Đây là phiên tòa mà người làm công tác xét xử như ông nhớ mãi bởi tính tàn độc, thủ đoạn khó lường của người đàn bà có nhan sắc nhưng ẩn chứa bên trong là “linh hồn quỷ dữ”…
Ông Trần Văn Tong, nguyên Thẩm phán kỳ cựu của TAND tỉnh Bình Dương, người xét xử hàng ngàn vụ án, trong đó có “kẻ giết người hàng loạt” Lê Thanh Vân (SN 1956, ngụ phường 11, quận 10, Tp.Hồ Chí Minh) sử dụng chất độc Xyanua hạ sát 13 người nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là phiên tòa mà người làm công tác xét xử như ông nhớ mãi bởi tính tàn độc, thủ đoạn khó lường của người đàn bà có nhan sắc nhưng ẩn chứa bên trong là “linh hồn quỷ dữ”…
Bị cáo Vân và Quang (hình tư liệu phiên tòa sơ thẩm)
Với thâm niên công tác và kinh nghiệm xét xử án hình sự dày dặn, ông Trần Văn Tong được phân công thụ lý giải quyết, ngồi ghế chủ tọa phiên tòa vụ án Lê Thanh Vân. Chỉ trong thời gian khoảng 3 năm, Vân đã cướp đi sinh mạng của 13 người, trong đó có cả những người từng gần gũi, thân quen với bị cáo. Ngay cả khi xuống mồ, Vân còn để lại một bản danh sách hàng loạt những cái chết đầy bất ngờ, bí ẩn khác.
Qua trí nhớ của ông, Lê Thanh Vân là nữ bị cáo có ánh mắt lạnh lẽo, trong suốt phiên toà, bị cáo không thể hiện thái độ coi thường pháp luật bằng lời nói ngông cuồng, nhạo bang cả cả đại diện viện kiểm sát.
Một trong những vấn đề mà theo ông Trần Văn Tong xét hỏi để làm rõ là chiếc lọ nhựa chứa 2,802 gram bột chất độc Xyanua (đủ để giết chết khoảng 20 người khoẻ mạnh) mà cơ quan Cảnh sát điều tra thu được khi bắt khẩn cấp Vân. Khi xét hỏi tình tiết này, Vân thể hiện ngay bản tính dối trá bằng lời khai rất vu vơ. Theo Vân, bị cáo có quen biết Công an tỉnh Bình Thuận và một vị bác sỹ ở Bệnh viện Y Dược Tp.Hồ Chí Minh. Trong một vụ án xảy ra ở tỉnh Bình Thuận, Công an có thu được một lọ thuốc tang vật; vậy nên mới "nhờ bị cáo mang đi giám định để giúp bên Công an triệt phá vụ án".
Vị đại diện Viện kiểm sát đưa ra các căn cứ để bác bỏ lời khai của Vân vì ngành Công an được trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật hình sự để giám định các loại hoá chất, không bao giờ cần nhờ bị cáo. Lời khai của bị cáo cho rằng Công an tỉnh Bình Thuận và bác sỹ chuyên khoa yêu cầu bị cáo giúp là không có căn cứ. Lúc này Lê Thanh Vân mới gào lên: Chẳng qua vì tình người, vì tin tưởng nên bị cáo nhận lời giúp chứ bị cáo đâu có biết đó là loại chất gì. Vân tiếp tục khẳng định bị cáo không có tội, thậm chí còn có công giúp Công an Bình Thuận phá án.
Sự dối trá của Lê Thanh Vân khiến một người làm công tác xét xử có thâm niên như ông Tong phải nhớ mãi. Khi tiến hành phần xét hỏi về thủ đoạn giết hại 13 nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản, Vân đều kêu oan và nại ra những lý do rất “lạ” để chối tội. Về cái chết của anh Lê Văn Cẩm (em rể Vân), bị cáo cho rằng anh Cẩm chết là do… trúng gió. Điều này trái ngược với lời khai của Vân tại Cơ quan điều tra cho rằng do thù tức nên Vân dùng chất độc tiêm vào tay anh Cẩm để trả thù.
Việc đối chất được tiến hành ngay tại phiên tòa, anh Lê Văn Minh, em trai anh Cẩm khẳng định: “Vân nói anh tôi chết do trúng gió trên đường đi với Vân đến nhà Phượng để nhận thầu xây dựng. Tôi xác minh thì được biết anh Phượng không quen biết Vân và không hề xây dựng gì cả. Điều đó cho thấy Vân đã chủ động giết người nên mới khai báo gian dối như vậy”…
Còn trong vụ đầu độc bà Võ Thị Lý (81 tuổi, ngụ tại huyện Long Khánh, Đồng Nai) để cướp 900 ngàn đồng, Vân cho rằng bà Lý già quá nên… tự chết chứ thị không đầu độc. Điều khôi hài là trong giai đoạn điều tra, Vân ra sức đổ tội cho gã tình trẻ Dìu Dãnh Quang, còn trước vành móng ngựa, Vân lại đưa Quang ra để làm chứng, xác nhận không thấy Vân hạ độc (?).
Trong vụ án Lê Thanh Vân, loại chất độc mà bị cáo dùng để giết người cũng khiến những người làm công tác xét xử rất ám ảnh. Đó là loại hoá chất Xyanua được Vân “tin dùng” liên tục trong vòng 4 năm, giết 13 mạng người nhưng Cơ quan điều tra không tìm thấy chất độc trong thi thể các nạn nhân? Xyanua được xếp vào danh mục hoá chất rất độc hại, làm tê liệt hô hấp tế bào, chỉ cần một lượng cực nhỏ ở mức 0,15-0,20 gram là gây tử vong cho người lớn. Sau khi lấy đi sự sống của nạn nhân, Xyanua bị phân hủy nên cán bộ pháp y đều không tìm thấy chất độc.
Trong quá trình điều tra, Vân gian manh né tránh khai báo về hành vi và thủ đoạn phạm tội. Chỉ đến khi CQĐT thu thập đủ chứng cứ thì thị mới khuất phục khai báo. Vân khai mua chất độc Xyanua tại một tiệm hoá chất (không nhớ tên) trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, Tp.Hồ Chí Minh.
Một trong những điều ít ai biết là “phù thủy” Lê Thanh Vân bị tuyên tử hình, đền tội về hành vi giết chết 13 người, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, kể cả sau khi Vân ra pháp trường, vẫn còn rất nhiều bí ẩn trong vụ án chưa được “giải mã”. Các tài liệu trong vụ án cho thấy Lê Thanh Vân còn liên quan trực tiếp đến 8 vụ khác gồm 16 người bị đầu độc, trong đó có 3 người chết, 13 người thoát chết nhờ được cấp cứu kịp thời.
Lê Thanh Vân bị TAND tỉnh Bình Dương tuyên án tử hình. Vân kháng cáo nhưng đến ngày 2/2/2005, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Tp. Hồ Chí Minh tuyên y án sơ thẩm. Vân làm đơn gửi Chủ tịch nước nhưng với tội trạng quá tày đình, ngày 4/10/2005, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1159 bác đơn xin ân giảm án tử hình đối với Vân. Pháp luật nghiêm minh, công bằng, Vân đã phải đền tội và mang theo cả những “bí ẩn” của vụ án mà chỉ có bị cáo mới biết sang thế giới bên kia...