Đấu thầu tại Sơn La: Chỉ định “trá hình”?

Trường Hoàng Giang| 27/08/2019 13:11

Theo phản ánh, hồ sơ mời thầu cho gói thầu Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 năm 2019 do Ban Dân tộc tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư đã hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng được Ban dân tộc tỉnh Sơn La phê duyệt tại Quyết định số 88 ngày 14/8/2019, ban hành ngày 20/8/2019. Hồ sơ do Công ty Cổ phần Tư vấn đào tạo Bách Việt (Công ty Bách Việt) là đơn vị tư vấn.

HSMT “cài cắm” điều kiện riêng?

Phản ánh tới Báo Công lý nhà thầu cho biết, trong HSMT có một số yêu cầu, tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm chưa phù hợp với pháp luật về đấu thầu, có thể hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Cụ thể, tại trang 32, 33, 34 của HSMT yêu cầu nhà thầu tham dự có các hợp đồng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135. Trong khi đó phạm vi cung cấp của gói thầu chỉ bao gồm các hạng mục cơ bản như: Bố trí giảng viên, quản lý tổ chức lớp học, bố trí ăn nghỉ cho học viên, chuẩn bị hội trường, tài liệu, văn phòng phẩm, phát các khoản hỗ trợ cho học viên.

Điều kiện bất hợp lý trong hồ sơ mời thầu

Nhà thầu cho rằng, đây là các hạng mục công việc của dịch vụ tổ chức đào tạo cho bất kỳ chương trình đào tạo nào chứ không riêng gì chương trình đào tạo cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135.

 Việc bố trí giảng viên, quản lý lớp học, bố trí ăn nghỉ cho học viên, chuẩn bị hội trường, tài liệu, văn phòng phẩm và phát các khoản hỗ trợ cho học viên là phạm vi công việc của bất kỳ gói thầu dịch vụ đào tạo nào cũng có. Nếu nhà thầu có các hợp đồng tương tự về tính chất phù hợp các hạng mục công việc dịch vụ đào tạo nêu trên nhưng không thuộc Chương trình 135 thì vẫn không đáp ứng yêu cầu của HSMT. Vì vậy, nếu quy định như trong HSMT có thể dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Quy định tiêu chí đánh giá về kinh nghiệm cụ thể trong thực hiện hợp đồng tương tự được thực hiện theo hướng dẫn tại ghi chú (7) Khoản 2.1 Mục 2 Chương III của Mẫu HSMT dịch vụ phi tư vấn ban hành kèm theo Thông tư số 14/2016/TT-BKHĐT.

Theo đó, hợp đồng tương tự là hợp đồng có tính chất tương tự với gói thầu đang xét, có giá hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 70% giá của gói thầu đang xét. Việc chủ đầu tư, bên mời thầu đưa ra quy định trong HSMT dẫn đến hạn chế nhà thầu tham gia là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 47/CT-TTg  ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.

Ảnh bìa hồ sơ mời thầu

Đã từng có tiền lệ

Trao đổi với PV, một nhà thầu cho biết năm 2018, doanh nghiệp này tham dự đấu thầu tại Ban dân tộc tỉnh Sơn La và cũng gặp tình trạng tương tự. Nhà thầu đã cung cấp các hợp đồng tương tự trong hồ sơ dự thầu. Những hợp đồng này đáp ứng về quy mô và tính chất tương tự cụ thể với gói thầu đang xét (đều có các hạng mục cơ bản như đúng yêu cầu của HSMT gồm: Bố trí giảng viên, quản lý tổ chức lớp học, bố trí ăn nghỉ cho học viên, chuẩn bị hội trường, tài liệu, văn phòng phẩm, phát các khoản hỗ trợ cho học viên) và đáp ứng thực hiện trên các địa bàn thuộc vùng đặc biệt khó khăn như thuộc chương trình 135 và đối tượng đào tạo là bà con dân tộc.

Tuy nhiên, chủ đầu tư viện dẫn lý do nhà thầu không có hợp đồng tương tự thuộc Chương trình 135 và không chấp thuận hồ sơ dự thầu. Theo dõi các chương trình tổ chức đào tạo trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có thể thấy, không có nhiều gói thầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 có quy mô trên 4 tỷ đồng như yêu cầu của HSMT.

Điều đặc biệt là trong khoảng 3 năm gần đây, hầu hết các gói thầu đào tạo thuộc Chương trình 135 nêu trên tại các tỉnh có chương trình, hầu hết đều là Công ty Cổ phần Pro Phương Nam trúng thầu. Cụ thể: năm 2017 trúng 3 gói thầu rộng rãi tại các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La; năm 2018 trúng 5 gói (4 gói thầu đấu rộng rãi, 1 gói chỉ định thầu rút gọn) tại các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La và Thanh Hóa.

Trụ sở Ban dân tộc tỉnh Sơn La là chủ đầu tư gói thầu nói trên.

Đáng chú ý, giá trúng thầu của Công ty Cổ phần Pro Phương Nam với gói thầu Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 năm 2018 là 6.643 triệu đồng, giảm 0,4% so với giá gói thầu, cao hơn gần 1 tỷ đồng so với giá dự thầu của nhà thầu kiến nghị.

Rõ ràng yêu cầu của HSMT có sự “khu biệt” nhà thầu tham gia đấu thầu (chỉ dành cho những nhà thầu đã từng trúng các gói thầu về đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135) bởi đây là tiêu chí bắt buộc (đạt hoặc không đạt).

Theo các nhà thầu, nếu HSMT đưa ra tiêu chí chấm điểm để những nhà thầu đã có kinh nghiệm thực hiện những hợp đồng tương tự của Chương trình 135 có thể được cộng một số điểm ưu tiên nào đó, không đưa ra tiêu chí bắt buộc để loại những nhà thầu chưa từng trúng các gói thầu tương tự trong Chương trình 135 thì sẽ hợp lý và đúng quy định của pháp luật.

Một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, việc phê duyệt HSMT với những tiêu chí trái với quy định của pháp luật về đấu thầu thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư là Ban Dân tộc tỉnh Sơn La.

Trong trường hợp này, việc đưa ra các tiêu chí mời thầu sai quy định không những hạn chế nhà thầu tham dự mà còn có thể làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Vì vậy, vụ việc cần có sự vào cuộc thực sự của cơ quan chức năng tỉnh Sơn La để đảm bảo cạnh tranh công bằng và minh bạch trong đấu thầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đấu thầu tại Sơn La: Chỉ định “trá hình”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO