Đại học Sư phạm Hà Nội 2 ‘nhập nhèm’ về chứng chỉ ngoại ngữ

Nhóm PV| 02/01/2021 07:53

Mặc dù chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, nhưng Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 vẫn tổ chức thi và cấp chứng chỉ cho học viên bảo vệ luận án thạc sĩ và tiến sĩ.

Ngày 07/11/2020, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức bảo vệ luận văn thạc sĩ khóa 2018 - 2020 cho 67 học viên ở nhiều tỉnh thành khu vực phía Bắc. Trước đó, ngày 19/9, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng bảo vệ luận văn cho 19 thạc sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục. Trong tháng 7/2020, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức trao 6 bằng tiến sĩ và 183 bằng thạc sĩ cho 189 người.

Theo chương trình đào tạo thạc sĩ, chuẩn đầu ra tiếng Anh là chứng chỉ bậc 3, tiến sĩ là bậc 4, theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Đây là quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, năm 2019, Bộ GD&ĐT thông báo có 8 đơn vị được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo Thông tư 23, Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 không có tên. Năm 2020, Bộ GD&ĐT tiếp tục thông báo bổ sung thành 14 đơn vị được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng không có tên.

Thế nhưng, Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 vẫn tổ chức thi và cấp chứng chỉ bậc 3 và bậc 4 cho hàng trăm học viên bảo vệ luận văn thạc sĩ và NCS học tại trường. Điều đó cho thấy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 không tuân thủ Thông tư 23/2017/ TTBGDĐT ngày 29/9/2017, có hiệu lực từ ngày 15/11/2017 của Bộ GD&ĐT.

1-w500-h326.jpg

2-w500-h360.jpg

Chứng chỉ tiếng Anh trường ĐHSP Hà Nội 2 cấp cho học viên

Từ bức xúc của chính những giảng viên của trường, vụ việc mới được phơi bày trước công luận. Đáng nói, tháng 6 vừa qua báo chí thông tin rầm rộ việc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cấp chứng chỉ ngoại ngữ trái phép, Bộ GD&ĐT yêu cầu Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 báo cáo. Hiệu trưởng Nguyễn Quang Huy báo cáo: “Nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân Ngôn ngữ Anh từ 2005, cử nhân Sư phạm tiếng Anh từ 2012. Do đó trường có thẩm quyền cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khoản 1, Điều 22 Thông tư 05/2012- BGDĐT cho người học của trường”.

Hiệu trưởng Nguyễn Quang Huy đã cố ý quên Thông tư 23/2017 có hiệu lực từ ngày 15/11/2017 để báo cáo. Theo Thông tư 23 của Bộ GD&ĐT, cả nước chỉ có 14 đơn vị được tổ chức thi và cấp chứng chỉ B1, B2.

Một câu hỏi đặt ra là 183 thạc sĩ và 6 tiến sĩ vừa được nhà trường trao bằng có đạt trình độ ngoại ngữ theo Thông tư 23 hay không?.

Theo ông Trần Đình Vinh, Hiệu phó Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 khẳng định nhà trường vừa trao bằng tiến sĩ cho các nghiên cứu sinh, đều đạt trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận án theo Thông tư số 05 ngày 15/02/2012 của Bộ GD&ĐT. Còn các học viên vừa được trao bằng thạc sĩ, đều đạt trình độ ngoại ngữ đáp ứng điều kiện bảo vệ luận văn, theo quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15/5/2014 của Bộ GD&ĐT.

3-w500-h666.jpg

Công văn Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2 báo cáo Bộ GD và ĐT bằng thông tư cũ

Giải thích về vấn đề trên với báo chí, TS Bùi Kiên Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, do chương trình đạo tạo thạc sĩ và NCS có môn học ngoại ngữ nên nhà trường chỉ tổ chức thi và cấp chứng chỉ môn học này cho học viên. Vì trường chưa được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ theo khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc cho Việt Nam. Nhưng nhà trường cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho học viên chỉ có hiệu lực trong nội bộ trường để bảo vệ luận án, không được sử dụng rộng rãi. “Vì không được Bộ GD&ĐT cho phép nên khi cấp chứng chỉ nhà trường không sử dụng mẫu của Bộ, mà chỉ sử dụng mẫu của trường. Bộ không cho phép nhà trường đâu dám làm trái”, TS Cường giải thích.

6-w500-h526.jpg

Danh sách những trường được Bộ GD& ĐT cho phép được đào tạo và cấp chứng chỉ ngoại ngữ B1,B2, trường ĐHSP HN 2 không có tên.

Giải thích như TS Cường, việc nhà trường cấp chứng chỉ bậc 3 cho học viên để bảo vệ luận án thạc sĩ là cấp chứng chỉ cho môn học, trong chương trình đào tạo thạc sĩ của trường. Chứng chỉ đó chỉ được lưu hành nội bộ trong khuôn khổ để học viên bảo vệ luận án thạc sĩ (tức là các môn học đủ điểm theo chương trình đào tạo thạc sĩ). Như vậy, việc học viên bảo vệ thành công luận án và được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cấp bằng thạc sĩ, vẫn thiếu chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3 theo Thông tư 23. Bởi lẽ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chưa được phép cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Thông tư 23 của Bộ GD&ĐT. Do đó, những trường hợp này phải tiếp tục đi thi tại các đơn vị được phép của Bộ GD&ĐT để được cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định mới đủ điều kiện tốt nghiệp.

Không thực hiện Nghị quyết của Ban cán sự Bộ GD&ĐT

Ngày 15/7/2020, Ban cán sự Bộ GD&ĐT triển khai Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 25/10/2017, của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học ở các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Theo đó, Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT quyết nghị: Các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT, thực hiện việc thành lập Hội đồng trường theo Nghị quyết số 99/2019/NĐ-CP; đảm bảo Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch hội đồng trường đã được nêu trong Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương.

Tuy nhiên, đến nay đã 5 tháng, Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 bầu Chủ tịch Hội đồng trường, nhưng Chủ tịch Hội đồng trường vẫn chưa được kiêm Bí thư đảng ủy theo Nghị quyết của Ban cán sự Bộ GD&ĐT.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đại học Sư phạm Hà Nội 2 ‘nhập nhèm’ về chứng chỉ ngoại ngữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO