Ngày 15/9, Sở GDCK TP. HCM (HoSE) có thông báo về việc xử lý vi phạm đối với cổ phiếu SJF của Công ty CP Đầu tư Sao Thái Dương.
Trước đó, trong ngày 14/9, HoSE ban hành Quyết định 561/QĐ-SGDHCM đưa cổ phiếu SJF vào diện cảnh báo, bắt đầu từ ngày 21/9. Lý do Công ty chậm nộp báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét quá 15 ngày so với thời hạn quy định. SJF thuộc diện chứng khoán bị cảnh báo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán của Hội đồng Thành viên Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Cũng trong ngày 14/9, HoSE có thông báo về việc giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu SJF, do trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán của Công ty kiểm toán viên đã loại trừ nhiều vấn đề.
Cụ thể, tại thời điểm kiểm toán với các tài liệu hiện có, kiểm toán viên chưa đánh giá được tính hiệu quả cũng như khả năng hoàn vốn của hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty CP Đầu tư Phát triển SCO cũng như khoản đầu tư vào Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tona với số tiền tại thời điểm 31/12/2022 lần lượt là 101, 5 tỷ đồng và 147 tỷ đồng. Theo đó, việc tính toán giá trị dự phòng (nếu có) cho các khoản hợp tác kinh doanh này chưa xác định được.
Kết thúc năm 2022, SJF ghi nhận lỗ sau thuế hơn 32,2 tỷ đồng, đây là mức lỗ kỷ lục so với 2021. Doanh thu bán hàng sụt giảm, giá vốn bán hàng đội lên bất thường khiến lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ âm 7,4 tỷ đồng. Bù lại SJF có nguồn thu tài chính 27,9 tỷ đồng tăng so với 2021, thế nhưng ngược lại Công ty phải "gồng" khoản lãi vay 12,2 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng "đội" lên một cách bất thường 34,2 tỷ đồng, trong khi 2021 chỉ là 4,4 tỷ đồng. Gồng lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp neo ở mức cao đã “kéo” lợi nhuận sau thuế của SJF xuống âm 32,2 tỷ đồng.
Trong năm SJF có 2 khoản nợ xấu 60 tỷ đồng, Công ty phát triển Phân bón Đình Vũ (59,7 tỷ), Công ty CP Đầu tư PTSXXNKTM Vân Tảo 261 triệu đồng, việc trích lập dự phòng tăng lên 30,1 tỷ đồng, cho thấy việc thu hồi nợ trở nên rất khó khăn.
Báo cáo tái chính quý II vừa rồi cũng cho thấy, tình hình chưa được cải thiện, SJF tiếp tục “chìm” vào thua lỗ, LNST thuế âm hơn 3,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 2,7 tỷ.
Ghi nhận trong năm 2022, SJF đi vay ngắn hạn 108,8 tỷ đồng, mục đích để bổ sung vốn lưu động, đầu tư xây dựng nhà máy, sản xuất tre ép tẩm, mua ô tô. Đáng lưu ý, khoản vay dài hạn 82,8 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, chi nhánh huyện Mai Châu, Hòa Bình đã quá hạn thanh toán do Công ty CP BWG Mai Châu đang gặp khó khăn về tài chính nên chưa có nguồn tiền để thanh toán. Ngân hàng đã thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ này, tới thời điểm lập báo cáo tài chính (31/12/2022) khoản nợ này chưa được thực hiện đấu giá thành công.
Trên thị trường, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/9, SJF đang giao dịch 4.040 đồng/cổ phiếu, giảm 1.160 đồng/cổ phiếu so với hồi tháng 9/2021 và giảm 13.510 đồng/cổ phiếu so với vùng đỉnh tháng 3/2022.
Công ty CP Đầu tư Sao Thái Dương có địa chỉ tại tòa nhà Simco Sông Đà, tiểu khu ĐTM Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, (Hà Đông, TP. Hà Nội). Công ty có vốn điều lệ 792 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại hàng nông, lâm sản.