Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giải quyết tranh chấp không đúng thẩm quyền

Thành Nhớ| 16/06/2021 20:21

Sự việc giải quyết thuộc thẩm quyền của Tòa án nhưng UBND tỉnh Cà Mau “giành” quyền giải quyết và hậu quả đã khiến một gia đình rơi vào cảnh tan cửa nát nhà.

ca-mau-okia-w623-h400.jpg

Ông Đen bên căn chòi tạm bợ để sinh sống 

Theo hồ sơ vụ việc, chùa Phước Âm tọa lạc tại khóm 3, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau có nguồn gốc do cụ Nguyễn Văn Minh tạo lập trên đất của cha mình là cụ Nguyễn Văn Tào. Cụ Minh quản lý chùa Phước Âm đến năm 1990 thì qua đời nên cụ Hồ Thị Phấn (vợ của cụ Minh) tiếp tục quản lý.

Năm 1991, cụ Phấn xin gia nhập Giáo hội Phật giáo, làm thủ tục xin con dấu, đồng thời xin trùng tu và quyên góp nâng cấp sửa chữa chùa. Diện tích đất chùa có 2 phần: phần thứ nhất gồm phần đất có chùa và khuôn viên; phần đất thứ hai là phần đất sản xuất.

Năm 2004, giữa cụ Phấn và ông Nguyễn Văn Út (con của cụ Minh và cụ Phấn) xảy ra mâu thuẫn nên ông Út thôi giữ chức Trưởng ban Hộ tự chùa và bàn giao phần đất canh tác nuôi tôm lại cho chùa quản lý, sử dụng. Cụ Phấn sau đó lập giấy ủy quyền giao cho ông Nguyễn Văn Đen và bà Đào Thị Hồng Thúy (con ruột và con dâu của cụ Minh, cụ Phấn) được quyền quản lý và canh tác diện tích đất chùa Phước Âm.

Ngày 6/1/2007, cụ Phấn và ông Đen được cấp GCN QSDĐ 46.671m2, thuộc tờ bản đồ số 52, thửa 66 và thửa 198 tại khóm 3, thị trấn Thới Bình. Cụ Phấn sau đó lập di chúc giao cho vợ chồng ông Đen quản lý sử dụng với điều kiện không được chuyển nhượng.

Sau đó, ông Út có đơn yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau buộc gia đình ông Đen trả lại toàn bộ phần đất chùa Phước Âm cho Ban hộ tự chùa quản lý, sử dụng. Ngày 4/3/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 310/QĐ-UBND buộc gia đình ông Đen di dời khỏi chùa Phước Âm, giao trả diện tích đất cho chùa quản lý, sử dụng hoạt động tôn giáo theo đúng quy định.

Cho rằng quyết định nói trên là trái quy định pháp luật, vợ chồng ông Đen có đơn khởi kiện vụ việc ra TAND tỉnh Cà Mau yêu cầu hủy Quyết định số 310 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều bác đơn của vợ chồng ông Đen.

cm-a1-okia-w608-h400.jpg

Quyết định thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 310/QĐ ngày 4/3/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Ngày 14/2/2017, ông Đen có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Trong thời gian này, đoàn cưỡng chế của UBND huyện Thới Bình tiến hành cho lực lượng tháo dỡ chòi vuông, kiêm kê tài sản và di dời tài sản của gia đình ông Đen đem ra sân chùa Phước Âm.

Ngày 30/5/2019, Chánh án TANDTC ban hành Quyết định số 22/2019/KN-HC kháng nghị bản án hành chính phúc thẩm của TAND cấp cao tại TPHCM và bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Cà Mau; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Quyết định kháng nghị của Chánh án TANDTC cho rằng, vợ chồng ông Đen quản lý, sử dụng phần đất của chùa Phước Âm theo di chúc của cụ Phấn, lẽ ra Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phải hướng dẫn cho ông Út khởi kiện đến Tòa án để giải quyết bằng vụ án dân sự. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lại thụ lý và giải quyết tranh chấp giữa ông Đen và ông Út là không đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, Điều 136, Luật Đất đai năm 2003.

Mặc khác, tại Công văn số 03/CV-BTS ngày 15/6/2006 của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Cà Mau có nội dung: “Chùa Phước Âm đăng ký gia nhập sinh hoạt Giáo hội về hành chính đường lối, riêng phần đất thổ cư tài sản thuộc gia đình quản lý… Sau đó, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Cà Mau lại cho rằng, ngôi chùa do thân tộc của cụ Minh hiến cúng nên đất là của chùa”.

Như vậy, lời trình bày của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Cà Mau là không thống nhất và mâu thuẫn. Lẽ ra, tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm phải thu thập đầy đủ chứng cứ để xác định phần đất chùa Phước Âm và phần đất sản xuất của chùa hay chưa? Trong trường hợp có căn cứ xác định phần đất có chùa và khuôn viên đã được hiến thì phải xem xét đến công sức quản lý, tôn tạo của vợ chồng ông Đen. Còn phần đất nuôi trồng thủy sản phải được giải quyết bằng vụ án dân sự mới đúng.

“Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau không hướng dẫn cho đương sự khởi kiện bằng vụ án dân sự mà lại ban hành Quyết định số 310, buộc gia đình ông Đen di dời ra khỏi chùa Phước Âm là không có cơ sở, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng ông Đen, bà Thúy. Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa làm rõ vấn đề trên đã bác yêu cầu khởi kiện của ông Đen là không có căn cứ”, kháng nghị của Chánh án TANDTC nêu rõ.

Sau đó, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Chánh án TANDTV; hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Cà mau và bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TPHCM đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Cà Mau xem xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

Sau khi TAND tỉnh Cà Mau thụ lý lại vụ án nói trên để xét xử lại thì vào ngày 23/10/2019, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1824/QĐ-UBND hủy bỏ Quyết định số 310 của Chủ tịch tỉnh này với ly do thẩm quyền giải quyết của TAND (bằng vụ án dân sự).

anh-2-cm-okia-w998-h1109.jpg

Công văn của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, nghiên cứu nội dung yêu cầu bồi thường của ông Đen

Ngày 27/11/2019, TAND tỉnh Cà Mau đưa vụ án ra xét xử “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai”. Tại phiên Tòa, HĐXX đã bác đơn khởi kiện của vợ chồng ông Đen với lý do đối tượng khởi kiện không còn (vì trước đó ông Đen khởi kiện Quyết định số 310/QĐ ngày 4/3/2015 của UBND tỉnh Cà Mau nay quyết định này đã được thu hồi hủy bỏ vào ngày 23/10/2019). Đồng thời, việc tranh chấp dân sự giữa ông Đen và ông Út, nếu tiếp tục phát sinh sẽ được Tòa án có thẩm quyền xem xét, giải quyết bằng vụ án dân sự khác. Tại bản án của TAND cấp cao tại TPHCM cũng yêu cầu giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Cà Mau ngày 27/11/2019.

Ông Nguyễn Văn Đen cho biết: “Đã 6 năm nay kể từ khi UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 310/QĐ ngày 4/3/2015 cho lực lượng tháo dỡ chòi vuông, kiêm kê tài sản và di dời tài sản của gia đình đem ra sân chùa Phước Âm khiến gia đình tôi rơi vào cảnh tan cửa nát nhà, kiện tụng kéo dài kiệt quệ về kinh tế lẫn tinh thần. Hiện tôi đã gửi đơn yêu cầu UBND tỉnh Cà Mau bồi thường tổng các khoản thiệt hại là trên 2,8 tỷ đồng về thiệt hại tài sản do cưỡng chế thực hiện quyết định trái pháp luật, gây hậu quả lớn cho gia đình. Tôi hi vọng UBND tỉnh Cà Mau các Sở ban ngành cần có cái nhìn thấu tình đạt lý sớm giải quyết cho gia đình tôi”.

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 4/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, nghiên cứu nội dung đơn của ông Đen; rà soát, đối chiếu với quy định pháp luật. Trên cơ sở đó báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý đơn. Báo cáo kết quả thực hiện đến Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/6/2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giải quyết tranh chấp không đúng thẩm quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO