Cần lưu ý thực trạng tử vong vì bệnh dại, thương tật do chó cắn và ô nhiễm môi trường sống khi nuôi chó

Lương Gia Cát Tường| 01/11/2022 07:41

Theo đánh giá của Bộ Y tế, năm nay bệnh dại xuất hiện và tăng cao đột biến. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 40 ca tử vong do bệnh dại. Đồng thời tình trạng chó cắn người gây thương tích nghiêm trọng và ô nhiễm môi trường sống cũng rất đáng lo ngại.

Ngày 19/10, một bệnh nhân nam, 50 tuổi (trú tại thôn Yên Nội, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh, Hà Nội)đang được điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, khoa cấp cứu A9 đã tử vong sau tình trạng diễn biến nặng: kích thích vật vã, nôn khan nhiều, tim loạn nhịp, co thắt khi uống nước hay quạt gió…

Bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho ra kết quả dương tính virus dại.

Khi bị động vật - đặc biệt là chó - cắn, vẫn còn nhiều nạn nhân không đi tiêm vắc xin phòng dại. Ảnh: IT

Theo đánh giá của Bộ Y tế năm nay bệnh dại xuất hiện và tăng cao đột biến. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 40 ca tử vong do bệnh dại.  Tỷ lệ bệnh nhân tử vong khi lên cơn dại hầu như là 100%. Tuy nhiên, người dân vẫn rất chủ quan và ngộ nhận về bệnh dại cũng như vắc xin phòng dại. Khi bị động vật - đặc biệt là chó - cắn, vẫn còn nhiều nạn nhân không đi tiêm vắc xin phòng dại. Một số người ở các vùng nông thôn chỉ đi “lấy nọc” theo phương pháp dân gian.

Ngoài tử vong vì bệnh dại, tình trạng nuôi chó thả rông không rọ mõm đã gây ra nhiều vụ chó cắn người gây thương tích nghiêm trọng, nhiều trường hợp rất thương tâm. Điển hình hồi tháng 7, bé P.N.T.T., 8 tuổi, ngụ xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, Bình Phước. Trong lúc chạy chơi sau nhà bà nội bất ngờ cháu bị con chó pitbull nặng hơn 30kg tấn công, cắn liên tiếp vào tay và cổ. Mặc dù được người nhà tức tốc đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng T. đã tử vong do vết thương quá nặng. Thật đau lòng.

Chó cắn người không chỉ là chó thả rông, không rọ mõm trong lúc được dắt ra ngoài mà có nhiều trường hợp chó “lên cơn” cắn cả người trong nhà không kịp trở tay.

Ngoài ra, thực tế còn cho thấy việc nuôi chó mang đến không ít hệ lụy cho môi trường và cho con người.

Cho dù là “tín đồ” với tấm lòng yêu thương “bất chấp” dành cho thú cưng, bạn cũng sẽ “hoảng hồn” khi xem clip hơn 100 chú chó được nuôi trong nhà của bà Nguyễn Thị Mỹ Thanh ở Q.4, TP.HCM lan truyền trên mạng hồi cuối năm ngoái.  

Việc tập trung đàn một đàn chó khủng trong căn nhà giữa phố ngoài âm thanh tiếng chó sủa, lượng chất thải, mùi hôi từ việc đại tiểu tiện của hàng trăm con chó thì  việc chó chạy lung tung có thể gây tai nạn giao thông và đe dọa cắn người là có thật. Không kể, do nhà phố chật chội nên người và vật chen chúc, ăn ngủ  sinh hoạt chung nhau, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an toàn sức khỏe cho chủ nhân.

Bị chó pitbull nặng hơn 30kg tấn công, bé P.N.T.T., 8 tuổi, tử vong. Ảnh: IT 

Một tình trạng dễ bắt gặp trong “đời thường” là cái cảnh vào lúc “ánh bình minh vừa ló dạng” hay “hoàng hôn sắp tắt” tại các công viên, nơi đông đúc người dân ra tập thể dục thư giản hoặc dạo chơi, nhiều nam thanh nữ tú cùng với quý phu nhân ăn mặc chỉn chu hoặc quý ngài bảnh bao lịch lãm, chạy xe phân khối lớn chở theo mấy em cún dễ thương xinh đẹp, tới công viên thả xuống cho các em đi.. ị. Xong… chở về “thản nhiên như mây trời”. Cũng có ông chủ bà chủ  để chó chạy tự do dù xung quanh có nhiều người già và trẻ nhỏ rất nguy hiểm.

Còn canh đêm tối hoặc sáng sớm dẫn chó qua hè nhà hàng xóm đi vệ sinh… “nhờ” là chuyện thường xuyên làm “dậy làng dậy xóm” trong các con hẻm.

Với các bạn sống trong các căn hộ chung cư hay phòng trọ, việc nuôi chó đồng nghĩa với họ phải chia sẻ không gian sống với thú cưng. Chuyện vệ sinh để đảm bảo điều kiện sống cho cả người và chó rất nan giải. Mùi từ chất thải hay lông của chó không những ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của chủ nhân mà còn làm cho khách đến nhà rất e ngại vì mùi của chó không hề dễ chịu với một số người.

Nuôi thú cưng trong nhà ngày nay đã trở thành một xu hướng, một thói quen, một thú vui tiêu khiển của con người. Phổ biến nhất là chó. Rất nhiều người nuôi chó, kể cả các loài chó dữ như pitbull, xem chúng là một thành viên trong nhà. Chó trở thành người bạn đồng hành cùng chủ nhân trong cuộc sống căng thẳng. Điều này không có gì lạ, càng không có gì sai.

Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa, một nghiên cứu được thực hiện bởi AAHA (Hiệp hội Bệnh viện Động vật Hoa Kỳ) cho thấy hơn 90% chủ sở hữu vật nuôi tin rằng việc nuôi thú cưng có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Thời gian bên thú cưng giúp người nuôi trở nên vui vẻ, thân thiện, sống tình cảm hơn, ít căng thẳng và đạt hiệu quả cao hơn trong công việc.

Đặc biệt, việc tiếp xúc và chăm sóc thú cưng cũng giúp trẻ nhỏ trong nhà phát triển tư duy, tình cảm, tính trách nhiệm, lòng nhân ái, tình yêu thương động vật và các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như sự quan tâm, chia sẻ...

Bên cạnh tình yêu thương đối với loài vật, cần yêu thương môi trường sống, thể hiện sự văn minh. Anh3: IT

Tuy nhiên, khi nuôi chó, người nuôi cần tuân thủ các quy định được ban hành. Cụ thể là Nghị định 90/2017/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung theo Nghị định 04/2020/NĐ-CP quy định về việc nuôi chó; vệ sinh, phòng dại và chế tài xử phạt đối với việc thả rông chó ở chốn đông người, nơi công cộng… một cách khá chi tiết.

Đồng thời bên cạnh tình yêu thương đối với loài vật, cần yêu thương môi trường sống của chúng ta. Cần nâng cao tinh thần ý thức trách nhiệm cộng đồng - một chuẩn mực cũng như là thước đo giá trị đạo đức và phẩm cách của một con người sao cho việc nuôi thú cưng thể hiện sự văn minh,sang trọng và lịch lãm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần lưu ý thực trạng tử vong vì bệnh dại, thương tật do chó cắn và ô nhiễm môi trường sống khi nuôi chó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO