Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gặp rủi ro khi kinh doanh xuất khẩu với các đối tác tại thị trường Âu-Mỹ. Nguyên nhân bởi các doanh nghiệp xuất khẩu này sơ hở khi tiếp cận, soạn thảo hợp đồng và bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc vướng vấn đề về pháp lý.
Bộ Công Thương cho biết, số vụ lừa đảo thương mại quốc tế đang gia tăng tại nhiều thị trường. Trong khi đó, một số doanh nghiệp tại Việt Nam lại có xu hướng chủ quan, sơ hở trong tiếp cận, soạn thảo điều khoản hợp đồng và cam kết thiếu tính chặt chẽ. Vì vậy, để tránh rủi ro, các thương vụ Việt Nam tại một số nước châu Âu đã liên tục thông tin cảnh báo về các hiện tượng lừa đảo, rủi ro khi doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu với các đối tác tại thị trường này.
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cũng vừa cảnh báo những trường hợp lừa đảo qua mạng, đặc biệt đối với các sản phẩm xăng dầu tại thị trường này. Theo đó, các đối tượng lừa đảo thường lập một trang web giả mạo với các thông tin bịa đặt hoàn toàn, hoặc lập một trang web giả danh các công ty xuất nhập khẩu hoặc công ty cung cấp dịch vụ cho thuê bồn chứa xăng dầu có thật, với đầu mối liên hệ thường là số điện thoại di động hoặc số điện thoại dùng internet (số của sim 4G).
Lợi dụng tâm lý cho rằng Hà Lan là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín, một số doanh nghiệp khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn nên đã tiến hành gấp sợ mất cơ hội nên không kiểm tra kỹ thông tin về đối tác.
Hoặc Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha đưa ra cảnh báo khi xuất khẩu sản phẩm hạt điều và hạt tiêu. Theo đó, viện lý do hàng của doanh nghiệp Việt Nam không bảo đảm chất lượng hàng hóa tại cảng đến, hay bị lâm vào tình trạng thua lỗ do giá thị trường sở tại sụt giảm, nên đã không thực hiện đúng theo hợp đồng mua bán, cụ thể là chậm trễ trong thanh toán tiền hàng. Thực tế này đã gây khó khăn, tổn hại thời gian, chi phí lưu kho và phải kéo hàng về đối với các doanh nghiệp Việt.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - cho biết: "Các thị trường thường xảy ra các vụ lừa đảo như Nam Á, Trung Đông hoặc các thị trường rất uy tín như Hà Lan vẫn có thể xảy ra lừa đảo vì các doanh nghiệp đặt trụ sở, lấy pháp nhân tại đây có thể không minh bạch. Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu cần thận trọng, có thể mất thêm một số phí bảo vệ hàng xuất đi nhưng cũng nên mua bảo hiểm tránh rủi ro".
Để đảm bảo an toàn trong giao dịch quốc tế, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng đưa ra khuyến cáo cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm tiếp cận với thị trường nước ngoài. Khi nhận được những đề nghị kỳ lạ, doanh nghiệp Việt cần xác minh rõ ràng thông tin của đối tác; không nên vội tin vào những lời mời chào hấp dẫn của khách hàng mới quen trên không gian ảo. Ngoài Thương vụ Việt Nam tại các thị thường Âu-Mỹ, doanh nghiệp có thể liên hệ với Đại sứ quán của các nước tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về các hình thức lừa đảo, đồng thời tăng cường hướng dẫn, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong giao dịch thương mại quốc tế.