Thái Bình: Tiền hỗ trợ cho nông dân gặp thiên tai đi về đâu?

Trần Kim| 09/03/2022 12:09

Năm 2016, UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt phương án hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải bị thiệt hại trong đợt rét đậm, rét hại. Thế nhưng, đã hơn 7 năm trôi qua, đến nay người dân vẫn mòn mỏi đợi chờ trong thất vọng.

Nỗi lòng ai tỏ?

Trao đổi với phóng viên, ông Tống Xuân Tuân (thôn Bình Thành, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) cho biết, gia đình ông có gần 1 ha nuôi cá vược theo mô hình nuôi cá thương phẩm mà Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn. Đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016, toàn bộ số cá vược gia đình nuôi bị chết nổi trắng mặt ao, không còn sót con nào.

 “Cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Nam Phú là anh Trần Văn Lữ đến nhà xem xét thống kê thiệt hại của gia đình tôi là 100%. Theo chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất của UBND tỉnh, tôi và các hộ NTTS trong xã được gọi lên xã ký xác nhận số lượng thiệt hại sau khi đã thống kê. Thế nhưng, kể từ đó cho đến nay, gia đình tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ một đồng hỗ trợ nào. Chúng tôi kiến nghị rồi đợi chờ mòn mỏi từ năm này sang năm khác mà các cấp chính quyền địa phương vẫn không chịu giải quyết”, ông Tuấn Xuân Tân nói. 

Trường hợp của ông Phạm Huy Thục (thôn Bình Thành, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) cũng tương tự. Gia đình ông Thục có diện tích NTTS lên tới gần 20ha,  diện tích cá chết trên 70% là hơn 10ha được cán bộ xã xác nhận và giao gia đình chôn xử lý tránh để gây ô nhiễm môi trường, đồng thời lập danh sách hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay không hiểu vì lý do gì mà phía gia đình chưa nhận được tiền hỗ trợ của nhà nước.

1-2-w1000-h750.jpg

Ông Tống Văn Tuân và một số hộ dân trình bày sự việc với phóng viên Báo Công lý

Không chỉ gia đình ông Tuân và ông Thục, hiện ở xã Nam Phú có 25 hộ dân NTTS bị thiệt hại nghiêm trọng trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016 đã được thống kê, lập danh sách và phê duyệt ngân sách chi trả nhưng đến nay vẫn không nhận được sự hỗ trợ này.

Được biết, trong khoảng thời gian ngày từ 22-28/01/2016 đã xảy ra đợt rét đậm, rét hại khiến hàng trăm hecta NTTS của tỉnh Thái Bình thiệt hại nghiêm trọng. Trong đó, hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy bị thiệt hại nghiêm trọng nhất. Căn cứ vào chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 1055/QĐ-UBND phê duyệt cơ chế hỗ trợ. Số tiền 5 tỷ 138 triệu đồng cấp cho các hộ NTTS bị thiệt hại trên hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải lấy từ nguồn ngân sách trung ương 70%, số còn lại từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh. Đối tượng và điều kiện được hỗ trợ là các hộ NTTS có tỷ lệ cá chết trên 70%, định mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha.

Tại huyện Tiền Hải có 4 xã được hỗ trợ là Nam Thịnh, Nam Cường, Nam Phú, Đông Minh với tổng diện tích 68,61ha, tương đương 680 triệu đồng. Trong đó, xã Nam Phú có 25 hộ dân NTTS bị hiệt hại trên 70% với tổng số diện tích thống kê là 45,1ha, tương ứng 450 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này đến nay đã hơn 7 năm vẫn chưa chi trả, khiến nông dân bức xúc.

Vì đâu nên nỗi?

Những tưởng sự quan tâm kịp thời của UBND tỉnh Thái Bình sẽ bù đắp phần nào thiệt hại cho nông dân khi gặp thiên tai, nhưng đến nay cái mà người nông dân nhận được chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Thêm vào đó là tốn kém rất nhiều thời gian để thực hiện ký hàng loạt giấy tờ. Theo phản ánh của người dân, việc chậm chi trả do UBND xã và Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện thống kê khống diện tích bị thiệt hại thực tế. Vì vậy, một số hộ dân đã làm đơn khiếu nại đề nghị làm rõ. Từ đó cơ quan chức năng tạm dừng việc chi trả.

Một người dân cho rằng diện tích thống kê thiệt hại tại xã Nam Phú mà UBND xã, UBND huyện báo cáo lên UBND tỉnh là 45ha, tuy nhiên con số thực tế chỉ có khoảng 35ha. Điều đó, khi người dân phát hiện ra khi UBND xã công bố danh sách được nhận hỗ trợ và kiến nghị thì chính quyền không giải quyết mà im lặng, giữ tiền hỗ trợ lại. Như vậy, địa phương đã thống kê sai, còn cố gắng bao che sự việc, khiến người dân bị thiệt hại đủ bề, không có tiền để khôi phục sản xuất, phải đi vay mượn khắp nơi.

2-2-w1000-h1333.jpg

Đơn kiến nghị của các hộ dân xã Nam Phú

Tại buổi làm việc với UBND xã Nam Phú, ông Nguyễn Văn Chuyển – Phó Chủ tịch UBND xã xác nhận có xảy ra vấn đề chậm chi trả tiền hỗ trợ khôi phục sản xuất, khiến người dân bức xúc kiến nghị. Khi được hỏi nguyên nhân gì mà thời gian 7 năm phía huyện vẫn chưa  chi trả cho người dân ông Chuyển cho biết, cho đến bây giờ nguyên nhân vì sao người dân chưa được nhận tiền hỗ trợ thì ông không được rõ vì thẩm quyền chi trả thuộc về UBND huyện Tiền Hải.

“Khi xảy ra thiệt hại do rét đậm, rét hại, nhận chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã phối kết hợp với Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thống kê và báo cáo nhanh các hộ dân bị thiệt trên 70% diện tích. Tuy nhiên, khi tiến hành chi trả thì một số hộ dân không nằm trong danh sách, có ý kiến là diện tích không chính xác. Do lúc đó là mùa nước rút nên diện tích NTTS bị thu hẹp lại. Có hộ có diện tích nuôi trồng vài héc ta nhưng mùa nước cạn thì chỉ còn khoảng một héc ta. Vì vậy, khi kiểm tra lại thì diện tích thật sự bị thiệt hại chưa được khớp lắm, do đó huyện chỉ đạo thu hồi số tiền trên về ngân sách cấp trên để điều tra làm rõ”, ông Chuyển cho biết thêm.

Cũng theo ông Chuyển, xã không thống kê sai. Tại thời điểm năm 2016, toàn xã có gần 100 hộ nuôi trồng thủy sản nước ngọt bị ảnh hưởng do đợt rét đậm rét hại. Các hộ dân trong danh sách thống kê bị thiệt hại đều là các hộ dân bị thiệt hại nghiêm trọng nhất, tất cả đều thiệt hại trên 70% diện tích nuôi trồng. Tuy nhiên, diện tích thống kê là diện tích trên số liệu đấu thầu của từng hộ, còn diện tích khi xảy ra thiệt hại là vào mùa nước cạn nên thay đổi. Vì vậy, một số hộ dân đã làm đơn khiếu nại đề nghị làm rõ. Từ đó cơ quan chức năng tạm dừng việc chi trả.

Có hay không việc thống kê khống diện tích hỗ trợ? Số tiền mà UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt hỗ trợ hiện nằm ở đâu? Những ai là người phải chịu trách nhiệm? 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Bình: Tiền hỗ trợ cho nông dân gặp thiên tai đi về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO