Cảm phục tấm lòng vị tha của người phụ nữ thoát chết sau khi bị sát hại cướp tài sản

Lâm Anh| 25/01/2018 19:07

Vụ án giết người cướp của xảy ra tại thôn Xuân Dục (xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) đã trôi qua gần 12 năm. Hung thủ gây án cũng chịu sự trừng trị của pháp luật. Nhưng điều khiến người dân nơi đây cảm phục nhất sau vụ việc, là tấm lòng vị tha

Giết người vì thiếu tiền đóng học phí

Chúng tôi về thôn Xuân Dục (xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội), tìm lại nạn nhân của vụ án mạng xảy ra cách đây gần 13 năm. Thời gian đã phai nhòa đi ít nhiều những ký ức của người dân nơi đây về vụ giết người cướp tài sản năm nào, nhưng tấm lòng vị tha, bao dung của người phụ nữ với kẻ đã từng có ý định giết mình thì không bao giờ phai trong tâm trí họ. Người phụ nữ cũng là nạn nhân của vụ án năm đó là bà Nguyễn Thị Tác (SN 1965).

Gần 13 năm trước, bà Tác là người phụ nữ lực điền, khoẻ mạnh, kiếm sống bằng nghề buôn bán nhỏ. Hằng ngày, bà đi khắp đây đó để thu mua thóc đem về làm hàng. Ngày 15/9/2004, trong một lần đi thua thóc ngang qua cánh đồng thôn Đan Tảo (xã Tân Minh), bà Tác được Đỗ Trọng Sơn (SN 1988) gọi lại, và cho bà biết có thóc cần bán gấp. Vốn đã một lần thu mua thóc của gia đình Sơn, lại là người làng kế bên nên bà Tác không nghi ngờ gì.

Bà Nguyễn Thị Tác 

Sau đó, Sơn dẫn bà Tác đi lên ruộng ngô vắng và bảo bà thóc cất ở trên đó. Đi được một đoạn, thấy Sơn có nhiều biểu hiện khả nghi, linh tính mách bảo bà có chuyện không hay, nên bà Tác đưa xe trở ra và bảo Sơn rằng không mua thóc nữa. Bà vừa quay đi được vài bước, thì Sơn rút trong người ra một con dao đã chuẩn bị trước đó đâm liên tiếp vào người đàn bà hiền lành.

Mặc cho bà Tác ra sức van xin, Sơn vẫn ra tay không thương tiếc. Sau khi ra tay, Sơn lục người bà rồi cướp đi 290 ngàn đồng. Đi được một đoạn, Sơn nhận thấy có điều gì đó không ổn nên đã quay trở lại hiện trường. Tại đây, Sơn thấy bà Tác vẫn còn sống, nên đã lấy khúc cây ven đường đánh mạnh vào đầu nạn nhân. Khi thấy bà Tác gục xuống, Sơn mới vội vã bỏ đi.

Gây án xong, Sơn trở về nhà, cất giấu tiền ở đầu giường rồi trở ra đồng làm việc như chưa có chuyện gì xảy ra. Một lúc sau, bà Tác được người dân trong xóm phát hiện nằm bên vệ đường, trên người và vùng đầu loang lổ vết máu nên đã hô hoán người dân đưa bà đi cấp cứu. Do được đưa đến bệnh viện kịp thời, nên bà Tác không chết. Biết mình không thể thoát được, nên Sơn kể mọi chuyện với bố mẹ và được người thân đưa đến trụ sở công an để đầu thú.

Qua đấu tranh, Sơn khai nhận đã dùng tiền mẹ cho đóng học phí để đi chơi điện tử. Do không vay mượn được ai, lại sợ bố mẹ đánh mắng nên đối tượng đã nghĩ ra cách giết người rồi cướp tài sản. Ngày 8/4/2005, TAND TP. Hà Nội mở phiên toà xét xử bị cáo Đỗ Trọng Sơn. Tại đây, Sơn bị TAND TP. Hà Nội tuyên 16 năm tù về tội “Giết người” và ba năm tù về tội “Cướp tài sản”. Tuy nhiên, nhận thấy tại thời điểm gây án hung thủ chưa đủ 18 tuổi nên tòa tuyên án Sơn 16 năm tù về tội “Giết người”, đồng thời chi trả toàn bộ chi phí chữa trị cũng như bồi thường nạn nhân 30 triệu đồng. Về phần bà Tác, sau thời gian điều trị tại bệnh viện, bà được đưa về nhà với tình trạng mất 76% sức khoẻ, và bị liệt nửa người trái.

Tấm lòng vị tha của người đàn bà nghèo

Giờ đây, vụ án đã trôi qua gần 13 năm, nhưng trong tâm trí bà Tác, không lúc nào bà thôi bị ám ảnh với những gì Sơn đã gây ra. May mắn thoát chết, bà Tác trở về cuộc sống với hơn 20% sức khoẻ còn lại. Cũng từ đây, một cuộc sống mới bao nhiêu khó khăn, cùng cực đã ập đến với bà.

Sau khi chạy chữa hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để giữ mạng sống, bà Tác bị liệt nửa người trái do những ảnh hưởng sau khi mổ não. Ban đầu, mọi sinh hoạt cá nhân của bà đều do người thân chăm sóc, phục vụ. Nhận thấy cuộc sống hiện tại của mình làm ảnh hưởng đến mọi người, nên nhiều lúc bà đã nghĩ đến cái chết. Xong rồi bà lại nghĩ thương cho người con từ nhỏ đã thiếu vắng đi sự chăm sóc của cha, nên bà lại cố gắng vượt qua nỗi đau của bản thân.

Anh Nguyễn Anh Tuấn (con trai bà Tác và con trai) 

Nhà chỉ có hai mẹ con, kinh tế khó khăn, nhưng trong lúc tuyệt vọng nhất, bà lại nhận được sự động viên, chăm sóc của người thân. Chính sự quan tâm chăm sóc ấy, đã tiếp thêm cho bà nghị lực để sống. Không muốn mình sẽ là gánh nặng cho nhiều người, bà Tác quyết tâm tự tập đi với mong muốn bắt đầu lại cuộc sống, không thể để đôi chân cứ vô dụng mãi.

Bà Tác chia sẻ: “Mới đầu, việc tập đi phải nhờ người dìu đỡ. Sau một thời gian thì tôi thấy chân mình có cảm giác, nên tự men theo bờ tường rồi thành ghế để đi. Sau đó mọi việc tiến triển tốt, thì tôi lại chống gậy và tập đi ở quanh sân nhà”.

Vốn liếng bao năm trời dành dụm đổ hết vào việc chạy chữa, nên kinh tế gia đình bà ngày càng khánh kiệt. Thương mẹ, anh Nguyễn Anh Tuấn (SN 1990, con trai bà Tác) quyết định bỏ học khi mới được 14 tuổi để đi phụ hồ, kiếm tiền chăm mẹ ốm. Kinh tế gia đình bà trong thời gian đó phụ thuộc hết vào sự giúp đỡ của họ hàng, bà con xóm giềng, và những đồng tiền ít ỏi từ công việc phụ vữa của con. Thương con, thương mình, đôi khi bà trào dâng sự căm hận với kẻ đã nhẫn tâm ra tay với mình chỉ vì mấy chục ngàn đồng.

Thế nhưng, thời gian trôi qua, nỗi oán hận kẻ thủ ác đã tan biến lúc nào không hay. Bà Tác tâm sự: “Thật ra mới đầu tôi cũng căm hận lắm, nhất là khi nghĩ đến con mình, vì vụ việc mà phải bỏ học giữa chừng, rồi lao động vất vả để kiếm tiền nuôi mẹ. Nhưng dần dần nghĩ lại, tôi thấy thằng Sơn cũng giống như con trai mình vậy. Nó vẫn còn trẻ, còn cả tương lai phía trước, về sớm được ngày nào thì còn kịp làm lại tương lai ngày ấy nên tôi cũng không oán hận gì nó nữa. Sự việc đã xảy ra rồi thì cứ cho nó qua luôn đi cho lòng mình thanh thản, chứ cứ mang hận thù rồi cũng đến khổ tâm ra”.

Một ngày, sau khi đi làm về, bà nhận được lá thư của Sơn được chuyển từ Trại giam Ngọc Lý (tỉnh Bắc Giang, nơi Sơn đang thụ án). Mỗi khi đọc thư, bà lại càng vững tin rằng mình đã quyết định đúng khi tha thứ cho Sơn. Giờ đây, nỗi đau thể xác từ những vết thương mà Sơn đã gây cho bà Tác vẫn hành hạ nhưng bà vẫn thấy mình còn là người may mắn, khi được sống, được chăm nom gia đình và chăm sóc đứa cháu nội. Bà Tác cho biết: “Mỗi khi trở trời là tôi lại hay đau khắp người, nói chuyện với ai lâu, đầu cũng đau như búa bổ. Nhưng trời còn thương là mình còn làm việc được, chứ cứ như ngày trước thì khổ con, khổ họ hàng”.

Bà Tác cho biết thêm, nhờ thành tích cải tạo tốt nên cuối năm 2015, Sơn đã được ân xá ra tù trước thời hạn. “Sau khi ra trại, bà Mão (mẹ của Sơn) cũng đã dẫn nó đến thăm gia đình rồi nói lời xin lỗi. Tết cũng đến chúc tết gia đình tôi. Thấy nó biết suy nghĩ như vậy là tôi cũng vui lắm rồi. Tôi cũng chẳng cần gì, chỉ mong sau khi ra tù, Sơn sẽ suy nghĩ và làm được nhiều việc có ích cho xã hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảm phục tấm lòng vị tha của người phụ nữ thoát chết sau khi bị sát hại cướp tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO