Tại sao Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu ban hành công văn “khó hiểu” và thu hồi chỉ sau hơn nửa ngày?

PV| 13/08/2019 08:06

Sáng nay (12-8), các phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bất ngờ nhận được công văn số 2384 - CV/BTGTU của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu do Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Văn Xinh ký ban hành ngày 26/7/2019.

Chỉ trong một ngày, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu phát hành hai công văn liên quan đến việc tác nghiệp của phóng viên trên địa bàn tỉnh. Liệu đây có phải là động thái để chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan báo chí thường trú trên địa bàn hay là cố tình “chơi khó” phóng viên.

Công văn số 2384 - CV/BTGTU của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt phóng viên tác nghiệp phải có chữ ký và con dấu của cơ quan chủ quản

Sáng nay (12-8), các phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bất ngờ nhận được công văn số 2384 - CV/BTGTU của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu do Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Văn Xinh ký ban hành ngày 26/7/2019, trong công văn này nêu rõ:

"Nhằm thực hiện tốt quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Đảng bộ tỉnh và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại giao ban báo chí 6 tháng đầu năm 2019 về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan báo chí có phóng viên đăng ký hoạt động tại tỉnh thực hiện đúng các nội dung sau:

1/ Khi phát hành văn bản hoặc có cử phóng viên đến các cơ quan đơn vị liên hệ tác nghiệp phải tuân thủ đúng thủ tục về mặt pháp lý (có giấy giới thiệu, văn bản, nội dung đề nghị cung cấp, trao đổi thông tin… có chữ ký, con dấu của người đại diện, cơ quan chủ quản tờ báo), không đề nghị cung cấp thông tin qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử…

2/ Trường hợp người phát ngôn các cơ quan, đơn vị thực hiện không đúng quy định về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, đề nghị báo chí có văn bản phản ánh đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để tổng hợp, xử lý.

3/ Khi đề xuất các nội dung cung cấp thông tin tại giao ban báo chí định kỳ, phóng viên các cơ quan báo chí phải thực hiện đăng ký bằng văn bản theo mẫu (đính kèm), không đăng ký qua tin nhắn, điện thoại, hộp thư điện tử…".

Ngay sau khi nhận được công văn này, nhiều phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh này tỏ ra rất bức xúc, vì chẳng khác nào Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu đang “đánh đố” họ.

Ví dụ, nếu phóng viên Báo Công lý, Công lý và xã hội đến các cơ quan đơn vị liên hệ tác nghiệp, trong giấy giới thiệu phải được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình ký và đóng dấu vào.

Như vậy, những người “sáng tạo” ra công văn này có đang "đứng trên" Luật Báo chí? Trao đổi với phóng viên, Luật sư Đào Xuân Sơn, Công ty Luật Investpush cho biết, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu ban hành văn bản này đang “nhầm lẫn” giữa cơ quan chủ quản với tòa soạn cơ quan báo chí. Bởi thực chất, con dấu và chữ ký của cơ quan chủ quản và tòa soạn cơ quan báo chí hoàn toàn khác nhau.

Luật sư Đào Xuân Sơn cũng khẳng định, phóng viên khi đi tác nghiệp có giấy giới thiệu của Tòa soạn cấp thì là đúng luật, còn nếu cơ quan chủ quản cấp thì mới lại là sai.

Trước sức ép của dư luận, chỉ sau khoảng hơn nửa ngày ra công văn được cho là ‘lố bịch” này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra công văn số 2420-CV/BTGTU gửi các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú để thu hồi công văn số 2384 - CV/BTGTU mới phát hành sáng nay.

Sau đó lại ban hành công văn số 2420-CV/BTGTU để thu hồi công văn ban hành sáng sớm cùng ngày

Nội dung công văn này nêu: “Thực hiện kết luận giao ban báo chí 6 tháng đầu năm 2019, vừa qua Ban Tuyên giáo ban hành công văn số 2384-CV/BTGTU về việc phối hợp thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên thường trú, văn phòng đại diện tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác phối hợp phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Nay Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu thu hồi công văn trên…”.

Phía dưới công văn này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã viết: “Rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh”.

Rõ ràng, trước khi ra công văn số 2384 - CV/BTGTU, Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu ngoài việc đã không am hiểu luật, thì cơ quan này còn không đứng trên vị trí của phóng viên để ra văn bản. Phải chăng, Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cố tình làm khó trong việc tác nghiệp của phóng viên. Trong khi, chính những phóng viên này đang từng ngày cố gắng để phản ánh tốt nhất cả mặt tích cực lẫn tiêu cực trên địa bàn tỉnh, nhằm giúp tỉnh ngày càng phát triển tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tại sao Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu ban hành công văn “khó hiểu” và thu hồi chỉ sau hơn nửa ngày?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO