Hưng Yên: UBND tỉnh “ngâm” đơn khiếu nại của dân 12 năm

Hoàng Giang| 11/06/2020 17:35

Thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại của người dân trong vụ tranh chấp đất đai tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên thuộc về UBND tỉnh Hưng Yên nhưng suốt 12 năm qua lãnh đạo tỉnh này vẫn không xử lý dứt điểm làm tổn hại tới quyền lợi hợp pháp của người dân.

Chưa tròn trách nhiệm

Bài viết trước, CL&XH đã đưa tin về việc ông Lê Mạnh Tuấn (trú tại Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) được bố ông là Lê Văn Tề (trú tại xã An Viên, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) ủy quyền xử lý việc khu đất và tài sản trên đất của gia đình bị xâm phạm, đập phá.

Theo ông Tuấn, gia đình ông từ hàng trăm năm nay đều cư trú hợp pháp, thừa kế trực hệ nhiều đời trên thửa đất thổ cư, gồm sáu miếng ở giữa thôn Nội Thượng, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên (gọi tắt là phần đất số 1) Trong thời kỳ cải cách ruộng đất theo chính sách nguyên canh, nguyên cư, gia đình ông Tuấn tiếp tục được cư trú trên phần đất số 1.

Năm 1961- 1962 bà nội ông Tuấn mua thêm ba miếng đất của bà Ngạc ở liền kề (gọi tắt là phần đất số 2), do đó hình thành thửa đất như hiện nay gia đình đang sinh sống (bao gồm cả phần đất số 1 và phần đất số 2). Thửa đất này do ông Lê Văn Tề đứng tên trong hồ sơ địa chính bản đồ 299 đo vẽ năm 1986 (thửa 157, tờ bản đồ số 9) và hồ sơ địa chính bản đồ 364 đo vẽ lại năm 1998 (thửa 131, tờ bản đồ số 22).

Ngày 12/11/2006, một số người thuộc họ Lê thôn Nội Thượng gửi đơn tới UBND xã An Viên đòi phần đất số 1 của gia đình ông Tuấn. Hòa giải không thành, UBND xã An Viên đã chuyển hồ sơ lên UBND huyện Tiên Lữ xem xét giải quyết. UBND huyện Tiên Lữ tiếp nhận thụ lý vụ việc và có quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành để tiến hành xác minh, kiến nghị giải quyết đơn của một số công dân họ Lê thôn Nội Thượng.

pic0921-w960-h1280.jpg

pic0921-w960-h1280.jpg

Khu nhà của gia đình ông Tuấn bị đập phá

Ngày 13/8/2008 UBND huyện Tiên Lữ ban hành Quyết định giải quyết số 824/QĐ-CT về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ ông Lê Văn Tề và nhà thờ họ Lê ở thôn Nội Thượng, xã An Viên. Theo ông Tuấn, việc Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ ra quyết định tự ý chia 71,04 m2 cho họ Lê và 48 m2 ngõ đi chung trong tổng số 307,2 m2 đất thổ cư của gia đình Tuấn là hoàn toàn trái với các quy định của luật pháp về đất đai, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của gia đình.

Ngày 22/8/2008 ông Lê Văn Tề đã có đơn khiếu nại gửi đến ông Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên về việc không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai số 824/QĐ-CT ngày 13/8/2008 của Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ. UBND tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận thụ lý vụ việc và nhiều lần có văn bản giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Tiên Lữ tiến hành xác minh, kết luận trình UBND tỉnh theo thời gian quy định của pháp luật.

Ngày 21/01/2010 của UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Thông báo số 29/TB-UBND nêu rõ: Việc dòng họ Lê tự ý đập phá tài sản của ông Lê Văn Tề để xây nhà thờ họ là vi phạm các quy định của pháp luật. Giao UBND huyện Tiên Lữ chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện điều tra việc dòng họ Lê thôn Nội Thượng, xã An Viên đập phá tài sản của ông Lê Văn Tề để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

pic0921-w960-h1280.jpg

Thông báo số 29/TB-UBND

Xem xét quá trình xử lý đơn khiếu nại Luật sư Nguyễn Văn Ngọc (Công ty Luật Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, căn cứ theo khoản 2, Điều 21, Luật Khiếu nại năm 2011: Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

Thời gian qua, rất nhiều cơ quan, đại biểu Quốc hội gửi văn bản chuyển đơn của gia đình ông Tuấn đến Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên để giải quyết theo thẩm quyền.

Như vậy trách nhiệm giải quyết khiếu nại thuộc về UBND tỉnh Hưng Yên. Lãnh đạo UBND tỉnh biết rõ điều này, đã thụ lý đơn nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm vụ việc.

Bởi Luật sư cho biết, theo quy định Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên phải giải quyết khiếu nại bằng một Quyết định giải quyết khiếu nại chứ không phải qua bản Thông báo.

Đơn khiếu nại bao giờ được giải quyết?

Hiểu rõ thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, suốt 12 năm qua gia đình ông Tuấn vẫn liên tục đến trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh Hưng Yên gửi đơn và chờ đợi với mong muốn được phân định đúng sai, trả lại quyền lợi hợp pháp.

pic0921-w960-h1280.jpg

Công văn từ Thanh tra Chính phủ gửi UBND tỉnh Hưng Yên

Vụ việc khiếu nại của gia đình ông Tuấn thuộc một trong tổng số 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài của cả nước đã được Thanh tra Chính phủ rà soát theo hoạch số 1130/TTCP-KH và Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải giải quyết dứt điểm tại chỉ thị 14/CT-TTg ngày 15/8/2012, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Xem xét quá trình xử lý đơn khiếu nại Luật sư Nguyễn Văn cho biết, Điều 28, Luật Khiếu nại năm 2011 về thời hạn giải quyết đơn khiếu nại quy định: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.”

Đối với thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai, căn cứ theo Điều 37, Luật Khiếu nại tố cáo năm 2011 thì: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.”

Như vậy, đơn khiếu nại của ông Lê Văn Tề đúng ra phải được giải quyết trong thời gian chậm nhất là 70 ngày. Việc UBND tỉnh Hưng Yên không ra quyết định giải quyết khiếu nại đúng hạn, để tranh chấp kéo dài suốt 12 năm là không đúng với quy định của pháp luật.

Ngày 23/7/2013, HĐND tỉnh Hưng Yên đã rút chức danh Chủ tịch UBND tỉnh của ông Nguyễn Văn Thông và bầu ông Doãn Thế Cường - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên. Tức nghĩa vụ tranh chấp đất đai đã kéo dài từ lãnh đạo này thế hệ lãnh đạo khác. Người dân phải đợi tới bao giờ để được phân định rõ đúng sai, nhận lại tài sản hợp pháp?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hưng Yên: UBND tỉnh “ngâm” đơn khiếu nại của dân 12 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO