-BTC ngày 17/12/2018 của Bộ Tài chính.

Theo cử tri, do tác động của dịch Covid-19, hiện này hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành khai thác thủy sản hiện đang khó khăn. Để giúp ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, cử tri kiến nghị xem xét bổ sung đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất trong trường hợp cơ cấu lại thời hạn trả nợ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đối với tàu vay vốn theo Nghị định số 67/2014/NĐ- CP.

ho-tro-lai-suat-tau-ca-kien-giang.jpg
Cử tri tỉnh Kiên Giang đề nghị bổ sung hỗ trợ lãi suất chủ tàu khai thác thủy sản. Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2021, Bộ đã chủ động, tập trung xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi một số Thông tư về cấp bù lãi suất (bao gồm Thông tư số 114/2014/TT-BTC, Thông tư số 123/2018/TT-BTC và Thông tư số 188/2012/TT-BTC).

Trong đó dự kiến bổ sung quy định cho phép các khoản nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 (đã được sửa đổi, bổ sung) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Dự thảo Thông tư này quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid - 19 được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất (kể cả các khoản đã cơ cấu và tất toán trước khi Thông tư có hiệu lực).

Để đảm bảo đúng quy định, Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, các ngân hàng thương mại trực tiếp thực hiện chính sách và đăng Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi theo quy định (Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến 3 lần; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp lấy ý kiến 2 lần).

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dự kiến số tiền cấp bù lãi suất đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN là khoảng 1,9 tỷ đồng.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến các bộ, ngành và các ngân hàng thương mại, việc bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách gặp vướng mắc do tại khoản 6 Điều 5 Luật Đầu tư công quy định “Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi” là đối tượng đầu tư công.

Theo quy định của Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 (Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội đã được phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương) chưa bố trí vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại thực hiện các chính sách tín dụng Nhà nước.

Trong khi đó, tại khoản 10 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã quyết nghị: "Không ban hành các chính sách, chế độ, các chương trình, đề án mới khi không cân đối được nguồn".

Ngoài ra, hiện nay đổi với một số chương trình cấp bù lãi suất cũng vẫn chưa bố trí được nguồn để trả cho các ngân hàng thương mại. Đến hết năm 2023, tổng số tiền ngân sách nhà nước cần phải bố trí để cấp bù lãi suất cho các chương trình này là khoảng 2.261 tỷ đồng, trong đó đổi với chương trình cấp bù lãi suất theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là khoảng 143,2 tỷ đồng. Trong khi đó, chương trình tín dụng đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP có thể kéo dài tới hết năm 2033 vì có nhiều khoản vay có thời hạn dài 16 năm, sẽ tiếp tục phát sinh số nợ cấp bù lãi suất của ngân sách nhà nước đối với các ngân hàng thương mại.

Do đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền bố trí nguồn để xử lý dứt điểm nợ cấp bù lãi suất đối với một số chương trình các ngân hàng thương mại đang triển khai.

Bộ Tài chính cho biết thêm, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, xác định chính xác số tiền ngân sách nhà nước cần phải bố trí để thực hiện các chính sách cấp bù lãi suất qua các ngân hàng thương mại (đã được kiểm toán) theo các quy định đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án xử lý, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công.

Từ tình hình trên, Bộ Tài chính nhận thấy chưa đủ căn cứ để triển khai sửa đổi các Thông tư hướng dẫn cấp bù lãi suất để cho phép các khoản nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cấp bù lãi suất.

Trong thời gian tới, trường hợp phát sinh nhu cầu cấp bù lãi suất và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn đầu tư công để thực hiện, Bộ Tài chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ sẽ căn cứ tỉnh hình thực tiễn và các quy định của pháp luật để đánh giá sự cần thiết và xem xét, ban hành các chính sách cho phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cử tri đề nghị bổ sung hỗ trợ lãi suất chủ tàu cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO