Cần tăng cường ký kết các hiệp ước song phương về tương trợ tư pháp

Việt An| 04/03/2023 23:12

Theo số liệu thống kê của TAND tỉnh Vĩnh Long, số vụ việc cần ủy thác tư pháp ngày càng gia tăng, tuy nhiên, số hồ sơ ủy thác tư pháp nhận được kết quả chỉ chiếm khoảng 50%. Đây là bất cập cần được tháo gỡ để nâng cao hiệu quả của hoạt động này.

Đây là một trong những nội dung tham luận Tương trợ tư pháp trong hoạt động tố tung dân sự tại TAND tỉnh Vĩnh Long tham gia đóng góp ý kiến trực tuyến tại Hội nghị tổng kết 14 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp do Bộ Tư pháp chủ trì vào ngày 3/3.

Hầu như không có hồ sơ ủy thác tư pháp bị trả lại

Sau khi có Luật Tương trợ tư pháp, Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ Tư pháp, Thông tư liên tịch 15/2011/TTLT-BTP-TANDTC ngày 15/9/2011 và Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/1/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, TANDTC, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc ủy thác tư pháp.

Việc quy định Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong việc ủy thác tư pháp về dân sự tạo điều kiện thuận lợi cho việc ủy thác tư pháp. Các hướng dẫn trong Thông tư liên tịch nêu trên về lập hồ sơ ủy thác tư pháp, số lượng hồ sơ, các mẫu sử dụng, ngôn ngữ ủy thác cho nước sở tại, chi phí ủy thác ...rất chi tiết cụ thể tạo thuận lợi cho Thẩm phán dễ dàng áp dụng, tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực này.

Vì vậy chất lượng hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ chiếm tỷ lệ ngày càng cao, hầu như không có hồ sơ ủy thác tư pháp bị trả lại. Từ đó góp phần giải quyết các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài đúng tiến độ, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các hồ sơ ủy thác tư pháp gửi đến Bộ Tư pháp đều đảm bảo theo quy định và đều nhận được kết quả khả quan, là, cơ sở quan trọng để giải quyết vụ án.

Cần tăng cường ký kết các hiệp ước song phương về tương trợ tư pháp
Quang cảnh Hội nghị Hội nghị tổng kết 14 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp do Bộ Tư pháp chủ trì

Theo số liệu thống kê của TAND tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 01/7/2008 đến ngày 30/6/2022, TAND tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện ủy thác tư pháp đi nước ngoài 644 vụ việc, trong đó số kết quả nhận được 309 vụ việc; đã nhận được 609 yêu cầu ủy thác tư pháp từ nước ngoài và đã có 609 kết quả ủy thác.  Hoạt động ủy thác đến và đi chủ yếu đến các nước Hoa kỳ, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc, Úc, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan…

Số vụ của nước ngoài ủy thác chủ yếu là tống đạt giấy triệu tập tham gia phiên tòa, tống đạt bản án của Tòa án nước ngoài, kết quả đã xử lý được 100%, đáp ứng yêu cầu của Tòa án đã ủy thác. Loại án phải ủy thác chiếm số lượng nhiều nhất là án tranh chấp ly hôn, tranh chấp thừa kế nhà đất, đòi lại tài sản, tranh chấp hợp đồng mua bán nhà đất. Tại TAND tỉnh Vĩnh Long việc ủy thác tư pháp chủ yếu là tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án.

Vụ việc bị kéo dài do ủy thác qua nhiều cơ quan

Từ những số liệu trên cho thấy tuy số vụ việc cần ủy thác tư pháp ngày càng gia tăng nhưng số hồ sơ ủy thác tư pháp nhận được kết quả chỉ chiếm khoảng 50%, số còn lại không nhận được kết quả không rõ nguyên nhân. Các vụ án TAND tỉnh Vĩnh Long tiến hành uỷ thác tư pháp đối với những nước chưa ký Hiệp định Tương trợ tư pháp hầu như không nhận được kết quả, còn đối với những nước hoặc vùng lãnh thổ (như Đài Loan) thì có nhận được kết quả thực hiện ủy thác tư pháp chiếm tỷ lệ cao.        

Khó khăn chủ yếu liên quan đến việc thực hiện ủy thác tư pháp đó là hành trình ủy thác chuyển qua nhiều cơ quan, gây tốn kém rất nhiều thời gian và chi phí, làm cho vụ án bị kéo dài. Trường hợp uỷ thác tư pháp bị ách tắc ở một cơ quan nào đó (như cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài) thì phải chờ đợi, hết thời gian uỷ thác tư pháp đã ấn định.

Về xử lý kết quả ủy thác tư pháp, nhiều trường hợp nhận được kết quả ủy thác tư pháp nhưng lại chưa có hướng dẫn cách xử lý cụ thể, dẫn đến việc áp dụng có nhiều ý kiến khác nhau do sự không tương thích giữa luật trong nước và Luật của nước đương sự nhận ủy thác.

 Đối với vụ án tranh chấp thừa kế, tranh chấp nhà đất có yếu tố nước ngoài, theo quy định tại Điều 476 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì Tòa án phải gửi thông báo thụ lý vụ án và ấn định thời gian, địa điểm phiên họp công khai, tiếp cận chứng cứ, phiên hòa giải, lần 1, lần 2... Tuy nhiên, trong những vụ án này, đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ, liên quan ở nước ngoài, việc quy định ấn định thời gian cụ thể mở phiên công khai tiếp cận chứng cứ, phiên tòa lần 1, lần 2 trong khi chưa thu thập chứng cứ là không phù hợp, rất khó ấn định thời gian trong những trường hợp này.

Ngoài ra, trong thực tế cũng phát sinh trường hợp nhiều lần thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự vẫn không có kết quả nhưng đương sự lại có thư gửi về thông qua đường bưu điện và đưa cho thân nhân của họ mang đến Tòa án. Mặt khác cũng có trường hợp họ gửi giấy ủy quyền cho anh, chị, em ruột của họ đại diện đến Tòa án, giấy ủy quyền này có chữ ký của công chứng viên nước họ đang cư trú nhưng không hợp pháp hóa lãnh sự. Đối với những trường hợp này nếu thân nhân của họ đều xác định đúng chữ viết, chữ ký của đương sự đang ở nước ngoài thì Tòa án có chấp nhận không và có nên tiếp tục ủy thác tư pháp nữa hay không. Đây là vấn đề cần được hướng dẫn cụ thể để TAND địa phương có phương án xử lý phù hợp.

Thực trạng ủy thác tư pháp trong thời gian vừa qua cho thấy còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ để nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Do vậy, thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể đối với ủy thác tư pháp về dân sự, dự liệu nhiều tình huống phát sinh để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các Thẩm phán khi thực hiện hoạt động uỷ thác tư pháp.

Việt Nam cần tăng cường ký kết các hiệp ước song phương về tương trợ tư pháp đối với các quốc gia chưa ký hiệp ước tương trợ tư pháp nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động uỷ thác tư pháp với các quốc gia này.        

Cùng với đó, thường xuyên cập nhật thông tin về danh sách các quốc gia mà Việt Nam đã ký hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, các công ước đa phương liên quan đến uỷ thác tư pháp về dân sự cho các Toà án. Tập huấn, trang bị tài liệu cho các Thẩm phán về lĩnh vực tương trợ tư pháp quốc tế để tăng cường sự hiểu biết của Thẩm phán về lĩnh vực này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những lúng túng khi giải quyết công việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tăng cường ký kết các hiệp ước song phương về tương trợ tư pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO