TP.HCM: Liệu Chi cục THA dân sự huyện Bình Chánh có cưỡng chế “lố”?

Minh Đức – Minh Sang| 02/01/2020 10:57

Nhà xưởng, nhà ở công nhân, bảng hiệu Công ty đều bị Chi cục thi hành án dân sự (THADS) huyện Bình Chánh tháo dỡ để trả lại “hiện trạng ban đầu” trong khi diện tích bị cưỡng chế để thi hành án lại là thửa đất nằm phía trong.

Không giảm trừ diện tích trước khi tiến hành cưỡng chế

Công lý Xã hội nhận được đơn cầu cứu của ông Cao Thuận Phong (ngụ số 36/8A9/2A, đường Huỳnh Thiện Lộc, phường Hoà Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) phản ánh về việc Chi cục thi hành án dân sự (CCTHADS) huyện Bình Chánh tiến hành cưỡng chế đất của ông để thi hành án nhưng phần đất đó lại không nằm trong diện tích TAND hai cấp đã tuyên.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 983/2018/DS-PT của TAND TP.HCM ngày 30/10/2018 tuyên xử ông Cao Thuận Phong phải thực hiện việc tháo dỡ, di dời toàn bộ công trình, nhà xưởng, vật liệu, máy móc đang tồn tại trên phần đất, trả lại hiện trạng khu đất có diện tích 2.491,5m2 tại địa chỉ: B19/395T Nguyễn Đình Kiên, thuộc thửa 63, tờ bản đồ số 09/BĐĐC/2005, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh cho vợ chồng ông Phùng Thanh Phong và bà Lương Minh Huệ ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

Gần một tháng sau, ngày 22/11/2018, Chi cục Trưởng CCTHADS huyện Bình Chánh ban hành quyết định số 805/QĐ-CCTHADS buộc người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Vận tải Kim Ngọc (Công ty Kim Ngọc) và ông Cao Thuận Phong phải tháo dỡ trả lại hiện trạng đất có diện tích nêu trên để thi hành án.

1-chi-cuc-thi-hanh-an-binh-chanh-1-w700-h525.jpg

Chi cục thi hành án dân sự huyện Bình Chánh

Qua một thời gian, ngày 22/7/2019, Chấp hành viên (CHV) Nguyễn Thị Ngọc Thanh CCTHADS huyện Bình Chánh ban hành quyết định số 57/QĐ-CCTHADS và số 58/QĐ-CCTHADS về việc cưỡng chế buộc người đại diện theo pháp luật Công ty Kim Ngọc và ông Cao Thuận Phong thực hiện công việc. Nội dung quyết định nêu, trường hợp người bị buộc thực hiện công việc không thực hiện, cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định phạt tiền và ấn định thời gian 05 ngày làm việc để thực hiện nghĩa vụ, hết thời hạn đó sẽ giao cho người có điều kiện thực hiện hoặc CHV đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Ngày 19/8/2019, ông Cao Thuận Phong gửi đơn đến CCTHADS huyện Bình Chánh yêu cầu hoãn thi hành án theo Quyết định số 57/QĐ-CCTHADS và số 58/QĐ-CCTHADS với lý do CCTHADS chưa xác định ranh giới đất cưỡng chế và diện tích đất 2.491,5m2 bị thi hành án đang có tranh chấp theo thông báo thụ lý vụ án số 543/TB-TLVA ngày 08/8/2019 của TAND huyện Bình Chánh.

Tiếp theo ngày 06/9/2019, CHV Nguyễn Thị Ngọc Thanh, CCTHADS huyện Bình Chánh lại ban hành thông báo số 1776/TB-THADS với nội dung sẽ kiểm tra hiện trạng tài sản trên phần đất thi hành án mà vẫn không có động tác đo đạc giảm trừ diện tích phục vụ cho việc thi hành án đúng diện tích, đúng vị trí ranh giới theo bản án TAND hai cấp đã tuyên.

Để biết rõ thêm phần diện tích và ranh giới đất sẽ thi hành án, ngày 16/12/2019 một lần nữa ông Cao Thuận Phong đến tìm gặp CHV Nguyễn Thị Ngọc Thanh để xin xác nhận vị trí thi hành án và yêu cầu được tự nguyện tháo dỡ di dời tài sản trong thời gian 07 ngày kề từ ngày 17/12/2019. CCTHADS huyện Bình Chánh ghi nhận ý kiến của ông Phong và cho biết đã có kế hoạch cưỡng chế số 230/KHCC ngày 22/11/2019 nên việc cưỡng chế phải thực hiện theo quy định. Việc ông Cao Thuận Phong yêu cầu sẽ được Đoàn cưỡng chế xem xét và quyết định tại buổi cưỡng chế.

1-chi-cuc-thi-hanh-an-binh-chanh-1-w700-h525.jpg

Ông Cao Thuận Phong chỉ nhà xưởng, nhà công nhân ở, trụ sở Công ty Kim Ngọc bị cưỡng chế, trả lại hiện trạng ban đầu mà không nằm trong phần thi hành án

Cưỡng chế “lố” gần 400m2 đất?

Sáng hôm sau, tức ngày 17/12/2019, Đoàn cưỡng chế đến hiện trường. Theo ông Cao Thuận Phong, lúc đó có 3 người thợ của ông Phong đang tiến hành tháo dỡ thì bị Đoàn cưỡng chế không cho tháo dỡ, họ đuổi ra ngoài để Đoàn cưỡng chế làm việc. Tất cả máy móc, thiết bị công nghệ cao của ông Phong bị tháo dỡ theo hình thức cào bằng, hư hỏng hết.

Ông Phong bức xúc: “Bản đồ hiện trạng vị trí - xác định ranh được Trung tâm đo đạc bản đồ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đo vẽ ngày 07/7/2017 theo yêu cầu của TAND huyện Bình Chánh thì diện tích thực tế tôi đang sử dụng làm nhà xưởng là 2.882,1m2. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm của hai cấp toà tuyên buộc tôi trả lại cho ông Phùng Thanh Phong và bà Lương Minh Huệ diện tích đất chỉ là 2.491,5m2. Như vậy phần còn dư gần 400m2 nằm ngoài mặt tiền đường có nhà xưởng, nhà công nhân, trụ sở Công ty Kim Ngọc và bảng hiệu cũng bị Đoàn cưỡng chế tháo dỡ, san phẳng tan nát hết để trả lại hiện trạng ban đầu là mảnh đất trống”.

Ông Phong cho biết thêm, như vậy diện tích gần 400m2 đất còn lại đang nằm vị trí nào? Tại sao CCTHADS huyện Bình Chánh không thực hiện động tác giảm trừ diện tích để xác định ranh giới trước khi có động tác thi hành cưỡng chế? Nhà xưởng, nhà ở công nhân thuộc thửa đất khác, tất cả không nằm trong diện tích thi hành án nhưng cũng bị tháo dỡ luôn. Ngày hôm sau, tức 18/12/2019, CCTHADS huyện Bình Chánh mới tiến hành tổ chức đo đạc. 

Ngày 20/12/2019, CHV Nguyễn Thị Ngọc Thanh ban hành thông báo số 334/TB-THADS với nội dung yêu cầu ông Cao Thuận Phong nhận lại tài sản. Hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày được thông báo nhưng không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì CHV sẽ xử lý tài sản theo quy định. Như vậy, tại sao không di dời máy móc, tài sản có trên đất bị cưỡng chế qua phần đất không bị cưỡng chế mà lại chở đi hết, sau đó ra thông báo yêu cầu nhận lại!

1-chi-cuc-thi-hanh-an-binh-chanh-w700-h525.jpg

Phần tô đỏ bị cưỡng chế nằm ngoài diện tích thi hành án (Bản đồ hiện trạng vị trí – xác định ranh do TAND huyện Bình Chánh yêu cầu đo đạc)

Theo như bản án hai cấp đã tuyên thì phần đất được giao cho ông Phùng Thanh Phong và bà Lương Minh Huệ theo Giấy chứng nhận QSDĐ và Bản đồ hiện trạng vị trí - xác định ranh là phần đất có diện 2.491,5m2 bị thi hành án nằm phía trong thuộc thửa số 63, tờ bản đồ số 9. Còn phần đất diện tích gần 400m2 lại nằm ở ngoài mặt đường không liên quan nhưng CCTHADS huyện Bình Chánh vẫn tiến hành cưỡng chế.

Chúng tôi tìm đến làm việc theo đơn cầu cứu của ông Cao Thuận Phong tại CCTHADS huyện Bình Chánh thì được bảo phải lên Cục THADS TP HCM, ở đây không có chức năng trả lời báo chí. Chúng tôi lại đến Cục THADS để tìm hiểu, cán bộ truyền thông – báo chí đề nghị ghi lại nội dung và sẽ chuyển đến bộ phận chuyên môn nghiên cứu, hứa sẽ trả lời sau hai tuần nữa.

Một điều kỳ lạ nữa là nhà xưởng, máy móc đang tồn tại trên phần đất có tổng diện tích 2.882,1m2 (2.491,5m2 bị thi hành án) đã có từ năm 2006, trong khi hợp đồng thuê mặt bằng giữa ông Cao Thuận Phong và ông Phùng Thanh Phong được ký vào ngày 16/7/2015 chỉ là thuê đất. Như vậy, CCTHADS huyện Bình Chánh tiến hành cưỡng chế để trả lại “hiện trạng ban đầu” của thửa đất số 63, tờ bản đồ số 9 là như thế nào? Bởi vì “hiện trạng ban đầu” của đất trước thời điểm ký kết hợp đồng (năm 2015) là trên đất đã có nhà xưởng và nhà ở. Câu trả lời dành cho các ngành chức năng có thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Liệu Chi cục THA dân sự huyện Bình Chánh có cưỡng chế “lố”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO