Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Tĩnh Gia I (Kỳ 5): Cáo buộc thiếu căn cứ!

Trường Giang| 12/09/2019 12:02

Sau khi xem xét kỹ tình tiết vụ án cùng lời khai của các đối tượng liên quan, luật sư đã phân tích và chỉ ra nhiều điểm mâu thuẫn, bất hợp lý trong cáo buộc đối với bị cáo Lê Thảo Nguyên – người vướng vòng lao lý vì nhận xin việc cho con trai nguyên Hiệu trưởng trường THPT Tĩnh Gia I.

Cáo buộc chủ quan

Vụ việc anh Lê Thảo Nguyên (trú tại xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) bị ông Hà Trọng Tân (nguyên Hiệu trưởng trường THPT Tĩnh Gia I) tố lừa đảo, chiếm đoạt 300 triệu đồng khi ông này nhờ anh Nguyên xin việc cho con trai, ngày 3/9 Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia đã ra Quyết định số 86/2019/QĐXXST-HS đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.

Theo đó bị cáo Lê Thảo Nguyên bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 3, Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sư Nguyễn Văn Dũ, Trưởng Văn phòng Luật sư Chuyên Chính đã có phản hồi Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 171/KLĐT-CQĐT ngày 18/5/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa và Cáo trạng số 57/CTr-VKSTG ngày 13/6/2019 của VKSND huyện Tĩnh Gia quy buộc bị cáo Lê Thảo Nguyên.

Luật sư Dũ cho rằng, để cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì ý thức, động cơ, mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội phải có trước khi thực hiện thủ đoạn hoặc hành vi gian dối và trước khi nhận được tài sản của bị hại. Nếu không chứng minh được vấn đề này một cách thuyết phục thì không đủ cơ sở để quy buộc bị cáo Nguyên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thực tế bị cáo Nguyên không có động động cơ, mục đích, mong muốn chiếm đoạt tài sản là số tiền 300 triệu đồng.

tinh-gia-ky-5-2-w527-h733.jpeg

tinh-gia-ky-5-2-w550-h733.jpeg

Quyết định số 86/2019/QĐXXST-HS đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự với bị cáo Lê Thảo Nguyên

Cụ thể, bị cáo Nguyên xuất thân từ gia đình nhà giáo, có bố mẹ đều là giáo viên, có chức vụ, quyền hạn. Tại thời điểm nhận 300 triệu đồng của gia đình bà Tuyết, bị cáo Nguyên thuộc diện biên chế, công tác tại Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông - Bộ Thông tin và Truyền thông với mức lương thu nhập gần 9 triệu đồng/tháng. Nguyên còn là Thạc sỹ, đang theo học nghiên cứu sinh để làm Luận án Tiến sỹ.

Vợ của bị cáo Nguyên đang giảng dạy tại trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, với mức lương khoảng 13 triệu đồng/tháng.

Cùng với đó, bị cáo Nguyên cũng không thuộc trường hợp bức bách, khẩn cấp đến mức phải kiếm tiền nhanh chóng và bất chính nên có thể thấy bị cáo Nguyên không cần thiết, không có động cơ chiếm đoạt 300 triệu đồng của gia đình bà Tuyết.

Theo Luật sư, bản thân bị cáo Nguyên không có tiền án, tiền sự về các loại tội phạm chiếm đoạt tài sản. Nguyên là người có trình độ học vấn cao, hiểu rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu bị phát hiện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân mình, gia đình, mất đi sự nghiệp vững chắc. Bởi vậy không lý nào bị cáo lại vì số tiền 300 triệu mà tự hủy hoại gia đình.

Thực tế theo tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, sau khi nhận được tiền từ bà Tuyết, bị cáo Nguyên tự nguyện viết giấy nhận tiền, chứ không phải bà Tuyết yêu cầu bị cáo Nguyên phải viết. Điều này không phù hợp với tâm lý của người lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tự viết giấy nhận tiền có nội dung ràng buộc để “lấy đá cột chân mình”.

Tờ giấy nhận tiền là một minh chứng cho giao dịch dân sự giữa hai bên, được xác lập một cách ngay tình, không chứa đựng sự giả dối của bị cáo Nguyên, phù hợp với thỏa thuận của bị cáo Nguyên với bà Tuyết.

Bản Kết luận điều tra và Cáo trạng cũng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ nào chứng minh bị cáo Nguyên có ý thức, động cơ, mục đích, mong muốn chiếm đoạt tài sản của gia đình bà Tuyết trước khi nhận số tiền 300 triệu đồng.

Căn cứ mong manh từ lời khai người trong cuộc...

Sau khi nghiên cứu thận trọng toàn bộ lời khai báo được thể hiện trong hồ sơ vụ án của những người liên quan tới việc thể hiện nội dung bị cáo Nguyên thực hiện thủ đoạn, hành vi gian dối trước khi nhận số tiền 300 triệu đồng, Luật sư nhận thấy nhiều điểm bất thường. Nhiều lời khai không thống nhất, mâu thuẫn và tự mâu thuẫn, có chiều hướng ngày càng bổ sung thêm tình tiết có tính chất buộc tội bị cáo Nguyên, thậm chí có dấu hiệu thông cung, dàn xếp nội dung khai báo.

Luật sư đã chỉ ra một số điểm đáng chú ý trong lời khai của bà Mai Thị Tuyết – người tố cáo bị cáo Lê Thảo Nguyên có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Về việc bà Tuyết nghe anh Phương (con trai bà Tuyết) nói về bị cáo Nguyên: lúc đầu bà Tuyết khai không nghe anh Phương nói bị cáo Nguyên giới thiệu làm gì, ở đâu; sau đó thì khai nghe anh Phương nói bị cáo Nguyên giới thiệu làm Cán bộ tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; cuối cùng lại xác định nghe anh Phương nói bị cáo Nguyên giới thiệu làm ở Vụ Tổ chức - Cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông, có nhiều mối quan hệ. Việc này được thể hiện tại các Bút lục số 155 – 157 ngày 25/5/2018; Bút lục số 148 – 151 ngày 25/6/2018 và Bút lục số 158 – 160 ngày 14/7/2018 (Biên bản ghi lời khai, Giấy báo cáo tại Công an huyện Tĩnh Gia).

Về lý do, thời điểm bị cáo Nguyên có mặt tại nhà bà Tuyết: trước thì khai bị cáo Nguyên tự đến, sau lại khai bị cáo Nguyên và anh Phương cùng về nhà bà Tuyết, thể hiện tại Bút lục số 148 – 152 ngày 25/6/2018 và Bút lục số 158 – 160 ngày 14/7/2018 (Biên bản ghi lời khai, Giấy báo cáo tại Công an huyện Tĩnh Gia).

Về việc bị cáo Nguyên giới thiệu bản thân mình với bà Tuyết: lúc đầu bà Tuyết không khai bị cáo Nguyên giới thiệu là ai, ở đâu, làm gì. Sau đó thì khai bị cáo Nguyên giới thiệu là học trò của ông Tân, là Cán bộ Tổ chức của Bộ Thông tin Truyền thông ở Hà Nội, có nhiều mối quan hệ quen biết, sẽ xin được biên chế cho Phương vào Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông; cuối cùng lại khai Nguyên giới thiệu làm ở Vụ tổ chức cán bộ. Lời khai được thể hiện tại Bút lục số 155 – 157 ngày 25/6/2018 và Bút lục số 148 – 152 ngày 25/6/2018 (Biên bản ghi lời khai, Bản báo cáo tại Công an tỉnh Thanh Hóa).

Về việc bị cáo Nguyên hứa xin việc, đưa ra số tiền và thời hạn xin việc cho anh Phương: ban đầu bà Tuyết khai bị cáo Nguyên chỉ nói xin việc cho anh Phương vào Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông (không nói xin biên chế hay không biên chế và không nói công việc cụ thể là gì). Sau đó lại khai bà Tuyết có nói với bị cáo Nguyên là anh Phương chỉ mới Tốt nghiệp Cao đẳng nghề nhưng bị cáo Nguyên hứa chỉ cần đưa 300 triệu đồng sẽ xin được biên chế cho anh Phương; bà Tuyết nói đợi bà vay tiền và chủ động nhờ bị cáo Nguyên xin cho anh Phương vào làm cán bộ hành chính của Trường, bị cáo Nguyên cam kết sẽ có biên chế cho anh Phương tại phòng Hành chính của Trường vào tháng 5/2014.

tinh-gia-ky-5-2-w550-h733.jpeg

Một trong hai giấy nhận tiền do bà Tuyết cung cấp

Lời khai này sau đó được bà Tuyết thay đổi thành: đồng ý đưa tiền để bị cáo Nguyên chạy cho anh Phương vào làm Kế toán ở Trường; bị cáo Nguyên hối thúc bà Tuyết lo tiền; sau khi nhận tiền thì bị cáo Nguyên mới nói thời hạn anh Phương có quyết định đi làm. Được thể hiện tại các Bút lục số 155 – 157 ngày 25/6/2018, Bút lục số 148 – 152 ngày 25/6/2018, Bút lục số 158 – 160 ngày 14/7/2018, Bút lục số 163 – 165 ngày 26/11/2018 (Biên bản ghi lời khai, Bản tự khai tại Công an huyện Tĩnh Gia) và Bút lục số 168 ngày 17/12/2018 (Bản tự khai tại Công an huyện Tĩnh Gia).

Về việc giao tiền, giao hồ sơ xin việc, yêu cầu bổ sung hồ sơ xin việc: bà Tuyết khai bà vay tiền ở ngân hàng, bị cáo Nguyên tới nhận của bà Tuyết số tiền 300 triệu đồng; sau đó lại khai bị cáo Nguyên đợi sẵn ở nhà bà Tuyết để nhận tiền, bị cáo Nguyên còn nhận của bà Tuyết 1 hồ sơ xin việc cùng với thời điểm nhận tiền. Việc này ghi trong các Bút lục số 40 (Đơn tố cáo của ngày 25/6/2018); Bút lục số 168 ngày 17/12/2018 và Bút lục số 173 ngày 20/12/2018 (Bản tự khai).

Về việc bà Tuyết hỏi về hồ sơ của Hà Phương: Bà Tuyết khai đến Phòng Tổ chức cán bộ hỏi thì được biết không có hồ sơ, sau đó lại khai đến Phòng Hành chính của Trường hỏi; đến Phòng Hành chính tổng hợp và cuối cùng khai rằng đến Phòng Quản lý cán bộ hỏi. Đáng nói ở Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông không có cả 4 phòng như bà Tuyết đã khai. Điểm vô lý này thể hiện rõ tại Bút lục số 150 – 152, Bút lục số 158, Bút lục số 160, Bút lục số 168 (Bản tự khai ngày 17/12/2018) và 173 (Bản tự khai ngày 20/12/2018).

Luật sư Dũ cũng đã chỉ ra những điểm mâu thuẫn trong lời khai của Hà Phương. Cụ thể, về việc gặp bị cáo Nguyên lần đầu, Hà Phương khai đang ngồi uống nước thì bị cáo Nguyên đến cùng ngồi nói chuyện, bị cáo Nguyên giới thiệu làm Cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông có thể xin việc cho Hà Phương; sau lại khai đi sang quán nước chơi thì gặp bị cáo Nguyên, bị cáo Nguyên giới thiệu làm ở Vụ Tổ chức - Cán bộ. Các Bút lục số 173 – 177 (Biên bản ghi lời khai ngày 27/6/2018 tại Công an tỉnh), Bút lục số 178 (Bản báo cáo ngày 27/6/2018 tại Công an tỉnh), Bút lục số 179 – 181 (Biên bản ghi lời khai, Giấy báo cáo ngày 9/7/2018 tại Công an huyện) đã thể hiện nội dung này.

Về lý do, thời điểm bị cáo Nguyên đến nhà bà Tuyết lần đầu: Hà Phương khai buổi tối sau khi gặp nhau ở quán nước, bị cáo Nguyên chủ động qua nhà, sau được thay đổi thành bị cáo Nguyên bảo Hà Phương dẫn bị cáo về nhà. Mâu thuẫn qua các Bút lục số 173 – 178 ngày 27/6/2018 và Bút lục số 179 – 181ngày 9/7/2018 (Biên bản ghi lời khai, Giấy báo cáo tại Công an huyện).

Lời khai của Hà Phương về việc bị cáo Nguyên hứa xin việc, số tiền xin việc, thời hạn hứa xin việc: Bị cáo Nguyên nói xin việc cho anh Phương vào Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý Bộ Thông tin và Truyền thông, chi phí xin việc hết 300 triệu đồng, sau khi nhận tiền ngày 15/2/2014, bị cáo Nguyên hứa tháng 5/2014 anh Phương sẽ có quyết định biên chế đi làm; không rõ thỏa thuận giữa Nguyên và bà Tuyết, chỉ biết làm tại bộ phận hành chính của Trường. Sau đó Hà Phương lại đổi lời khai thành: chỉ nghe bị cáo Nguyên giới thiệu với bà Tuyết về bản thân rồi anh Phương quay lại quán nước, nội dung trao đổi giữa bị cáo Nguyên với bà Tuyết như thế nào không rõ. Điểm mâu thuẫn thể hiện ở các Bút lục số 179 – 181 ngày 9/7/2018, Bút lục số 173 – 177 ngày 27/6/2018 (Biên bản ghi lời khai tại Công an tỉnh).

Về việc nhờ người làm chứng việc giao tiền, anh Phương khai đã nhờ anh Lương Ngọc Hải, bà Tuyết nhờ anh Lê Doãn Lục đến nhà chứng kiến việc giao nhận tiền; sau lại nói bà Tuyết là người mời anh Lục và anh Hải đến chứng kiến việc giao tiền.

Bên cạnh đó, còn nhiều tình tiết không hợp lý trong lời khai của Hà Phương như: Bút lục số 179 – 181 Phương khai sau khi gặp bị cáo Nguyên tại nhà anh Lục thì anh Phương không gặp lại bị cáo Nguyên lần nào nữa; biết bị cáo Nguyên đến nhà anh Phương một vài lần gặp bà Tuyết nhưng không biết nội dung trao đổi. Tuy nhiên, đoạn bên dưới lại khai có chứng kiến việc bị cáo Nguyên nhận tiền từ bà Tuyết, đáng nói tại Bút lục số 179 – 181, anh Phương khai có đến Nhà hàng của bị cáo Nguyên vài lần để chơi với bạn.

tinh-gia-ky-5-2-w550-h733.jpeg

Luật sư Nguyễn Văn Dũ, Trưởng Văn phòng Luật sư Chuyên Chính

....đến lời khai người làm chứng

Đối với lời khai của anh Lê Doãn Lục – chủ quán nước nơi bị cáo Nguyên và Hà Phương gặp nhau lần đầu cũng tồn tại những điểm vô lý. Cụ thể, tại Bút lục số: 215 – 218 ngày 26/6/2018 anh Lục khai đang cùng với Hà Phương, Lương Ngọc Hải đang ngồi uống nước tại quán nước thì bị cáo Nguyên đến giới thiệu là cán bộ Bộ Thông tin truyền thông. Tại Bút lục số 212 – 213, 214 ngày 26/6/2018, anh Lục lại khai biết bị cáo Nguyên là Giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý Bộ Thông tin và Truyền thông vì anh Lục với bị cáo Nguyên là bạn học cấp 3.

Việc anh Lục có mặt tại nhà bà Tuyết chứng kiến việc giao nhận tiền: Tại Bút lục số 121 (Giấy xác nhận ngày 15/6/2018), anh Lục khai được bà Tuyết nhờ sang chứng kiến sự việc nhờ bị cáo Nguyên xin việc cho anh Phương vào Trường. Tuy nhiên, các bút lục sau đó thì anh Lục khai: bà Tuyết nhờ anh sang chứng kiến việc giao nhận tiền.

Lời khai của anh Lục về số tiền bà Tuyết giao cho bị cáo Nguyên cũng có sự mâu thuẫn. Tại Bút lục số: 215 – 218 ngày 26/6/2018, anh Lục khai không nhớ mệnh giá tiền; không biết bà Tuyết đưa hồ sơ, tài liệu nào khác cho anh Nguyên. Bút lục số 220 - 222 ngày 28/9/2018 và bút lục số 226 - 227 ngày 14/12/2018, anh Lục lại xác định ngoài đưa tiền, bà Tuyết còn đưa cho bị cáo Nguyên 1 bộ hồ sơ xin việc.

Lời khai của anh Lương Ngọc Hải – người có mặt trong cuộc gặp lần đầu giữa bị cáo Nguyên và Hà Phương, tại Bút lục số 197 - 199 ngày 25/6/2018 nói không biết bị cáo Nguyên, chỉ gặp 1 lần tại nhà bà Tuyết. Tuy nhiên, tại Bút lục số 200 - 201 ngày 26/6/2018, anh Hải xác nhận biết bị cáo Nguyên là bạn học của anh Lục, vì năm 2013 bị cáo Nguyên có vài lần ghé đến quán của anh Lục chơi.

Luật sư Dũ cho rằng, lời khai có nhiều mâu thuẫn nên không bảo đảm thuộc tính khách quan của chứng cứ. Do đó, theo quy định về chứng cứ của Bộ luật Tố tụng hình sự thì không thể sử dụng các lời khai không khách quan làm chứng cứ buộc tội bị cáo.

Từ những “lỗ hổng” mà Luật sư Dũ chỉ ra, để phiên xét xử sơ thẩm tới đây diễn ra công bằng, cơ quan tố tụng huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cần xem xét kỹ hồ sơ vụ án cùng lời khai từ các đối tượng liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Tĩnh Gia I (Kỳ 5): Cáo buộc thiếu căn cứ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO