Chuyển đổi số hiệu quả trong lĩnh vực thuế

Minh Đức (TH)| 06/09/2022 14:21

Trong bối cảnh bùng nổ của các cuộc cách mạng công nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về triển khai Chính phủ điện tử, ngành Thuế đã thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức làm việc. Ngành Thuế hiện đang trong giai đoạn đưa toàn bộ hoạt động của cơ quan thuế lên môi trường số.

Thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai hệ thống ứng dụng đáp ứng các quy trình nghiệp vụ; xây dựng kho cơ sở dữ liệu về thuế với các giải pháp phân tích và khai thác dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro trong quản lý thuế theo hướng tập trung. Đồng thời, ngành Thuế đã kết nối, trao đổi thông tin với các cơ quan, tổ chức (kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, ...) nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.

Ngành Thuế còn triển khai các ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế như: triển khai dịch vụ thuế điện tử trên nền tảng web, thiết bị di động (Etax-Mobile) đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người nộp thuế tại Việt Nam và nhà cung cấp nước ngoài. Đến nay, dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử được toàn ngành triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Tính đến ngày 15/8/2022, có 864.829 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số 865.388 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,94%. Kết quả đến nay, cơ quan thuế đã tiếp nhận gần 160 triệu hồ sơ điện tử từ người nộp thuế.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tiếp tục duy trì và đẩy mạnh triển khai hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 cục thuế và 413 chi cục thuế địa phương, hoạt động thường xuyên, liên tục và thông suốt 24/7 được vận hành thống nhất và hiệu quả. Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 15/8/2022, hệ thống đã tiếp nhận và trả lời được 4.304 câu hỏi, đạt tỷ lệ 88% tổng số câu hỏi phải trả lời trong kỳ.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã hoàn thành kết nối hệ thống tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng mã căn cước công dân xác thực số định danh cá nhân và tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế; dịch vụ xác nhận thông tin hộ gia đình và dịch vụ chia sẻ thông tin công dân qua kênh kết nối với Văn phòng Chính phủ. Tính  đến ngày 16/5/2022, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng dịch vụ công quốc gia có kết nối với cơ sở dữ liệu dịch vụ công quốc gia về dân cư, tiến tới sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế. Tính đến ngày 15/8/2022, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận 610 hồ sơ đăng ký thuế lần đầu và 1.094 hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Kể từ năm 2017, ngành Thuế đã hoàn thành việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc. Với mục tiêu lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ, cùng sự quyết tâm, nỗ lực cao của ngành Thuế và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là người dân, việc vận hành đưa vào triển khai hoạt động Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài cũng như triển khai Ứng dụng dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động Etax Mobile của ngành Thuế sẽ đem lại hiệu quả to lớn, góp phần giúp ngành Thuế nói riêng và ngành tài chính nói chung đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.

Trong giai đoạn tiếp theo, ngành Thuế tập trung xây dựng và triển khai phần mềm và hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử tại cơ quan thuế. Từ đó, ngành Thuế có thể đáp ứng yêu cầu về chính sách quản lý hóa đơn; mở rộng xây dựng hệ thống Cổng kết nối tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền, biên lai điện tử đồng thời bổ sung các chức năng hỗ trợ cơ quan thuế trong công tác điều tra, đối chiếu doanh thu, xác định số thuế phải nộp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Ảnh minh họa

Nền kinh tế số là cơ hội cũng là thách thức lớn của ngành Thuế trong lĩnh vực quản lý nguồn thu. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sự chuyển đổi kinh doanh của các doanh nghiệp sang nền tảng số, bài toán lớn nhất đặt ra là tìm nguồn dữ liệu lớn để tổng hợp và xử lý các vấn đề quản lý.

Đối với mô hình quản lý thuế 3.0, hai nguồn dữ liệu quan trọng trong quản lý thuế cần tiếp tục thu thập đó là dữ liệu giao dịch của người nộp thuế trong hoạt động tài chính, hoạt động nhân sự. Cùng với các nguồn dữ liệu được trao đổi dùng chung giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các Bộ, ngành, địa phương theo các lĩnh vực quản lý, khi đã có đủ các nguồn dữ liệu cần thiết, sử dụng công nghệ máy học và phân tích dữ liệu, ngành Tài chính, đặc biệt là ngành Thuế có thể có những bước đột phá mới trong việc cải tiến các chính sách thuế, quy trình nghiệp vụ về thuế và giảm bớt rất nhiều thủ tục hành chính.

Nhìn chung, việc thực hiện các bước chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số là một chương trình dài hạn, cần có sự đồng thuận, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp các ngành, triển khai đồng bộ, có quy hoạch theo chiến lược của Chính phủ. Đây là những khó khăn, thách thức lớn đối với ngành Thuế và đặc biệt là lĩnh vực quản lý nguồn thu nhưng cũng là cơ hội để nâng cao hiệu năng quản lý của ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số hiệu quả trong lĩnh vực thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO