Câu chuyện pháp đình

Các thủ đoạn "rút ruột" SCB của “bà trùm” Vạn Thịnh Phát

Văn Kỳ 05/03/2024 - 18:11

Sau khi tạo ra hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với khoảng 1000 công ty, kiểm soát SCB, “bà trùm” Trương Mỹ Lan đã câu kết với đồng phạm dùng thủ đoạn rút tiền ra, gây thiệt hại lớn cho SCB và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Lập ra đơn vị, phục vụ riêng các khoản vay

Sau khi thâu tóm gần như toàn bộ cổ phần tại Ngân hàng SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan dựng lên bộ máy là các nhân sự để phục tùng mục đích của mình. Về nhân sự tại SCB, các vị trí chủ chốt do bị cáo sắp xếp quyết định. Theo cáo trạng, các nhân sự thuộc Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban giám đốc tại hội sở và các chi nhánh… đều là người do bị cáo Lan lựa chọn bổ nhiệm. Những vị trí này được trả lương và các khoản khác cực cao, từ 200-500 triệu/tháng.

anh6.jpg
Dưới tay bị cáo Lan, SCB gần như trở thành công cụ tài chính phục vụ cho Vạn Thịnh Phát.

Để thực hiện được các khoản vay tại SCB, bị cáo Lan chỉ đạo thành lập các bộ phận trái quy định ngành ngân hàng. Từ năm 2020, bị cáo Lan chỉ đạo Đinh Văn Thành- Chủ tịch HĐQT; Võ Tấn Hoàng Văn- Tổng giám đốc; Nguyễn Phương Hồng- Phó Tổng giám đốc SCB thành lập 3 đơn vị cho vay chỉ để phục vụ các khoản vay của nhóm công ty thuộc Vạn Thịnh Phát. Đó là: Trung tâm thông tin khách hàng Wholesale; Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối doanh nghiệp; Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân. Cả 3 đơn vị này lại làm chức năng cho vay như các chi nhánh khác của SCB nhưng thuộc điều hành của Hội sở SCB.

Để thực hiện được các khoản vay tín dụng tại SCB, bị cáo Lan chỉ đạo các công ty “ma” đứng ra làm hồ sơ vay, những công ty này là các cá nhân thân hữu đứng tên. Cáo trạng xác định, có 875 khách hàng là cá nhân, pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay. Theo thống kê, chỉ từ 3/6/2020 đến 24/6/2022, 3 đơn vị do bị cáo Lan “sáng lập” nêu trên, giải ngân 396 khoản vay cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, với tổng dư nợ hơn 210 ngàn tỷ đồng.

Đáng nói, cáo trạng nêu, phần lớn các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát được giải ngân trước, hoặc đồng thời sau đó làm hồ sơ hợp thức hóa sau. Thời điểm giải ngân cùng với thời điểm ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp. Có 684/1284 khoản vay (gần 384 ngàn tỷ đồng) giải ngân cho Vạn Thịnh Phát chưa có thủ tục thế chấp, số còn lại tài sản để đảm bảo chủ yếu là cổ phần, quyền tài sản (giá trị định giá ảo, mơ hồ). Có 201 khoản vay, dư nợ hơn 11 ngàn tỷ không có phê duyệt của các cấp có thẩm quyền thuộc SCB.

Bất chấp thủ đoạn "rút ruột" SCB

Tiếp tay cho hành vi phạm tội có vai trò rất lớn của các công ty thẩm định giá, nhân viên định giá. Cáo trạng nêu, SCB thuê 19 công ty thẩm định giá/46 đối tượng là giám đốc, phó giám đốc, thẩm định viên, nhân viên thực hiện phát hành 378 chứng thư có liên quan đến khoản vay còn dư nợ của Trương Mỹ Lan. Các công ty này như: Công ty Tầm Nhìn Mới, Công ty MHD, Công ty Thiên Phú, Công ty E xim, Công ty DATC…

w_truong-my-lan-2(3).jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa.

Các tài sản đảm bảo cho các khoản vay Vạn Thịnh Phát phần lớn giá trị không đúng với giá thẩm định, ngoài ra các tài sản là cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản không đủ điều kiện để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay theo quy định pháp luật.

Cáo trạng nêu: “Khi cần rút các tài sản có pháp lý, để bán hoặc để sử dụng cho các mục đích khác, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các đồng phạm thực hiện việc hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo có giá trị ra khỏi tài sản ngân hàng SCB thay thế bằng các tài sản khác, hầu hết có giá trị thấp hơn các tài sản bị rút ra”. Để dễ dàng hoán đổi, các tài sản này gần như không phải thực hiện việc đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định hoặc chuyển thành “quyền tài sản” để tránh đăng ký.

Khi các khoản vay rơi vào tình trạng “xấu”, nhảy nhóm, tăng trưởng tín dụng SCB hạn chế theo quy định của Ngân hàng nhà nước, bị cáo Lan chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng này thực hiện bán nợ cho VAMC (công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng), bán nợ cho các công ty “ma” thuộc Vạn Thịnh Phát để che giấu nợ xấu.

Với hàng loạt thủ đoạn trên, bị cáo Lan cũng đã mua chuộc cán bộ tại Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tại TP.HCM. Đó là lý do vì sao, trải qua thời gian dài, nhiều đợt thanh tra, kiểm tra bị cáo Lan, Vạn Thịnh Phát và nhóm thân hữu tại SCB vẫn “vượt qua cửa ải”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các thủ đoạn "rút ruột" SCB của “bà trùm” Vạn Thịnh Phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO