Thời gian qua, dư luận cả nước không ngừng bàn tán xôn xao, thậm chí có nhiều quan điểm chỉ trích, phê phán về một số nội dung trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (bộ sách giáo khoa Cánh Diều), có nhiều điểm chưa phù hợp và Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa phản hồi kịp thời.
Bộ sách Cánh diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM phối hợp biên soạn
Trước “làn sóng” của dư luận, ngày 12/10/2020, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đã chủ trì cuộc họp về việc tiếp thu ý kiến về nội dung sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phó Thủ tướng đã khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu và liên quan tới mọi gia đình nên trong quá trình đổi mới luôn có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện cần được trân trọng, nghiên cứu tiếp thu, phản hồi với tinh thần thực sự cầu thị, khoa học.
Luật Giáo dục sửa đối bố sung năm 2019 (Luật số 43/2019/QH14) quy định rõ ràng, cụ thể (kể cả về trách nhiệm, thẩm quyền) đối với việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa.
Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên sử dụng sách giáo khoa lớp 1 mới, với những ý kiến của dư luận, người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường chỉ đạo việc nghiên cứu các ý kiến góp ý, có quyết định kịp thời, phù họp theo đúng thẩm quyền như quy định tại Điều 32, Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) để bảo đảm chất lượng của sách giáo khoa mới đáp ứng yêu cầu đảm bảo mục tiêu giáo dục như quy định tại Điều 2, Luật số 43/2019/QH14.
Từ thực tiễn biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa lớp 1 mới vừa qua, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát ngay các quy định, tổ chức thuộc trách nhiệm của Bộ, của Bộ trưởng liên quan tới chương trình, sách giáo khoa. Có giải pháp cụ thể, hiệu qủa để huy động, phát huy đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia đóng góp ý kiên đôi với sách giáo khoa mới và xây dựng kho học liệu điện tử theo chương trình mới.
Những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về sách giáo khoa là hết sức cần thiết, bởi lẽ, sách giáo khoa từ xưa tới nay luôn được coi là “mẫu mực” để học sinh học tập, tiếp thu kiến thức qua sự truyền đạt, giảng dạy của thầy cô giáo. Đặc biệt, những ồn ào về sách giáo khoa lại xảy ra ngay với đối tượng học sinh lớp 1, năm học đầu tiên của một đời người, năm học đầu tiên các em tiếp nhận tri thức.
Vì vậy, cần có sự rà soát, kiểm tra, đánh giá thận trọng, phân tích nhìn nhận làm rõ những vấn đề dư luận, người dân phản ánh từ đó có sự điều chỉnh, tiếp thu phù hợp.