Các nước châu Á – Thái Bình Dương hướng tới công nghệ 6G

Minh Đức| 18/07/2022 13:03

Khoa học – công nghệ ngày càng phát triển nhanh chóng. Trong khi phần lớn thế giới đang đón nhận công nghệ 5G, đã có các quốc gia bắt đầu hướng tới công nghệ 6G.

Theo các báo cáo, mạng 6G sẽ yêu cầu những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ truyền thông để đạt được tốc độ và dung lượng siêu việt. Tốc độ truyền tải của mạng 6G có thể nhanh gấp 10 cho đến 100 lần so với 5G. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ điện năng cực thấp (khoảng 1/100) và phạm vi phủ sóng từ dưới đáy của đại dương cho tới không gian bên ngoài trái đất.

Tại châu Á – Thái Bình Dương, một số công ty công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu đã và đang phát triển công nghệ 6G nhằm áp dụng vào thế giới thực. Đồng thời, các bên cũng đang ngồi lại với nhau để định hình lại các tuyến mạng kết nối.

Điển hình như ở Singapore, trung tâm công nghệ của Đại học công nghệ Nanyang (NTU Singapore) đã tận dụng tần số terahertz để phát triển một phương pháp lai quang tử - điện tử độc đáo. Phương pháp này được sử dụng cho mục đích nâng cấp các thiết bị di động, giúp tăng tốc độ dữ liệu lên vài terabit/giây. Nhờ đó, nhiều ứng dụng mới nổi và các trường hợp sử dụng 6G trong tương lai, bao gồm thực tế tăng cường, giao tiếp ba chiều và điện toán di động sẽ được thực hiện hóa nhanh chóng.

Theo Boon Juan Tan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc nhóm giải pháp đo lường điện tử tổng hợp (GEMS) của Keysight, cho biết: “Keysight rất vui khi được đóng góp vào bước đột phá trong công nghệ 6G bằng cách cung cấp cho NTU Singapore một bản thử nghiệm 6G. Qua đó, chúng tôi mong muốn giúp các kĩ sư phân tích các yếu tố chưa xác thực”.

Ảnh minh họa

Phần mềm và phần cứng tích hợp của Keysight, với hiệu suất tiên tiến trong khoa học đo lường áp dụng cho công nghệ 6G, cho phép NTU mô tả chính xác các mô-đun thu phát phức tạp. Keysight sử dụng bộ tạo sóng tốc độ cao (AWG) do chính công ty phát triển, bộ phân tích mạng (PNA), bộ tạo tín hiệu (PSG) và bộ chuyển đổi đa chiều (VDI) nhằm tạo ra một giải pháp then chốt giúp kiểm tra và xác định toàn diện các thiết bị quang điện tử terahertz trên chip.

Trong khi đó tại Nhật Bản, NEC đang kết hợp với NTT DOCOMO và NTT để thử nghiệm mạng 6G. Các bên sẽ làm việc trên công nghệ MIMO phân tán nhằm xúc tiến băng tần 6GHz và tạo ra dung lượng “khủng” cho công nghệ truyền tải đa kênh OAM bằng cách ghép không gian của sóng vô tuyến băng tần cao.

NEC cũng tiến hành R&D trong các thiết bị công nghệ để giảm mức tiêu thụ điện năng. Điều này bổ trợ cho sự phát triển của các công nghệ tối ưu và xử lý tín hiệu khi áp dụng AI. NEC đặt mục tiêu phát triển và hiện thực hóa các công nghệ siêu tiên tiến để hỗ trợ việc khởi động các dịch vụ 6G của DOCOMO và NTT vào năm 2030.

Đối với NEC, 6G không chỉ là một bước nhảy vọt mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ mà còn là một cơ sở hạ tầng xã hội đầy hứa hẹn. Thông qua việc cộng tác với DOCOMO và NTT, NEC sẽ đẩy nhanh quá trình R&D về công nghệ truyền thông và thực hiện hóa các dịch vụ 6G trong xã hội.

Naoki Tani, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc công nghệ tại DOCOMO phát biểu: “NEC và DOCOMO đã hợp tác từ năm 2014 để xác minh các công nghệ không dây và tạo ra các sáng kiến mới của 5G. Chúng tôi rất vui khi tiếp tục làm việc với NEC với tư cách là đối tác trong quá trình thử nghiệm 6G”.

DOCOMO và NTT cũng đang hợp tác với Nokia để hướng tới mục tiêu 6G. Sự hợp tác này tập trung vào việc chứng minh lợi ích của bộ phát sóng dựa trên AI, cũng như kiểm tra tốc độ đọc dữ liệu.

Cả Nokia và DOCOMO đều có lịch sử lâu dài trong nghiên cứu và giới thiệu công nghệ không dây. Với sự kết nối giữa các bên, Nokia, DOCOMO và NTT sẽ tiếp tục định hình thế hệ công nghệ đầy triển vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các nước châu Á – Thái Bình Dương hướng tới công nghệ 6G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO