Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Cấp phép xây dựng cho đất nằm trong quy hoạch

Công Tâm| 29/10/2020 18:37

Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát và chỉ đạo các chủ đầu tư tạm dừng các dự án nằm trong khu vực nghiên cứu quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhưng UBND huyện Sóc Sơn lại cấp phép cho một cá nhân xây dựng nằm trong quy hoạch.

Chính phủ  “khẩn trương” thực hiện quy hoạch

Cảng hàng không quốc tế (Cảng HKQT) Nội Bài là cảng cửa ngõ quốc tế của Thủ đô Hà Nội, có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống cảng hàng không Việt Nam, đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của vùng Thủ đô và các tỉnh khu vực phía Bắc.

Ngày 20/5/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 590/QĐ-TTG, quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài giai đoạn đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020.

Theo quy hoạch giao thông Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2020, Cảng HKQT Nội Bài sẽ đạt cấp độ sân bay 4E với lưu lượng hành khách 20 - 25 triệu mỗi năm. Năm 2030 cảng hàng không này tiếp nhận 35 triệu khách và sau năm 2030 là 50 triệu khách.

36-w700-h340.png

Một bãi xe ngang nhiên xây dựng trên khu đất nông nghiệp lân cận tại thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân (Sóc Sơn – Hà Nội).

Tuy nhiên, lưu lượng hành khách thông qua sân bay Nội Bài đã đạt 29 triệu hành khách nên đặt ra yêu cầu cần điều chỉnh quy hoạch sân bay. Công suất thiết kế nhà ga hiện tại chỉ 25 triệu khách mỗi năm với 2 đường băng 1A, 1B. Nhà ga T1 đón khách nội địa với công suất 15 triệu, nhà ga T2 đón khách quốc tế với công suất 10 triệu.

Ngày 20/8/2020, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát và chỉ đạo các chủ đầu tư tạm dừng các dự án nằm trong khu vực nghiên cứu quy hoạch, tránh lãng phí về đầu tư xây dựng, thuận lợi trong nghiên cứu quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay có một số dự án nằm trong ranh giới nghiên cứu quy hoạch sân bay song đã được UBND Hà Nội cấp phép đầu tư, chuẩn bị khởi công, như: Dự án xây dựng nhà ga hàng hóa ALS; Khu khách sạn hàng không, dịch vụ thương mại... Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát và chỉ đạo các chủ đầu tư tạm dừng các dự án nằm trong khu vực nghiên cứu quy hoạch.

Ngày 25/8/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra tiến độ triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Nội Bài và Quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài.  Phó Thủ tướng khẳng định: “Việc điều chỉnh quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài là rất cần thiết, phải khẩn trương thực hiện”.

Ngày 09/9/2020, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra tiến độ dự án nâng cấp đường cất hạ cánh và công tác quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài vào đầu tháng 9.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải và đơn vị tư vấn rà soát phương án quy hoạch sân bay Nội Bài để tiếp tục hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng trước khi phê duyệt quy hoạch trong năm 2020. Công tác quy hoạch cần bảo đảm tiến độ để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án vào năm 2021.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải phương án điều chỉnh quy hoạch sân bay quốc tế Nội Bài theo đề xuất của Tư vấn ADPi (Pháp).

Theo đó, đến năm 2030, Nội Bài sẽ có 3 nhà ga hành khách, trong đó nhà ga T2 hiện hữu tiếp tục mở rộng để đạt công suất 30-40 triệu khách mỗi năm. Ngoài ra, nhà ga T3 được xây mới ở phía Nam đạt công suất khoảng 30 triệu khách mỗi năm.

Giai đoạn đến năm 2050, dự báo hành khách tăng lên 100 triệu và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Do đó, sân bay được quy hoạch thêm đường băng thứ tư ở phía Nam, thêm một nhà ga T4 công suất 25 triệu khách tại nhà ga T1 hiện hữu. Xây mới nhà ga T5 đạt công suất khoảng 25 triệu hành khách mỗi năm khi có nhu cầu.

UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục cấp GPXD

Mới đây, Công lý & Xã hội nhận được thông tin phản ánh về một số công trình xây dựng với quy mô lớn trên hàng nghìn m2 đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp tại xứ đồng Lều, thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, nằm trong quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang khẩn trương thực hiện.

Theo thông tin phóng viên có được, khu đất nông nghiệp tại xứ đồng Lều, thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân theo phản ánh có diện tích 11.246,12m2 được UBND huyện Sóc Sơn giao cho một cá nhân sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ (kho hàng hóa và điều hành chuyển phát nhanh) tới năm 2022.

Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế của phóng viên vào thời điểm trước khi được cấp GPXD hộ gia đình này đã tổ chức thi công rầm rộ các công trình trên khu đất trên. Vỉa hè dành cho người đi bộ bị quây kín tôn và hư hỏng do lượng xe ra vào liên tục.

Ngoài ra, tại xứ đồng Lều, thôn Thạch Lỗi còn có hàng loạt kho, nhà xưởng, trạm trộn bê tông, bãi xe ngang nhiên xây dựng trên các khu đất nông nghiệp lân cận.

Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ cho thấy việc điều chỉnh quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài là vấn đề cấp bách,rất cần thiết, phải khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên, UBND huyện Sóc Sơn lại cho thuê đất, cấp GPXD nhà 03 tầng trên khu đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài với mục đích thương mại dịch vụ cho một cá nhân là hợp lý hay lãng phí, gây khó khăn cho việc thực hiện dự án?

Để có thông tin khách quan, đa chiều phản ánh, phóng viên đã liên hệ với UBND huyện Sóc Sơn để làm rõ những thông tin bạn đọc phản ánh. Văn phòng UBND huyện Sóc Sơn thông tin đã báo cáo lãnh đạo UBND huyện và giao cho ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn thông tin tới PV.

Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ trong một thời gian dài, ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn vẫn chưa thể bố trí thời gian trao đổi thông tin với phóng viên theo phân công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Cấp phép xây dựng cho đất nằm trong quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO