Phường Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh): Đất đồi ngang nhiên bị “xẻ thịt”

Trần Khanh| 18/05/2021 11:38

Những quả đồi xanh tại khu vực phường Bãi Cháy (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị khai thác vô tội vạ trong suốt thời gian dài. Mặc dù sự việc diễn ra khá công khai, đoàn xe chở đất hoạt động rầm rộ nhưng dường như chính quyền địa phương lại… không hề hay biết.

Đất đồi ngang nhiên bị “xẻ thịt”

Theo ghi nhận của PV, tình trạng khai thác đất đồi trái phép trên đường Hậu Cần (Khu 5, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh) diễn ra trong suốt thời gian dài. Ban ngày, những chiếc máy xúc công suất lớn có nhiệm vụ đục khoét, san gạt quả đồi rộng hàng chục héc-ta. Chờ đến tối, đất sẽ được xúc lên đoàn xe tải mang biển số 29C-753.12, 29C-588.55, 14C-097.56,… rồi vận chuyển đến một số công trình san lấp lân cận.

xe-thit-dat-doi-w500-h324.jpg

Khu đồi bị khai thác trái phép trên đường Hậu Cần (Khu 5, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) diễn ra trong suốt thời gian dài.

xe-thit-dat-doi-w500-h324.jpg

Khối lượng lớn đất đồi trên đường Hậu Cần đã được “xẻ thịt” và chuyển đến các công trình san lấp lân cận.

xe-thit-dat-doi-w500-h324.jpg

Tài nguyên màu đen giống than lộ thiên trong quá trình san lấp đồi trên đường Hậu Cần.

Mặc dù việc khai thác diễn ra khá công khai, đoàn xe chở đất hoạt động rầm rộ nhưng dường như chính quyền địa phương lại… không hề hay biết. Chỉ đến khi PV cung cấp thông tin đến UBND phường Bãi Cháy, thì việc khai thác đất đồi trái phép mới được dừng lại. Ngay sau đó, các phương tiện “được lệnh” rút khỏi hiện trường, để lại vết tích “xẻ thịt” của “đất tặc”.

Một số người dân sinh sống gần khu đồi cho biết: “Khu vực chân đồi bị khai thác trái phép có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, tính mạng của nhiều hộ dân đang bị đe doạ từng ngày, đặc biệt là thời điểm mưa bão đang sắp đến. Những vụ tai nạn thương tâm do sạt lở đất đồi đã từng xảy ra tại khu vực Bãi Cháy. Rất mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp gia cố bê tông nhằm chống sạt lở khu đồi”.

xe-thit-dat-doi-w500-h324.jpg

Các phương tiện khai thác đất hoạt động rầm rộ tại phường Bãi Cháy.

xe-thit-dat-doi-w500-h324.jpg

Đất đồi khai thác trên đường Hậu Cần được chuyển đến đồi Monaco (phường Bãi Cháy).

Còn tại một quả đồi có diện tích khoảng 14.000m2 trên đường Hậu Cần (phường Bãi Cháy) cũng nhanh chóng bị san phẳng, hạ cốt nền để phục vụ dự án Khách sạn Legan Bay. Sau khi “xẻ thịt” xong khu đồi, máy móc công trình đã được di dời, còn dự án vẫn nằm im bất động hơn 1 năm qua.

Hiện dư luận đang đặt ra câu hỏi: Hàng nghìn mét khối đất đã được vận chuyển đi đâu? Liệu khu đồi có bị “núp bóng” dự án nhằm mục đích khai thác tài nguyên?

Bên cạnh việc khai thác đất đồi trái phép, tình trạng tập kết đất “lậu” để chờ cơ hội vận chuyển đi nơi khác được che giấu khá tinh vi. Cụ thể, tại bãi đất trống rộng khoảng 5.000m2 trên đường Hậu Cần (Khu 4, phường Bãi Cháy), bên ngoài được quây tôn cao ngang đầu người, còn bên trong là nơi tập kết hàng nghìn mét khối đất không rõ nguồn gốc. Nhằm tránh sự chú ý của người qua lại, đất “lậu” được san ủi gọn gàng. Chờ thời cơ thích hợp, đất “lậu” sẽ được chuyển đến tận nơi cho khách hàng có nhu cầu san lấp mặt bằng.

xe-thit-dat-doi-w500-h324.jpg

Một quả đồi khác nằm trên đường Hậu Cần nhanh chóng bị san phẳng để phục vụ dự án thương mại.

xe-thit-dat-doi-w500-h324.jpg

Dọc tuyến đường Hậu Cần, không khó để có thể bắt gặp những quả đồi bị “xẻ thịt”, quây tôn bỏ hoang suốt nhiều năm.

Một “đầu nậu” tên Tuấn Anh (trú tại thị xã Quảng Yên, TP Hạ Long) chuyên san lấp các công trình xây dựng cho biết, đất đồi hiện có giá từ 60-70 nghìn đồng/m3, chưa bao gồm phí vận chuyển. Trung bình mỗi xe đất 8 khối vận chuyển đến tận nơi cho người mua được tính với giá khoảng 1 triệu đồng, quãng đường dưới 10 km. Trừ tất cả các chi phí, chủ thầu có thể “đút túi” từ 300-500 nghìn đồng/xe đất.

“Đất đồi làm gì được phép khai thác để mang đi bán. Nếu có mối quan hệ tốt, xin phép chính quyền địa phương trước khi làm thì họ sẽ tạo điều kiện cho mình khai thác. Tất nhiên là khi họ làm ngơ, mình cũng phải san sẻ “bát cơm”, có vậy mới hợp tác lâu dài được (?)”, Tuấn Anh nhấn mạnh.

xe-thit-dat-doi-w500-h324.jpg

Đất “lậu” được san gạt bằng phẳng tại các bãi đất trống nhằm tránh sự chú ý của người dân qua lại.

xe-thit-dat-doi-w500-h324.jpg

Bãi đất trống trên đường Hậu Cần (Khu 4, phường Bãi Cháy) còn là nơi đổ thải vật liệu xây dựng và tập kết đất đồi trái phép.

Bà Ngô Thị Lý (trú tại Khu 5, phường Bãi Cháy) cho hay: Thời điểm cuối năm 2020, việc khai thác đất đồi trên đường Hậu Cần diễn ra từ sáng đến đêm, xe chở đất vận chuyển nườm nượp khiến bụi bay mịt mù. Trong khi đó, trụ sở UBND phường Bãi Cháy nằm cách khu đồi chỉ vài trăm mét, nhưng việc khai thác trái phép lại không được ngăn chặn sớm.

Theo anh Phạm Tuấn Nam (trú tại phường Hùng Thắng, TP Hạ Long), trước đây, những quả đồi nằm dọc tuyến đường Hậu Cần được xem như “lá phổi xanh” của thành phố. Nhưng hiện nay, rừng cây xanh mát có chức năng giữ đất đã bị triệt hạ, đất đồi ngấm nước rất dễ bong tróc, sụt lún. Người dân ngày càng bất an khi chân đồi bị đục khoét nghiêm trọng, vách đồi dựng đứng lộ rõ những vết xúc còn nham nhở. Chỉ cần xuất hiện mưa to, quả đồi ngấm nước, bong tróc có thể bị đổ sập.

Trách nhiệm quản lý của địa phương?

Về mặt pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng: Tài nguyên đất được xem là khoáng sản thuộc sự quản lý của  nhà nước. Trường hợp khu đất đã được cấp bìa đỏ cho người dân thì người sử dụng đất phải có trách nhiệm bảo vệ phần đất đó, không được tự ý khai thác trái phép. Khi khai thác tài nguyên đất phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác.

Theo luật sư Bình, tại Điều 41 Nghị định 33/2017/NĐ-CP, đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với trường hợp đem bán khoáng sản sau khai thác cho tổ chức, cá nhân khác; Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản.

Ngoài ra, áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản nhưng không sử dụng để xây dựng công trình của hộ gia đình, cá nhân hoặc xây dựng công trình của tổ chức đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.

“Để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về người đứng đầu UBND phường, xã. Trường hợp tài nguyên bị khai thác trái phép với số lượng lớn, gây suy thoái môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của đất nước thì tổ chức hoặc cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Bình khẳng định.

Trao đổi với PV, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh cho biết, ngày 19/4, đơn vị đã gửi văn bản yêu cầu UBND TP Hạ Long xác minh, làm rõ nội dung nêu trên. Nhưng đến nay, Sở vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ UBND TP Hạ Long.

Theo một cán bộ tiếp nhận văn thư UBND phường Bãi Cháy, nội dung phóng viên phản ánh tình trạng khai thác đất trên đường Hậu Cần đã được chuyển đến lãnh đạo phường. Hiện tại, Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy đang bận đi học lớp quản lý Nhà nước nên chưa thu xếp được thời gian trả lời nội dung làm việc với báo chí.

Công lý và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc trên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phường Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh): Đất đồi ngang nhiên bị “xẻ thịt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO