Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu (Sóc Sơn - Hà Nội): Nhiều hộ dân nguy cơ mất đất không có kế sinh nhai

Nhóm PV| 17/03/2022 10:11

Báo Công lý và Xã hội nhận được đơn thư của gần 600 hộ dân thôn Xuân Lai – xã Xuân Thu – huyện Sóc Sơn –TP Hà Nội phản ánh việc họ bị thu hồi đất phục vụ Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu nhưng không được biết và họp bàn về vùng quy hoạch này.

600 hộ dân nguy cơ mất đất sản xuất

Theo phản ánh của các hộ dân, hiện tại khu đồng Bùi, và bờ hè là đất 5% của các hộ dân được chia từ năm 1987, được huyện phê duyệt là vùng trồng lúa có bản đồ quy hoạch đến năm 2025. Các hộ dân trong thôn sử dụng ổn định trồng lúa, hoa màu từ đó cho đến nay.

Năm 2021, UBND huyện Sóc Sơn có thông báo sẽ tiến hành thu hồi đất khu vực trên để phục vụ dự án Cụm công nghiệp làng nghề thuộc địa bàn xã Xuân Thu -  huyện Sóc Sơn – TP Hà Nội khiến người dân hết sức bất ngờ, và vô cùng lo lắng. Đại đa số các hộ dân trong thôn đều sống bằng nghề nông, nay mất đất không biết lấy gì làm kế sinh nhai.

Trong đơn gửi các cơ quan báo chí và các ngành chức năng, tập thể 600 hộ dân bức xúc cho biết: việc tiến hành thu hồi đất của dân rất mập mờ và có biểu hiện tiêu cực, kiểu “đánh úp” và đưa người dân vào thế đã rồi, bắt buộc phải thực hiện.

z32600383323119bec19fff0f95406bddc7b43e407fba5-w500-h281.jpg

Khu vực dự án Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu (Xã Xuân Thu - Sóc Sơn - Hà Nội)

Cụ thể, đất các hộ dân sử dụng mấy chục năm nay nhưng từ khi có quy hoạch làm Cụm công nghiệp làng nghề ra sao họ đều không được biết, chỉ đến khi có quyết định thu hồi đất và triển khai dự án thì người dân trong thôn mới nắm được. UBND huyện Sóc Sơn ban hành Quyết định thành lập Hội đồng bồi thường GPMB gồm 16 người có ông Nguyễn Văn Khiếu, đại diện cho các hộ dân là thành viên. Tuy nhiên, ông Khiếu là người không có đất bị thu hồi, nhưng tham gia hội đồng với tư cách là người đại diện cho các hộ dân, sẽ không phản ánh được ý chí nguyện vọng của bà con.

 Bên cạnh đó, các thủ tục cần thiết để thu hồi đất người dân đều không được biết, không nắm được. Từ những sự việc nêu trên hiện đã và đang gây ra tâm lý hoang mang và mất ổn định tình hình trật tự địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt thường xuyên của bà con nơi đây. Điều đáng lo ngại là, theo phản ánh của bà con, bao đời nay người dân trong thôn sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và cấy lúa, mảnh đất đã tạo ra nguồn thu nhập chính cho các gia đình, giờ bị thu hồi không còn đất canh tác, các thế hệ con cháu họ cũng không còn đất để trồng trọt, cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn.

Đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét giải quyết

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, UBND huyện Sóc Sơn là đơn vị triển khai thực hiện dự án Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu căn cứ các quyết định của UBND TP Hà Nội và Bộ Công Thương về thỏa thuận quy hoạch, Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quyết định phê duyệt Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu, Sóc Sơn.

Để triển khai các kế hoạch này, ngày 31/12/2020, UBND huyện Sóc Sơn có văn bản về việc tổ chức công bố, công khai và bàn giao đồ án Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Xuân Thu, tỷ lệ 1/500 và được công bố rộng rãi trên trang thông tin điện tử, hệ thống loa phát thanh của huyện; UBND xã tổ chức công bố công khai và trưng bày đồ án quy hoạch tại nơi công cộng bằng pano, bản vẽ và trên hệ thống loa phát thanh của xã…

UBND huyện đã tổ chức 05 hội nghị giao ban tiến độ, nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án; tham mưu UBND huyện ban hành 02 báo cáo tiến độ triển khai, thực hiện, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án gửi Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo thành phố theo quy định. Tổ chức nhiều hội nghị thông tin, truyền truyền về dự án Cụm công nghiệp Xuân Thu, hỗ trợ đền bù GPMB đến các hộ gia đình có đất bị thu hồi.

Đại diện UBND xã Xuân Thu cũng cho biết, đã phối hợp với Ban Bồi thường GPMB tổ chức 6 cuộc họp với các hộ dân, nhưng chỉ được 30% số hộ có đất bị thu hồi dự họp. Tại các buổi làm việc này, đa số các hộ dân đều không nhất trí với việc thu hồi đất, và những nội dung này được Ban bồi thường GPMB tiếp nhận và báo cáo UBND huyện giải quyết.

z3260038293930ea949c2e27a5d6f27c549bbcb34f7508-w500-h281.jpg

Dân nguy cơ mất đất

Tuy nhiên, gần 600 hộ dân vẫn không đồng tình và tiếp tục có ý kiến đến các ngành chức năng với lý do, trong suốt nhiều năm, các Đảng viên và nhân dân trong thôn sử dụng đất mà không hề được biết hoặc thông báo về quy hoạch dự án làng nghề này cho đến khi có thông báo thu hồi đất của UBND huyện.

Trước tình hình bức xúc của các hộ dân, ngày 10/3/2022, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, ông Đỗ Minh Tuấn đã có buổi đối thoại với bà con trong thôn để nắm bắt tình hình. Tại buổi đối thoại chỉ có 35 người đại diện 600 hộ dân được dự.

Các ý kiến đại diện cho bà con đề nghị lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn giải trình rõ các nội dung: Vì sao, từ khi nào có quy hoạch Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu để thành phố phê duyệt và ban hành các quyết định thu hồi đất? Nguyên nhân vì sao những hộ dân có đất sản xuất trực tiếp lại không được biết, không được bàn bạc và hưởng thụ; mất đất rồi cuộc sống người nông dân sẽ trông vào đâu? Các hộ dân cũng đề nghị đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn giải thích vì sao lại lấy hết diện tích đất cấy lúa và không đúng với dự kiến quy hoạch của UBND huyện Sóc Sơn trước đây.

Ông Đỗ Minh Tuấn cũng cho biết, sẽ tiếp nhận ý kiến phản ánh của các hộ dân, báo cáo Thường trực huyện ủy Sóc Sơn, trình lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục giải quyết.

Được biết, năm 2012 UBND huyện Sóc Sơn có bản sơ đồ, định hướng quy hoạch phát triển không gian xã đến 2025, diện tích 9,3ha các vị trí được bố trí phân vùng phù hợp với thực tế, đó là các khu vực: “Chăn nuôi, làng nghề, cấy lúa và trồng rau”, được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, sau đó không hiểu lý do vì sao không được triển khai. Quy hoạch Cụm làng nghề Xuân Thu hiện nay nằm đúng khu vực được quy hoạch trồng lúa trước đây.

Chúng tôi thấy rằng, việc thu hồi đất lúa khiến đa số các hộ dân đối mặt với việc mất ruộng mất kế sinh nhai, đời sống của người dân sẽ vô cùng khó khăn. Vì vậy các ý kiến, kiến nghị của hộ dân thôn Xuân Lai nay rất cần được UBND huyện Sóc Sơn và thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu (Sóc Sơn - Hà Nội): Nhiều hộ dân nguy cơ mất đất không có kế sinh nhai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO