Tước đoạt cơ hội việc làm

Lý Hay Chuyện| 20/04/2017 23:00

Khi phải đưa hối lộ để có được việc làm cũng đồng nghĩa với việc người nhận hối lộ đã tước đoạt cơ hội việc làm của người khác.

Hình ảnh minh họa

Trong những kết quả được Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố ngày 4/4 vừa qua, con số 54% người được khảo sát cho biết cần đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước khiến nhiều người Việt xót xa.

Đặt con số này bên cạnh con số mỗi năm luôn có hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, riêng quý I/2017 cả nước có 1,14 triệu người thất nghiệp (trong đó có hơn 500.000 thanh niên từ 15-24 tuổi), mới thấy hiện trạng ngày càng nhức nhối. Khi phải đưa hối lộ để có được việc làm cũng đồng nghĩa với việc người nhận hối lộ đã tước đoạt cơ hội việc làm của người khác.

Trong đó chắc chắn có người trình độ cao hơn, tài năng hơn người có việc làm nhờ đưa hối lộ. Vì nghèo, vì lòng tự trọng…, họ không chọn cách thức hối lộ, “chạy” chỗ làm mà muốn tìm cơ hội việc làm bằng chính năng lực của mình. Cũng vì không quen biết, không thế lực, không có các mối quan hệ xã hội rộng rãi, họ mất dần cơ hội việc làm trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Nhiều người phải chấp nhận làm việc trong những điều kiện thấp hơn, bị o ép nhiều mặt và kiên nhẫn chờ đợi vào biên chế nhà nước, đồng nghĩa với sự ổn định về tiền lương, phúc lợi cùng những ưu đãi khác…

Có ai quên những giọt nước mắt của rất nhiều người ngành y tế, giáo dục ở một số địa phương bị buộc phải nghỉ việc do sai phạm của người tiếp nhận, do tinh giản biên chế, nhân sự? Một điển hình như ông Nguyễn Sĩ Kỷ, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, lúc làm chủ tịch UBND huyện Krông Pắk của tỉnh này (2011-2015), chỉ đạo ký hợp đồng dư tới 80 giáo viên so với biên chế được giao, ký hợp đồng với 600 giáo viên, bổ nhiệm dư 35 cán bộ quản lý giáo dục. Sau khi thanh tra, nhiều giáo viên phải ngậm ngùi mất việc song ông cựu chủ tịch chỉ nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo và trước đó thuyên chuyển công tác về tỉnh. Có lẽ ai cũng hiểu nhờ đâu ông Kỷ xây được nhà cao cửa rộng, không phải là những cuốc xe ôm như ông biện bạch.

Không chỉ những ngành nghề có “màu” như thanh tra giao thông, xây dựng, tài chính, ngân hàng… người ta mới tranh nhau “chạy”, ngay những công việc thuần túy hành chính sự nghiệp như giáo viên, nhân viên y tế, bảo hiểm xã hội, ở nhiều tỉnh vẫn là mơ ước của bao người. Một đợt thi tuyển là cả địa phương như sôi sùng sục, người ta rỉ tai nhau và “cò” ra giá thẳng thừng. Do phải chung chi để có việc làm nên không ít người khi vào làm việc đã nhanh chóng tha hóa, quay trở lại nhũng nhiễu, trục lợi, làm giàu bất chính. Họ cùng với người nhận hối lộ để đưa vào làm việc đã làm xấu đi hình ảnh “công bộc” của dân, vi phạm đạo đức công vụ.

Khi quyền được làm việc là quyền thiêng liêng, được hiến định lại bị người khác tước đoạt đi bằng “bàn tay bẩn”, vấn đề phải được xem là chuyện nghiêm trọng và ngăn chặn bằng luật pháp. Đồng thời, phải thay lối tư duy bám vào cơ quan nhà nước bằng tìm cơ hội việc làm trong các thành phần kinh tế, nhất là với lao động trẻ có học vấn, tay nghề.

* Bài viết thể hiện ý kiến của riêng tác giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tước đoạt cơ hội việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO