Thấy gì ở một phiên đấu giá đất?

Hoàng Hà| 30/11/2021 10:53

Một dự án gồm 85 lô đất có vị trí đắc địa với hơn 20 bộ hồ sơ được bán ra nhưng tại phiên đấu giá chỉ có hai người tham gia…

Phiên đấu giá có sự “bất thường”?

Dự án khu dân cư (KDC) thôn Hạ, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ có tổng diện tích đất cả khu đấu giá là 9.345,9m2, được phân thành 85 lô đất. Bảng giá khởi điểm đấu giá từng lô đất thì các lô đất nằm phía ngoài các mặt đường chính có giá 10.200.000 đồng/m2, với các lô đất ở phía trong có giá 6.500.000 đồng/m2. Giá khởi điểm cả khu đất này là 78.456.920.000 đồng. Chủ đầu tư dự án là Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quỳnh Phụ. Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (DVĐGTS) tỉnh Thái Bình là đơn vị được thuê tổ chức thực hiện bán đấu giá khu đất dự án.

Ngày 5/11/2021, Trung tâm DVĐGTS tỉnh Thái Bình ban hành Thông báo số 89/TB-TĐG về việc công bố danh sách người trúng đấu giá quyền sử dụng  cả khu quy hoạch khu dân cư thôn Hạ, xã An Thái và ông Nguyễn Tiến Thành, trú tại xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ là người trúng đấu giá với tổng số tiền là: 79.656.920.000 đồng. Số tiền chênh lệch thu về cho ngân sách nhà nước là: 1.200.000.000 đồng.

Kết quả trúng đấu giá này được giới BĐS Thái Bình đánh giá là phiên đấu giá có giá trúng "bất thường" khi số tiền chênh lệch quá thấp so với những phiên đấu giá đất trước đó tại huyện Quỳnh Phụ nói riêng và trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói chung.

Thời gian gần đây các phiên đấu giá đất tại địa phương đều được tổ chức với hình thức đấu bỏ giá công khai. Tuy nhiên, tại dự án KDC An Thái, hình thức đấu giá được thực hiện là bỏ phiếu gián tiếp. Người tham gia sẽ tự điền giá đấu vào tờ phiếu đấu giá và bỏ vào hòm phiếu được niêm phong từ ngày 03/11/2021. Sáng ngày 5/11/2021, hòm phiếu được mở để xác định và công bố người trúng đấu giá.

dau-gia-dat-an-thai1-w1658-h996.jpg

Thông tin người trúng đấu giá quyền sử dụng cả khu quy hoạch khu dân cư thôn Hạ, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

Theo thông tin PV Công lý và Xã hội thập được, tổng số hồ sơ được bán ra là 21 bộ, trong đó có 10 người nộp tiền đặt cọc. Tuy nhiên đến ngày tổ chức phiên đấu giá thì có 8 người viết đơn xin rút tiền đặt cọc và không tham gia phiên đấu giá, cuối cùng chỉ còn 2 người tham gia với giá bỏ như sau: ông Nguyễn Thành Đồng, trú tại xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ: 78.990.000.000 đồng và ông Nguyễn Tiến Thành, trú tại xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ: 79.656.920.000 đồng. Người trúng đấu giá là ông Nguyễn Tiến Thành.

Trao đổi với PV Công lý và Xã hội, ông Nguyễn Ngọc Nhường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quỳnh Phụ cho biết: "Nguyên nhân 8 người làm đơn xin rút không tham gia đấu giá và chỉ còn 2 người tham gia là do nhu cầu của họ, và việc còn 2 người tham gia đấu giá vẫn phù hợp với quy định pháp luật”.

Khi được hỏi việc áp dụng phương pháp đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp, trong khi chỉ có 2 người tham gia liệu ó tạo điều kiện thuận lợi cho việc “bắt tay” thông thầu, và tính cạnh tranh không cao bằng các phương pháp đấu giá theo bước giá hoặc đấu giá trực tiếp; vậy tại sao đơn vị không áp dụng phương pháp đấu giá theo bước giá, ông Nhường thừa nhận nếu áp dụng đấu giá theo bước giá sẽ tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế thu về cao hơn nhưng lại góp phần làm cho thị trường BĐS bị ảo (?).

dau-gia-dat-an-thai1-w1658-h996.jpg

Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng chia lô khu dân cư thôn Hạ, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ

Tài sản Nhà nước có bị thất thoát, thao túng?

Ông Nguyễn Ngọc Nhường với vai trò chủ sở hữu tài sản phải lựa chọn phương pháp đấu giá để thu lại hiệu quả kinh tế cao về ngân sách nhà nước lại đưa ra quan điểm bán sát giá để tránh tình trạng thị trường BĐS bị ảo (?).  Điều này khiến bất cứ ai chứng kiến sự việc cũng đều nghi hoặc ai đang hưởng lợi sau phiên đấu giá trên (tất nhiên không phải ngân sách Nhà nước). Bởi số tiền 1,2 tỷ đồng tiền chênh lệch sau khi đấu giá và chia đều theo m2 cho từng lô đất thì đơn giá này vẫn quá “bèo” so với giá đã và đang giao dịch khi "rơi" vào tay người trúng đấu giá khu đất này.

Anh T.V.T,  quản lý một sàn giao dịch BĐS tại TP Thái Bình phân tích về số tiền “khủng” mà người trúng đấu giá nhận được sau khi bán các lô đất của dự án: Chỉ vài ngày sau khi trúng đấu giá thì mỗi m2 đất tại dự án đã tăng “đột biến” từ hơn 10.200.000 đồng lên đến 25.000.000 đồng/m2 (tăng gần gấp 2,5 lần/m2). Khi đó người trúng đấu giá chỉ cần bán được 5 lô đất ở khu vực này thì đã bù được số tiền chênh lệch (1,2 tỷ đồng) so với giá khởi điểm đấu giá. Với 80 lô đất còn lại sau khi bán hết sẽ mang về số tiền cực “khủng” cho người trúng đấu giá, và ngược lại ngân sách Nhà nước sẽ bị thất thu một khoản tiền rất lớn.

dau-gia-dat-an-thai1-w1658-h996.jpg

Bảng giá khởi điểm đấu giá từng lô đất tại dự án.

Chứng kiến buổi tổ chức và kết quả trúng đấu giá khu quy hoạch khu dân cư thôn Hạ, xã An Thái, dư luận  đặt nghi vấn có hay không việc tồn tại nhóm lợi ích để dàn xếp kết quả phiên đấu giá trên? Tiếp đến, giải đáp thắc mắc của dư luận về việc giá đất tăng gấp nhiều lần so với giá trúng đấu giá của các lô đất dự án, ông Nhường nói: “Về thị trường bất động sản thì “buôn bán như kiểu đánh bạc” và người ta mua một bán mười là chuyện bình thường, nên tôi không quan tâm đến vấn đề đó. Tôi chỉ biết quy trình xây dựng đơn giá, lập hồ sơ được làm rất chặt chẽ được các Sở tham gia theo đúng quy định pháp luật”.

Theo thông tin phản ánh từ người dân địa phương mặc dù mới chỉ có thông báo kết quả trúng đầu giá và khu đất này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, nhưng ngay tại dự án này đã mọc lên điểm bán hàng để tư vấn, nhận tiền đặt cọc chuyển nhượng các lô đất của khách hàng. Việc nhận tiền đặt cọc mua bán đất tại dự án trên là trái quy định pháp luật và tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho khách hàng, nhưng lại diễn ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật. Nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra làm rõ dấu hiệu bất thường từ vụ đấu giá tại KDC xã An Thái.

Công lý và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấy gì ở một phiên đấu giá đất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO