Từ cuối tháng 7 đến nay, nhiều Ngân hàng Thương mại tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng đáng kể. Cùng dự đoán mặt bằng lãi suất tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2022, giới chuyên gia cho rằng điều này sẽ tác động đến các ngành, công ty dùng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.
Trong tháng 8, các Ngân hàng Thương mại đã tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,3 điểm phần trăm. Cuộc đua tăng lãi suất để huy động tiền gửi còn có thêm sự tham gia của nhóm Ngân hàng Thương mại CP quốc doanh.
Mặc dù lãi suất huy động tăng cao nhưng huy động vốn vẫn lệch khá xa so với tăng trưởng tín dụng, tính đến cuối tháng 6/2022, tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 4,8% so với đầu năm. Tăng trưởng cung tiền cũng rất khiêm tốn, chỉ tăng 3,8% so với đầu năm.
Sự chênh lệch giữa nhu cầu tín dụng và tăng trưởng tiền gửi sẽ là yếu tố tiếp tục thúc đẩy đà tăng hiện có của lãi suất huy động. Điều này song hành với việc siết room tín dụng có thể đẩy lãi suất cho vay tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm.
Cùng với dự đoán mặt bằng lãi suất dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm 2022 với mục tiêu ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát, nhóm chuyên gia Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, điều này sẽ tác động đến các ngành/ công ty sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao. Trong đó, ngành Hàng không là nhóm chịu tác động mạnh nhất.
Theo phân tích của Mirae Asset, đây là ngành đã ghi nhận thua lỗ lớn trong hai năm qua. Do đó, các công ty hàng không cần được tái cấp vốn đồng nghĩa với việc sử dụng nhiều nợ hơn để đảm bảo nguồn vốn lưu động.
Tuy nhiên, nhìn về tương lai, với sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động du lịch và lữ hành trong nước, rủi ro đòn bẩy của ngành Hàng không, vẫn trong tầm kiểm soát.
Nhờ nền kinh tế phục hồi, trong 6 tháng đầu, cả nhóm khách hàng doanh nghiệp và cá nhân năm nhu cầu vốn hiện đang rất cao. Điều này đã thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lên mức 9,35% so với đầu năm. Do đó, việc tỷ lệ nợ tăng nhẹ của các công ty là không quá bất ngờ.
Đối với lĩnh vực bất động sản, mức đòn bẩy tổng thể tăng đáng kể từ 62% trong năm 2021 lên 81% trong 6 tháng 2022. Tuy nhiên, chỉ đa phần các nhà phát triển bất động sản dân dụng mới có mức gia tăng đáng kể tỷ lệ đòn bẩy, trong khi các nhà phát triển khu công nghiệp duy trì mức đòn bẩy thấp hơn rất nhiều, tại một số công ty, tỷ lệ này thấp hơn mức trung bình rất nhiều.
Thị trường cũng ghi nhận sự gia tăng nhẹ tỷ lệ nợ của các ngành ô tô và linh kiện, thép, vật liệu, công ty thương mại và nhà phân phối, vận tải đường bộ, vật liệu xây dựng cơ bản, thiết bị gia dụng và nội thất gia đình, sản phẩm và bao bì giấy, dịch vụ tiêu dùng. Do đó, nhóm chuyên gia tại đây bày tỏ lạc quan về các công ty liên quan tới việc phát triển khu công nghiệp.
Dự báo này dựa trên sức khỏe tài chính, cũng như tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh giải ngân vốn FDI 7 tháng đầu năm 2022 đã đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, trong 7 tháng năm 2022, lĩnh vực sản xuất là lĩnh vực thu hút nhiều nhất vốn FDI (chiếm 72% tổng vốn FDI đăng ký).
Tiếp theo là lĩnh vực bất động sản, chiếm gần 16%. Điều này cho thấy Việt Nam đang thu hút sự quan tâm và tin tưởng lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Mirae Asset, đánh giá chung về toàn bộ triển vọng các ngành trong thời gian nửa cuối năm 2022, những ngành vẫn sẽ tiếp tục hưởng lợi lớn từ sự phục hồi kinh tế của Việt Nam bao gồm: dịch vụ sân bay, dịch vụ tiêu dùng, hóa chất hàng hóa, phân bón và hóa chất nông nghiệp. Ngoài ra còn có xây dựng, năng lượng, và xây dựng cao tốc, đường sắt.
Về phía người gửi tiền, lãi suất huy động tăng lên đã kích thích nhu cầu gửi tiết kiệm nhiều hơn trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa thật sự hấp dẫn. Nhưng theo giới chuyên môn, lãi suất huy động tăng đang góp phần tạo sức ép điều chỉnh lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ rất uyển chuyển và kịp thời, giúp Việt Nam chủ động kiểm soát tốt lạm phát. Điều này đã tạo nền tảng vững chắc cho việc phục hồi và tăng trưởng của các công ty trong nửa đầu 2022, cũng như dự phóng cho cả năm 2022.