TP.HCM: Người bị lừa khóc than, kẻ lừa đảo nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật

Võ Đoàn| 26/03/2017 08:48

Khi thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) để vay mượn tiền của bạn, bà Huấn làm giấy cam kết 3 GCN dùng thế chấp không giả mạo để chiếm đoạt tài sản của bất kỳ ai. Thế nhưng thực tế là...

Là chỗ quen biết, bà Tuyết tin tưởng nên cho vợ chồng bà Huấn vay tiền 1,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo số tiền vay sẽ được hoàn trả đúng hẹn, bà Huấn thế chấp 3 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở (GCN). Thế nhưng, sau khi cho bạn vay tiền xong, bà Tuyết đi dò hỏi mới biết tất cả các GCN mà bà Huấn thế chấp vay tiền đều là giả. Trong khi bà Tuyết đứng ngồi không yên vì bị lừa thì bà Huấn lại sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật vì cơ quan chức năng không can thiệp.

Thế chấp vay tiền bằng giấy tờ giả

Theo đó, lợi dụng lòng tin của bạn bè, bà Hoàng Thị Huấn (ngụ phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) đã dùng nhiều giấy tờ giả để thế chấp vay tiền của bà Nguyễn Ngọc Tuyết. Sự việc sau đó được trình báo đến Công an địa phương. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã không nhận thụ lý vụ việc khiến nạn nhân hoang mang, bức xúc.

 Bà Nguyễn Ngọc Tuyết, trình bày với phóng viên 

Theo lời bà Tuyết, dù là chỗ quen thân nhưng khi vay muợn tiền, bà Huấn có thế chấp liên tục cho các lần vay là 3 GCN. Nghĩ đơn giản là giúp bạn lúc khó khăn nên bà Tuyết không nghi ngờ gì mà lấy tiền cho bạn vay. Cụ thể, vào ngày 25/10/2007 chồng bà Huấn là ông Vũ Văn Sứng mượn của bà Tuyết 100 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền vay lần này ông Sứng không thế chấp gì. Thấy bà Tuyết là người bạn dễ vay tiền, bà Huấn sau đó liên tục vay mượn với số tiền hơn tỉ đồng.

Ngày 21/4/2008, bà Huấn đã vay bà Tuyết số tiền 500 triệu đồng và thế chấp GCN do ông Nguyễn Văn Đón (ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) đứng tên sở hữu. Tiếp đến, ngày 24/4/2008 (tức 3 ngày sau) bà Huấn lại tiếp tục dùng một GCN mang tên Nguyễn Văn Sà (ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) để thế chấp vay tiền bà Tuyết với số tiền 500 triệu đồng. Chưa dừng lại, đến ngày 2/5/2008, bà Huấn lại dùng GCN mang tên Đào Thị Ánh (ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) để vay thêm 100 triệu đồng. Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 1 tháng, bà đã cho vợ chồng bà Hoàng Thị Huấn vay tổng số tiền vợ lên tới 1,2 tỉ đồng.

“Khi thế chấp GCN để vay mượn tiền, để lấy lòng tin tuyệt đối của tôi, bà Huấn làm giấy cam kết 3 GCN dùng thế chấp không giả mạo để chiếm đoạt tài sản của bất kỳ ai. Nếu xảy ra điều gì sai trái, bà Huấn sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, sau khi đến hẹn bà Huấn không chịu trả tiền, tôi đã đi tìm hiểu thì biết các GCN bà Huấn mang thế chấp đều là giả hoặc không còn giá trị sử dụng”, bà Tuyết cho biết.

Lừa đảo có tổ chức?

Trong quá trình xác minh giá trị pháp lý các GCN của bà Huấn mang đi thế chấp vay tiền, bà Tuyết biết được tất cả các giấy tờ đều hết thời hạn nhưng được lưu giữ. Cụ thể, đối với GCN do ông Nguyễn Văn Đón đứng tên đã làm thừa kế chuyển đổi tên, lập sổ mới và sổ cũ này được lưu lại tại chính quyền địa phương. Tương tự, với GCN mang tên Nguyễn Văn Sà cũng là giấy cũ đang lưu giữ. Riêng GCN mang tên Đào Thị Ánh thì không có cơ sở để xác minh.

Từ những tình tiết nêu trên, bà Tuyết đặt nghi vấn vụ lừa đảo có sự kết hợp giữa bà Hoàng Thị Huấn với cán bộ địa chính xã (nơi lưu giữ GCN cũ). “Chỉ có sự phối hợp giữa cán bộ chính quyền địa phương thì bà Huấn mới có được các GCN. Trong trường hợp, nếu không có sự “hợp tác” thì bà Huấn chắc chắn được quy vào tội trộm cắp hồ sơ, tài liệu của cơ quan Nhà nước trong kho lưu trữ. Dù vậy, với các hành vi lừa đảo và trộm cắp như thế nhưng bà Huấn vẫn sống vui vẻ, nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Tôi đã trình báo vụ việc với cơ quan chức năng nhưng nhiều năm qua không ai giải quyết”, bà Tuyết khẳng định.

Bà Tuyết còn cho biết biết thêm, bà quen thân với bà Huấn từ trước và rất tin tưởng bạn. Do đó, khi nghe bà Huấn nói cho vay mượn tiền để giải quyết việc trong vòng 1 tháng sẽ trả lại thì bà Tuyết đồng ý. Bà Tuyết cho rằng, hành động của mình chỉ để giúp bạn gặp khó khăn. Thế nhưng, bà Tuyết không ngờ rằng bà Huấn lại có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của bạn bè như thế. Bà Tuyết nói: “Tôi đã gửi đơn lên Công an TP.HCM. Sau đó, tôi biết được Phòng Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.HCM khởi tố, nhưng không hiểu sao vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Vậy là, từ năm 2008 người vay tiền có dấu hiệu lừa đảo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật mà không ai làm gì được?”.

Theo lời bà Tuyết, Viện KSND TP.HCM cũng đã ra quyết định không khởi tố vụ án. Do đó, bà Tuyết cho rằng Viện KSND TP.HCM không khách quan và vội vàng trong việc ra quyết định. “Trước đó, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can số 903-50 đối với bà Hoàng Thị Huấn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên, Viện KSND TP.HCM sau đó đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Liên quan đến việc bà Huấn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà Tuyết, cơ quan chức năng quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì không có cơ sở. Lý do đưa ra là việc bà Huấn vay tiền bà Tuyết có làm giấy xác nhận vay tiền, có giấy cam kết trả nợ theo hạn, do đây là một giao dịch dân sự nên chỉ được giải quyết vụ án dân sự. “Việc bà Tuyết cho bà Hoàng Thị Huấn vay tiền 1,2 tỉ đồng là tự nguyện, có lãi suất và có nhận thế chấp. Đây là quan hệ dân sự nên không có sự việc phạm tội xảy ra”, quyết định của Viện KSND TP.HCM nêu rõ.

* Để có thông tin rõ ràng hơn về vụ việc này, báo CL&XH sẽ liên hệ với các cơ quan liên quan để tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Người bị lừa khóc than, kẻ lừa đảo nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO