Các đối tượng tự xưng là cán bộ hoặc có các mối quan hệ thân thiết với cơ quan điều tra, viện kiểm sát… tạo dựng nhiều “kịch bản” để lừa đảo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhằm chiếm đoạt tiền.
Thời gian qua, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) tiến hành điều tra nhiều vụ việc, vụ án hình sự có phạm vi địa bàn rộng khắp cả nước, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an gửi giấy mời, giấy triệu tập, hoặc có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, một số cá nhân hoặc người đại diện cho tổ chức, doanh nghiệp thường tìm kiếm các mối quan hệ để nhờ tác động cơ quan điều tra tạo điều kiện, xem xét giảm nhẹ trách nhiệm liên quan.
Lợi dụng điều này, các đối tượng tự xưng là cán bộ hoặc có các mối quan hệ thân thiết với cơ quan điều tra, viện kiểm sát… tạo dựng nhiều “kịch bản” để lừa đảo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản có giá trị từ vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng.
Các phương thức, thủ đoạn những đối tượng này thường sử dụng có thể kể đến như: Mạo danh là cán bộ, lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an), hoặc là cán bộ trong ngành Công an, hoặc có quan hệ thân quen với lãnh đạo cơ quan điều tra, lãnh đạo Bộ Công an nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chúng trực tiếp liên lạc hoặc thông qua các đối tượng trung gian liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin, hứa hẹn sẽ giúp tác động cơ quan điều tra, đồng thời yêu cầu nạn nhân gửi “quà”, “chi phí” để mời cơm, bồi dưỡng cho điều tra viên và lãnh đạo cơ quan điều tra.
Khi có được lòng tin với nạn nhân, các đối tượng lừa đảo tiếp tục lấy lý do rằng qua trao đổi với phía cơ quan điều tra, được biết vấn đề của các nạn nhân là vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, có thể bị khởi tố; nếu nạn nhân không muốn bị xử lý hình sự thì đưa thêm tiền để các đối tượng sẽ giúp tác động với các cơ quan tiến hành tố tụng. Các nạn nhân do nhẹ dạ, cả tin, không am hiểu pháp luật, lo sợ nên tiếp tục đưa tiền theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.
Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo còn tự giới thiệu có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo nhiều cơ quan cấp cao, hoặc mạo danh là người nhà hoặc trợ lý của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cung cấp ảnh chụp của bản thân với các đồng chí lãnh đạo (ảnh được chỉnh sửa, cắt ghép bằng công nghệ) để tạo niềm tin với nạn nhân. Chúng lợi dụng tâm lý muốn tìm hiểu, nắm bắt thông tin của người nhà bị can hoặc người có hành vi vi phạm pháp luật đang bị cơ quan tố tụng điều tra để hứa hẹn tác động, can thiệp, “chạy án”… và nhận tiền của nạn nhân nhưng không thực hiện, lấy nhiều lý do để không trả lại tiền, thậm chí bỏ trốn.
Đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ để chuyển đổi, giả mạo đầu số điện thoại, mạo danh cán bộ các cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để gọi điện cho cá nhân, đại diện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lấy lý do liên quan các vụ án, vụ việc đang điều tra để gây sức ép, làm nạn nhân hoang mang, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp để chiếm đoạt.
Theo đó, để phòng tránh, không bị sập bẫy của các đối tượng lừa đảo, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của loại tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để quần chúng nhân dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp biết, nâng cao cảnh giác, đề phòng, không tin vào sự hứa hẹn của các đối tượng, không tiếp tay, tạo điều kiện để các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện dấu hiệu của tội phạm này cần báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.