Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 425/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp trực tiếp và trực tuyến về Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã được ban hành đòi hỏi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai sớm được hoàn thiện, bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Phó Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh các bộ, địa phương và các cơ quan thông qua thực tiễn của mình đã đóng góp ý kiến cụ thể, chi tiết về các hành vi vi phạm, mức xử phạt, hình thức xử phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan, làm rõ những bất cập, hoàn thiện hơn nội dung dự thảo Nghị định.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến đóng góp tại cuộc họp, rà soát dự thảo Nghị định, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và nguyên tắc thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật Đất đai, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra và các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan. Trong đó, lưu ý:
Cần rà soát các quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để bổ sung đầy đủ các hành vi, đối tượng như: Vi phạm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất lúa; chưa làm thủ tục giao đất mà đã tiến hành xây dựng công trình; lấn đất, chiếm đất chưa sử dụng…; rà soát với Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để không trùng lắp, đồng thời tránh bỏ lọt hành vi. Làm rõ một số khái niệm để dễ hiểu, dễ thực hiện.
Nghị định cần quy định rõ nội hàm, tính chất của các hành vi vi phạm, đối tượng vi phạm phù hợp với thực tiễn, dễ hiểu, dễ kiểm tra, dễ phát hiện, dễ lượng hóa trong thực thi và giám sát việc thực thi; phải có các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để ngăn ngừa các hành vi vi phạm; thúc đẩy phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý đất đai...
Về quy định xác định số lợi bất hợp pháp cần có quy định bảo đảm tính khả thi, phù hợp với Luật Đất đai (Điều 171, Điều 172…) và thực tiễn tại các địa phương; có quy định xử lý số lợi bất hợp pháp đối với trường hợp nhiều tổ chức hoặc cá nhân cùng vi phạm, cùng hưởng lợi từ một vụ việc vi phạm.
Đối với tính hợp hiến, hợp pháp trong quy định về thu hồi đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát quy định trong Luật Đất đai năm 2024 về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm, thẩm quyền, trách nhiệm bảo đảm đã được Luật định; trên cơ sở đó thống nhất với Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với các hành vi có yếu tố lịch sử mà chưa có văn bản xử lý như: Không xử lý đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 15-10-1993 mà chưa có văn bản xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành (Khoản 4 Điều 3 dự thảo Nghị định)…, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định của pháp luật qua từng thời kỳ, làm rõ sự phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính để có quy định xử lý trong Nghị định phù hợp với hành vi.
Về quy định xử lý đối với một người vi phạm cùng một hành vi tại nhiều thửa đất trên cùng một địa giới hành chính cấp xã hoặc trong cùng một dự án: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp căn cứ vào nguyên tắc quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính để có quy định phù hợp với tính chất, quy mô, mức độ vi phạm, bảo đảm có tính răn đe, ngăn ngừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và đúng quy định của pháp luật.