Thừa Thiên-Huế: “Đi đường tắt” để được việc, tiền mất tật mang

Anh Vũ| 30/09/2019 10:44

Lợi dụng nhu cầu người dân cần tìm việc làm cao, nhiều đối tượng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tái diễn chiêu trò cũ, tự xưng “có mối quan hệ rộng” có thể chạy được vào cơ quan Nhà nước để nhận tiền xin việc khiến không ít nạn nhân cả tin sập bẫy.

Những cán bộ ‘biến chất”

Trong khoảng thời gian từ tháng 10/2015 đến tháng 8/2016, với “vỏ bọc” là cán bộ hưu trí Nhà nước, từng công tác tại tại Công an phường Tây Lộc, TP Huế, Lê Thị Thu trú tại 03/129 Trần Quốc Toản, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã rêu rao quen biết nhiều người có khả năng giúp xin việc vào nhiều cơ quan đơn vị. Nhiều người tin tưởng lời nói của bà Thu nên có 11 trường hợp đưa tiền trực tiếp cho bà ta và 14 trường hợp thông qua bà Nguyễn Thị Thanh Hương để đưa tiền nhờ Thu xin việc.

Trên thực tế, cơ quan cảnh sát điều tra đã xác minh tại các cơ quan mà Thu nhận có khả năng xin việc thì được biết các cơ quan trên không nhận hồ sơ các trường hợp mà Thu đã nhận tiền. Bằng thủ đoạn trên, Thu đã chiếm đoạt của 25 bị hại với tổng số tiền là 7.235.000.000 đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Tương tự thủ đoạn trên, Nguyễn Thị Thanh Hoa (trú phường Thuận Hòa, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là cán bộ hưu trí của Trung tâm y khoa MEDIC Huế. Mặc dù biết rõ mình không có khả năng xin việc cho nhiều người nhưng do cần tiền để trả nợ và chi tiêu cá nhân, Hoa vẫn gặp và nói với các bị hại là mình quen biết với nhiều cán bộ lãnh đạo, có khả năng xin việc cho nhiều người vào công tác tại các cơ quan Nhà nước.

Khi có người đến nhờ xin việc, Hoa đưa ra chi phí trọn gói khác nhau tùy thuộc vào nơi xin việc, nếu đồng ý thì phải nộp cho Hoa một khoản tiền đặt trước, trong thời hạn từ 1 đến 2 tháng nếu không xin được việc, Hoa sẽ trả lại tiền cọc đầy đủ. Tin tưởng vào lời nói của Hoa, nhiều người đã giao tiền đặt cọc để nhờ Hoa xin việc, khi nhận tiền Hoa giao cho người xin việc bộ hồ sơ để về làm, sau đó người xin việc tự đi nộp tại nơi xin việc hoặc đưa lại cho Hoa. Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 5/2015, Hoa đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 95 người. Mới đây, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đưa ra xét xử và tuyên án 17 năm tù đối với Nguyễn Thị Thanh Hoa về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

anh-1-1-w953-h562.jpg

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hoa tại phiên xét xử

Ở một vụ án khác, với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2010 đến tháng 12/2015, Nguyễn Nguyễn Linh Lan (phường Phường Đúc, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã dùng thủ đoạn gian dối giả vờ xin việc làm để chiếm đoạt của nhiều người với tổng số tiền là 2.029.000.000 đồng.

Trên thực tế, vẫn còn những vụ việc và những kẻ lừa đảo chưa bị phát hiện điều tra, xử lý. Điều đáng nói là các đối tượng đều là cán bộ đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, lợi dụng vị trí và địa vị của mình để thực hiện hành vi lừa đảo, sử dụng số tiền đã chiếm đoạt được để ăn chơi, phục vụ nhu cầu cá nhân.

Bài học đắt giá

Mong muốn xin được việc làm ổn định tại một cơ quan Nhà nước hoặc chuyển đổi công việc đến nơi có điều kiện tốt hơn là nhu cầu chính đáng, thiết thực. Song do tâm lý nóng vội của người dân thường mong muốn có việc làm ổn định nhưng lại không chịu tìm hiểu, xác nhận nguồn thông tin tại vị trí, cơ quan mình muốn được chuyển đến nên dễ dàng “sập bẫy” các đối tượng.

Bà Trần Thị D. (thôn Quật Xá, Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị), một trong số 95 nạn nhân của “thương vụ” lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hoa cho biết: “Con gái tôi sau khi học ra trường, có nhu cầu xin việc vào Bệnh viện TW Huế. Phận làm cha mẹ ai cũng mong muốn con cái mình có công ăn việc làm ổn định nên gia đình đã vay mượn đưa 150 triệu đồng cho bà Hoa. Thế nhưng từ năm 2014 đến nay, con tôi vẫn chưa có việc làm, gia đình phải đi vay với lãi suất cao để có tiền trả nợ ngân hàng, cuộc sống cùng cực vô cùng”. 

Chị Nguyễn Thị Thu Hường (trú tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết, đầu tháng 6/2014, nghe nói Nguyễn Nguyễn Linh Lan (trú tại TP Huế) đã xin được việc cho nhiều người nên vợ chồng chị đặt vấn đề để xin việc cho con là Lê Anh Phương (SN 1993, tốt nghiệp y sỹ đa khoa Viện Quân y 268 tỉnh Thừa Thiên - Huế). Lan cho biết chi phí chạy xin vào bệnh viện thành phố Huế là 160.000.000 đồng, vào bệnh viện y học cổ truyền là 155.000.000 đồng, vào khoa da liễu là 120.000.000 đồng và cam kết chạy xin không được sẽ trả lại tiền.

anh-1-1-w953-h562.jpg

Người bị hại chỉ biết ngậm ngùi trong xót xa vì sự nhẹ dạ cả tin mất tiền oan

“Mặc dù số tiền khá lớn, nhưng với mong muốn con cái có một tương lai tươi sáng. Gia đình tôi “bấm bụng” vay mượn đồng ý nhờ Lan chạy xin cho con vào làm tại bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ngày 01/7/2014, vợ chồng tôi đã đưa 155.000.000 đồng cho Lan. Thế nhưng con không những không xin được việc làm, gia đình còn phải trả một khoản vay lớn và còn nhận lại một bài học đắt giá vì sự cả tin…” – Chị Hường nói trong chua xót.

Nói về các vụ án lừa đảo “chạy” việc làm gần đây, Thẩm phán Nguyễn Thanh Lộc - Chánh Tòa hình sự TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ, tuy thủ đoạn của các đối tượng không mới nhưng do nhu cầu việc làm của những sinh viên đã tốt nghiệp cao, bên cạnh đó, tâm lý của nhiều người dân cho rằng việc thi tuyển vào các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước có nhiều tiêu cực, phải “chạy” mới mong có việc làm, chính vì vậy mà các bị cáo vẫn có cơ hội lừa đảo.

Để tránh rơi vào “bẫy chạy việc làm” của những kẻ lừa đảo, Thẩm phán Lộc khuyến cáo những người có nhu cầu về công việc cần phải tìm hiểu kỹ khả năng của người có ý định nhờ cậy; tuyệt đối không tin tưởng lời của những người không có quyền hạn; phải biết sàng lọc thông tin và kiểm chứng nhu cầu sử dụng lao động ở nơi dự định xin vào làm việc. Mặt khác, mọi người cần phải thấy rằng thị trường lao động và việc tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước có quy trình rất chặt chẽ và luôn được thông báo minh bạch và dễ dàng tìm kiếm trên mạng.

Tuy số vụ việc xảy ra trên địa bàn Huế chưa nhiều nhưng đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho các gia đình, cá nhân đang có ý định “chạy việc”. Có nhiều vụ, quá trình diễn ra chỉ là những cuộc gặp gỡ, trao đổi bình thường, khi nhận tiền người gây án thường chỉ viết giấy vay nợ để lách luật. Nhiều trường hợp, sau khi giao dịch thành công, nhận tiền bỏ túi, đối tượng liền cao chạy xa bay mà nạn nhân không thể tìm nổi.

Đây là bài học lớn cho những người muốn “đi đường tắt” để được việc mà không hề mảy may suy nghĩ, nhẹ dạ, cả tin. Chính bị hại đã vô tình tiếp tay cho những kẻ lừa đảo, khi sự việc xảy ra không kịp thời trình báo với các cơ quan chức năng để sớm tìm ra sự thật và ngăn chặn những hành vi tiếp theo. Mong rằng người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực phòng ngừa và đấu tranh, tố giác với những thủ đoạn của loại tội phạm này, tránh để tình trạng “tiền mất, tật mang”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên-Huế: “Đi đường tắt” để được việc, tiền mất tật mang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO