Để giúp thí sinh chủ động chuẩn bị các điều kiện trong việc lựa chọn trường phù hợp đến nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã thông tin về đề án tuyển sinh đại học 2024.
Trường Đại học Ngoại thương năm 2024 xét tuyển hơn 4.100 chỉ tiêu, tăng 30 chỉ tiêu so với năm 2023. Trường này dự kiến tuyển sinh ngành mới là Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế & kinh doanh; đồng thời bắt đầu tuyển sinh chương trình song bằng với Đại học Queensland (Australia) ngành Kinh doanh quốc tế, chương trình Kinh doanh quốc tế (International Business) và Phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analytics) tại trụ sở chính Hà Nội. Năm nay, Trường Đại học Ngoại thương giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh như năm 2023.
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tiếp tục giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh đại học chính quy cho 34 ngành đào tạo chương trình chuẩn như năm 2023. Trường dự kiến tăng 100 chỉ tiêu tuyển sinh so với năm ngoái. Trong đó, nhà trường vẫn dành nhiều chỉ tiêu nhất cho phương thức xét kết quả kỳ thi THPT 2024.
Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển 9.260 sinh viên, tăng hơn 1.000 so với năm ngoái, một phần do mở mới chương trình ngành Quản lý giáo dục. Nhà trường giữ ổn định các phương thức tuyển sinh, gồm xét tuyển tài năng (20% tổng chỉ tiêu), dựa vào điểm thi đánh giá tư duy (30%), xét điểm thi tốt nghiệp THPT (50%).
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thông tin, năm 2024 trường dự kiến tuyển 7.650 sinh viên, tăng 150 chỉ tiêu so với năm trước trong đó có chỉ tiêu của ngành mới mở là an toàn thông tin. Trường sử dụng 6 phương thức tuyển sinh, trong đó dành 65% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức còn lại gồm xét tuyển thẳng (không giới hạn chỉ tiêu); xét thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố và thí sinh có chứng chỉ quốc tế (8%); xét học bạ THPT (15%); xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (6%) và điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (6%).
Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển gần 6.000 sinh viên trong mùa tuyển sinh 2024 (tăng gần 140 chỉ tiêu so với năm ngoái) với 4 phương thức xét tuyển: điểm thi tốt nghiệp, học bạ, xét tuyển kết hợp, xét tuyển thẳng.
Đối với phương thức xét học bạ THPT, điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cả năm lớp 11 (đối với xét tuyển đợt 1) hoặc lớp 12 (đối với xét tuyển đợt 2) theo thang điểm 10 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển, cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 21-24 điểm trở lên. Riêng nhóm ngành Sư phạm công nghệ, học sinh đạt học lực năm lớp 12 xếp loại từ Giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT đạt từ 8,0 trở lên. Trong phương thức xét tuyển này, thí sinh đạt học lực loại Giỏi ít nhất hai kỳ trong các năm học tại trường THPT được ưu tiên xét tuyển thẳng vào chuyên ngành học ưa thích.
Học viện Phụ nữ Việt Nam thông báo tuyển sinh năm 2024 với gần 1.600 chỉ tiêu (tăng 85 chỉ tiêu so với năm ngoái). Học viện dự kiến triển khai xét tuyển sớm 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Học viện Phụ nữ Việt Nam có 5 phương thức xét tuyển: xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét tuyển dựa trên kết quả học tập cấp THPT (học bạ); xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; xét tuyển kết hợp kết quả học tập cấp THPT (học bạ) với Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Nhìn chung, năm 2024 các phương thức xét tuyển vẫn cơ bản giữ ổn định. Mỗi trường đại học với đặc thù đào tạo của mình có thể điều chỉnh phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh cũng nêu rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, phải làm rõ được căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn của việc sử dụng phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và các chỉ tiêu phân bổ.