Chiến sĩ biệt động Sài Gòn kể chuyện ám sát 'trùm mật thám' khét tiếng Đông Dương - Cò Bazin

H.Nam| 28/03/2018 11:20

Cuối tháng 4/1950, khắp các báo Anh, Pháp, Mỹ... đã đưa tin rầm rộ về chuyện tên sĩ quan cảnh sát mật vụ (mật thám) giỏi nhất Đông Dương - Cò Bazin của Pháp đã bị Việt Minh ám sát. Tin tức khiến bè lũ mật thám của Pháp hoảng sợ.

Xạ thủ tinh nhuệ của Quyết tử quân

Người xạ thủ mà chúng tôi nói tới chính là đại tá Trần Tấn Quang (SN 1928, hiện ngụ tại phường 13, Tân Bình, TP.HCM). Cả cuộc đời ông tham gia cách mạng, nay đã bước sang tuổi 86 nhưng ông vẫn khỏe, đầu óc minh mẫn, giọng nói sang sảng không kém gì cái thuở “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Gặp ông tại tư gia, nghe ông kể chuyện về những trận hùng chiến vang danh quân sử, những người thuộc thế hệ trẻ chúng tôi như đang sống lại một thời kỳ hào hùng của dân tộc.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha ông là Trần Văn Phụng, Hội trưởng Hội Liên hiệp đồng minh (tức Việt Minh) tại huyện Tân Trụ (tỉnh Long An). Chính vì thế, từ nhỏ ông đã chịu ảnh hưởng của người cha, mang trong mình khí tiết của một chiến sĩ cách mạng. Ngày nhỏ, ông đã biết đứng lên diệt kẻ xấu, bảo vệ chính nghĩa. Bởi vậy mà khi nhắc đến những trận “cờ lau” con trẻ thời nhỏ, mắt ông lại sáng lên. Ông kể: “Khi đó, tôi đi học, con cái của mấy tên hương hào, cai tổng chuyên bắt nạt, đánh đập con em của dân nghèo, lại còn hô hào nhau chửi “bọn Việt cộng”. Tôi tức lắm, nên có những trận nốc ao hạ thủ bọn con quan lại là chuyện bình thường”.

Đại tá Trần Tấn Quang với bao chiến công hiển hách

Đến năm 1945, trong khí thế sôi sục lên cao của phong trào cách mạng chống Pháp, ông ghi danh vào đội vũ trang Việt Minh để chuẩn bị cho trận cướp chính quyền từ tay giặc Pháp. Ngày 23/8/1954,  cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc do Bác Hồ hiệu triệu trên toàn quốc bùng nổ. Ông thuộc Đại đội 2072 đã cùng với đồng đội tham gia phá đồn, cướp chính quyền về tay nhân dân ở Long An.

Ngày đó, ông cùng 2 đồng đội nữa là Chính Cần (tức Nguyễn Văn Chính, sau 1975 là Ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Long An) và Tư Thân (tức Huỳnh Công Thân, Anh hùng lực lượng vũ trang, thiếu tướng, trưởng Ban chỉ huy quân sự tỉnh Long An) cùng hạ cờ Pháp thành công tại khu vực Cần Giuộc (tỉnh Long An).

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, quân Pháp đã quay trở lại tiếp tục đàn áp lực lượng cách mạng giành lại chính quyền. Trước sự uy hiếp của kẻ địch, Đại đội 2072 đã thành lập ngay tổ Biệt động gồm 20 người để thực hiện nhiệm vụ ám sát những bọn mật thám, tay sai Pháp.

Đến 1949, sau Hội nghị xứ ủy Nam Kỳ, Bộ tư lệnh đã chỉ thị củng cố lại lực lượng, thành lập đội Biệt động nên đã về các tỉnh gấp rút chọn ngay những chiến sĩ giỏi để rèn luyện thành những xạ thủ tinh nhuệ nhất, cài đặt vào các cơ sở mật của địch để làm mật vụ và thực hiện các cuộc ám sát những mật thám khét tiếng.

Trần Tấn Quang lúc đó được Bộ tư lệnh Nam Kỳ rút từ đơn vị vũ trang của Long An về tiểu đoàn Quyết tử quân 950 thuộc  Đặc khu Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn (tức TP.HCM ngày nay). Sau khi được rèn luyện thành những xạ thủ tinh nhuệ nhất, ông được tổ chức phân công nhiệm vụ  ám sát bọn mật thám và lấy mật danh là Bảy Nho.

Đã xung trận không màng sống, chết

Bồi hồi trong giây phút về một thời khói lửa đầy anh hùng, cái thời mà ông nói “không biết sợ chết là gì”. Ông bảo: “Lúc đó, tôi không biết sợ chết là gì. Khi được tổ chức giao nhiệm vụ là mừng lắm, vui lắm, rất hăng hái tham gia. Khi đã nhận nhiệm vụ, những xạ thủ tinh nhuệ được rèn luyện kỹ càng, như chúng tôi chỉ biết làm thế nào hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc chứ không đắn đo sống chết”.

“Hồi đó, tôi ở đội Quyết tử quân 950 của Đặc khu Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Đình Thi (Chỉ huy trưởng của lực lượng vũ trang TP.HCM). Các công tác của mỗi chiến sĩ chúng tôi đều rất bí mật, chỉ làm việc với Chỉ huy trưởng chứ không hề biết và gặp mặt những đồng chí biệt động khác. Bản thân tôi khi nhận nhiệm vụ thì chỉ biết nhiệm vụ của mình mà không hề biết mặt ai, và không ai biết nhiệm vụ này gồm những ai, vì sợ khi bị lộ sẽ khai ra người khác”, ông nhớ lại.

Đại tá Trần Tấn Quang giữa đời thường

Kế hoạch ám sát trùm mật thám Cò Bazin, một trùm mật thám khét tiếng nhất Đông Dương được hình thành. Hắn là một sĩ quan mật vụ giỏi, được đào tạo rất bài bản đúng nghĩa mật thám, được đưa từ Pháp qua Đông Dương. Hầu hết những vụ bắt các chiến sĩ cách mạng, tra tấn những đòn rất dã man đều do y thực hiện.

Những ai lọt vào tay y là sống không bằng chết. Y còn là tay đào tạo và tung ra một mạng lưới mật thám trên khắp cả nước lúc ấy để phá hủy cơ sở kháng chiến của ta. Trước sự mưu mô nguy hiểm và độc ác của y, Đặc khu Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn quyết định phải khai trừ cho bằng được tên mật thám này.

Khi được tổ chức giao nhiệm vụ ám sát cho bằng được trùm mật thám Cò Bazin, nhiệm vụ của Trần Tấn Quang lúc này là “theo dõi quy luật đi đứng của trùm mật thám Cò Bazin” để từ đó tìm thấy những khe hở, sai sót của hắn rồi chớp lấy thời cơ tiêu diệt y.

Đại tá Quang cho biết, Cò Bazin là một mật thám hết sức ác ôn, hắn là một tên mật thám không chỉ khó tính, mà còn luôn cảnh giác rất cao độ, cạnh hắn luôn có những tên lính bảo vệ. Hắn làm việc không có ngày nào giống ngày nào, thậm chí hắn không ngày nào bận áo giống ngày nào, không ngày nào đeo mắt kính giống ngày nào. Tuy nhiên, cứ theo dõi miết rồi thì hắn cũng bộc lộ nhược điểm. Buổi sáng, hắn thường đi bách bộ, đi một lúc thì sẽ có một chiếc xe Mercedes màu đen tới đón, đi một lúc hắn lại xuống xe đi bách bộ. Và khoảng thời gian xuống xe chính là thời điểm thích hợp nhất để tiêu diệt y.

“Tôi lúc đó cứ sáng nào cũng phải mua ổ bánh mì ăn hơn một giờ đồng hồ mới xong. Theo dõi hắn riết hơn 3 tháng trời, phải kiên trì theo dõi cho tới khi nào hắn bộc lộ nhược điểm để khai thác, rồi sau đó đúc kết tình hình, nắm giờ giấc thì mới thực hiện được. Khi thấy thời cơ đã chín muồi, tổ chức tình báo hỏi tôi: “Đồng chí có thực hiện được không?”. Vì đã nắm được nhược điểm của hắn nên tôi đã trả lời ngay: “Nếu không có gì thay đổi thì được, tôi chắc chắn thành công trên 90%”, đại tá Quang nhớ lại.

Diệt ác, trừ gian

Đúng vào sáng ngày 30/4/1950, khoảng 8h45, đại tá Quang thực hiện nhiệm vụ. Khi ông đang đứng cách Cò Bazin từ 5m – 7m trên góc đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM), một cự ly đủ gần để giết chết Cò Bazin, bất ngờ một phát súng vang lên bắn trúng đùi khiến Cò Bazin xoay vòng chực ngã.

Không để y thoát án tử, đại tá Quang bắn tiếp một phát súng vào bả vai xuyên qua tim khiến y gục xuống. Hai tên lính bảo vệ Cò Bazin lúc đó cũng bị bắn chết ngay tại chỗ.  Để chắc chắn hơn, đại tá Quang bắn tiếp 2 phát súng nữa rồi luồn chạy theo đám đông hướng ra cầu Bông (cầu An Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM ngày nay) leo lên xe trở về căn cứ Tân Phú Trung.

Sau khi hoàn thành nhiện vụ trở về thì chỉ huy mới cho biết, có 3 chiến sĩ thực hiện vụ ám sát này với 2 nhiệm vụ. Đó là Ba Dân (sau đó đã tập kết ra Bắc) với nhiệm vụ tiêu diệt 2 tên lính, còn Bùi Ba (sống tại quận Gò Vấp, TP.HCM) và đại tá Quang thực hiện nhiệm vụ ám sát Cò Bazin. Phát súng đầu tiên bắn trúng đùi của Cò Bazin là của Bùi Ba, 2 tên lính cũng bị bắn chết ngay lúc đó chính là của Ba Dân.         

Đại tá Trần Tấn Quang được xem là một xạ thủ tinh nhuệ nhất của đội Quyết tử quân với tài bắn súng bằng 2 tay chính xác. Ông còn được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (bác sĩ, cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) chọn làm cận vệ của mình, khi ông đến nhận chức Chủ tịch Đặc khu Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn. Trong một lần để uy hiếp kẻ địch, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tung lên không trung 2 lon bia và ra lệnh cho Trần Tấn Quang bắn, lúc đó đang đứng cách xa hơn 20m, Quang bắn cả 2 tay đều trúng 2 phát cùng một lúc khiến kẻ thù phải khiếp sợ.

(0) Bình luận
Chiến sĩ biệt động Sài Gòn kể chuyện ám sát 'trùm mật thám' khét tiếng Đông Dương - Cò Bazin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO