Nhiều cá nhân đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu theo nơi thường trú là bệnh viện huyện, tuy nhiên do có nhu cầu thăm khám chuyên môn cao hơn, mong muốn chuyển tuyến khám chữa nhưng chưa rõ mình có được chuyển tuyến khám, chữa bệnh hay không, hưởng chế độ thế nào?
Vấn đề này BHXH Việt Nam cho biết:
Theo quy định tại Luật BHYT, để được hưởng đầy đủ quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh BHYT, đề nghị bệnh nhân đi khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT và thực hiện đầy đủ thủ tục khám, chữa bệnh BHYT (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh).
Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh thì cơ sở khám, chữa bệnh sẽ hướng dẫn và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân theo quy định.
Trường hợp bệnh nhân tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến Trung ương và có thực hiện đầy đủ thủ tục khám, chữa bệnh BHYT (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh) thì quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng ghi trên thẻ của bệnh nhân. Trường hợp chỉ khám, chữa bệnh ngoại trú thì không được quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh.