Các lĩnh vực và nhóm ngành ảnh hưởng bởi căng thẳng Trung Quốc - Đài Loan

Mai Anh| 15/08/2022 16:14

Theo nhóm phân tích CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), xung đột giữa Trung Quốc – Đài Loan kéo dài sẽ có tác động không tích cực đối với nguồn cung thiết bị bán dẫn và chíp điện tử toàn cầu. Ngoài ra điều này cũng ảnh hưởng tới dòng vốn FDI, FII và một số nhóm ngành của Việt Nam.

Các hoạt động thương mại bị ảnh hưởng

Các chuyên gia BSC cho rằng xung đột giữa Trung Quốc – Đài Loan kéo dài sẽ có tác động không tích cực đối với nguồn cung thiết bị bán dẫn và chíp điện tử toàn cầu do Đài Loan chiếm hơn 60% thị phần xuất khẩu mặt hàng này. Điều này cũng gián tiếp ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam.

Đồng thời, sự căng thẳng này cũng ảnh hưởng tới dòng vốn FDI, FII đang ngày càng gia tăng của Đài Loan vào Việt Nam. Bên cạnh đó, sự kiện này cũng có tác động tiêu cực đối với một số ngành của Việt Nam như: cảng biển, nhựa,... hoặc là yếu tố tạo điều kiện cho ngành thép. 

Xuyên suốt giai đoạn 2017 - 2022, Đài Loan là đối tác nhập siêu của Việt Nam với phần lớn nguồn nhập siêu đến từ nhóm máy và thiết bị điện tử (thiết bị bán dẫn và chip). Trong giai đoạn từ năm 2019 - 2022, Việt Nam xuất siêu khá mạnh sang thị trường Mỹ với các sản phẩm công nghệ bao gồm: điện thoại và linh kiện tử, máy móc thiết bị điện từ và máy móc thiết bị cơ khí. Đây cũng là các nhóm hàng hóa nhập siêu nhiều từ Đài Loan. 

Ảnh minh hoạ 

Việc Đài Loan là nguồn cung cấp chính cho các bộ kiện thiết yếu của các sản phẩm công nghệ cao phản ánh sức ảnh hưởng khá lớn lên tình trạng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ. BSC nhận định biện pháp trừng phạt kinh tế của Trung Quốc có ảnh hưởng nhất là việc hạn chế nguồn cung cát trắng. 

Việc thực thi biện pháp này sẽ khiến nền kinh tế Đài Loan bị suy yếu nhanh chóng do đây là sản phẩm xuất siêu và mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Đài Loan. Hơn nữa, biện pháp này cũng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp lên năng lực sản xuất các sản phẩm công nghệ cao trên toàn cầu. 

Theo BSC, việc Trung Quốc thi hành mạnh mẽ biện pháp trừng phạt này sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung chip điện tử trên toàn cầu, từ đó tác động trực tiếp lên chuỗi sản phẩm công nghệ cao như điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử khác. Hiện tượng này sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam khi Việt Nam đang xuất siêu mạnh các sản phẩm này sang Mỹ. 

Dòng vốn đầu tư trực tiếp chịu tác động 

Theo BSC, dòng vốn đầu từ trực tiếp từ Đài Loan chảy vào thị trường ở Việt Nam chiếm trung bình 4,3% tổng vốn FDI trong giai đoạn năm 2017 - 2022. Nguồn vốn tạo đỉnh vào năm 2020 tương đồng với xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia liền kề bao gồm Việt Nam. Đây cũng là nguyên do mà năm các tập đoàn điện tử lớn của Đài Loan như Foxcom, Weistron, Foxlink gia tăng số vốn đầu tư và mở rộng sản xuất của Việt Nam.

Tuy nhiên, xu hướng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam có thể vẫn tiếp tục do Việt Nam có lớp dân số trẻ, độ tuổi lao động và trình độ học thức phù hợp và đáp ứng được yêu cầu sản xuất các sản phẩm công nghệ cao từ Đài Loan. Ngoài ra, Việt Nam hiện có 15 hiệp định thương mại FTA với 2 hiệp định thương mại đang đàm phán là Việt Nam – EFTA FTA và Việt Nam – Israel FTA.

Ảnh minh hoạ 

Trong khi đó, định hướng của Chính phủ tiếp tục hướng tới mở rộng quan hệ ngoại giao nhằm phát triển vị thế địa lý thuận lợi, cửa ngõ giao dịch thương mại của Đông Nam Á. Chủ nhiệm Cục Công nghiệp – Bộ Kinh tế Đài Loan đã chia sẻ rằng các tập đoàn điện tử lớn đang triển khai chiến lược mở rộng đầu tư và kỳ vọng đến năm 2025 -2030 có thể đạt mức 45% – 70% tỷ lệ sản xuất tại Việt Nam. 

Nhóm chuyên gia BSC nhận định xung đột Trung Quốc - Đài Loan leo thang và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Đài Loan. Việt Nam có thể bị thất thoát trung bình khoảng 1,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ Đài Loan. Về ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp, dòng tiền đến từ Đài Loan trong những năm gần đây tiếp tục có chiều hướng gia tăng. 

Hình thức đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư ghi nhận xu hướng tích cực khi Quỹ Fubon FTSE liên tục gia tăng quy mô kể từ khi thành lập, đặc biệt là trong thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh kể từ tháng 4/2022. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư Đài Loan vào triển vọng tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Cảng biển - vận tải biển 

BSC cho rằng cảng biển - vận tải biển sẽ chịu nhiều tác động. Chuỗi cung ứng có thể bị đứt gãy do eo biển Đài Loan là tuyến hàng hải chính giữa Trung Quốc – Nhật Bản và EU. Tại Việt Nam, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển cũng sẽ bị ảnh hưởng do chủ yếu phục vụ tuyến dịch vụ Nội Á.

Bên cạnh đó, giá cước nội Á thuộc một số tuyến đi Đài Loan - Trung Quốc có thể tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng. Nếu căng thẳng kéo dài, sản lượng hàng hóa có thể sẽ giảm sút.

Ảnh minh hoạ 

Trong trường hợp xung đột giữa Trung Quốc với Đài Loan trở nên căng thẳng, ngành dệt may và xơ, sợi Việt Nam sẽ không chịu tác động lớn khi Đài Loan không phải thị trường chính của hai sản phẩm này. Lũy kế 7 tháng 2022, Đài Loan chỉ chiếm 1% và 3% tỷ trọng nhóm dệt may và xơ, sợi của Việt Nam.

Ngược lại, ngành thép, kim ngạch xuất nhập khẩu tương đối lớn (4,3% tổng xuất khẩu và 4,6% tổng nhập khẩu sắt thép) do có nhiều doanh nghiệp thép của Đài Loan đặt nhà máy tại Việt Nam như Formosa, Tung Ho. BSC cho rằng hoạt động của các doanh nghiệp này tại Việt Nam sẽ được đẩy mạnh hơn nếu xung đột xảy ra.

Về ngành nhựa, kim ngạch nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu lớn (chiếm 11,2% về số lượng và 13,2% về giá trị). Đài Loan không chỉ xuất khẩu sản phẩm nhựa lớn ra thế giới mà còn là nhà xuất khẩu chất dẻo nguyên liệu lớn thứ 4 vào Việt Nam (sau Hàn Quốc, Trung Quốc và Ả Rập Xê Út).

Ngành nhựa Việt Nam đang phụ thuộc tới 80% vào nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, nếu sản xuất chất dẻo tại Đài Loan bị đình trệ thì sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên liệu nhựa tại Việt Nam và giá nhựa toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các lĩnh vực và nhóm ngành ảnh hưởng bởi căng thẳng Trung Quốc - Đài Loan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO