Câu chuyện pháp đình

Buôn hàng giả nhưng đi tù là... thật

Phú Nguyễn 14/07/2024 - 04:42

Yên và Dĩnh cùng nhau “chế biến” hàng nghìn chiếc váy hàng chợ thành thương hiệu Zara, sau đó rao bán trên các fanpage giả mạo kiếm lời. Hành vi của Yên và Dĩnh “lộ sáng” và phải nhận bài học đắt giá vì kinh doanh kiếm lời bất chấp quy định pháp luật.

“Chế biến” hàng chợ

Vào cuối tháng 6/2023, Trịnh Thị Yên (SN 1990, trú tại tỉnh Bắc Ninh) mở cơ sở kinh doanh mặt hàng váy nữ. Yên nhờ chồng là Nguyễn Đình Sơn làm thủ tục đăng ký kinh doanh và được Phòng Tài chính - kế hoạch cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Để bán được hàng và kiếm lời nhanh, đầu tháng 7/2023, Yên đến chợ tìm kiếm mẫu váy nữ để đặt mua. Yên đã liên hệ, thống nhất mẫu, số lượng và giá với Nguyễn Thị Kim Dĩnh, chủ sạp hàng tại chợ. Dĩnh sau đó đã thuê người sản xuất váy theo mẫu mà Yên đã đặt, váy được "chế biến" gắn nhãn hiệu Zara.

Sau khi sản xuất xong, Dĩnh đóng gói và thuê người giao hàng đến địa điểm kinh doanh của Yên. Nhận được váy gắn nhãn hiệu Zara, Yên sử dụng tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook mang tên "Socheat Prach" và "Taylor Boutique” đăng thông tin bán hàng trên các hội nhóm. Khi có khách đặt hàng, Yên giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát với phí vận chuyển là 25.000 đồng/1 đơn.

Công việc kinh doanh đang thuận lợi thì tới ngày 20/11/2023, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Quản lý thị trường và Công an tiến hành kiểm tra.

Quá trình kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ 8.000 chiếc váy nữ người lớn mang nhãn hiệu Zara, toàn bộ số hàng này của Yên đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Đại diện nhãn hàng Zara cũng xác nhận, cơ sở kinh doanh của Yên không phải là cơ sở được ủy quyền hoặc cho phép sử dụng nhãn hiệu Zara.

hang-gia.jpg
Ảnh minh họa.

Điều tra mở rộng, cơ quan chức năng xác định, từ tháng 7/2023 đến tháng 11/2023, Dĩnh đã sản xuất và bán cho Yên 10.000 chiếc váy nữ gắn nhân hiệu Zara với giá 115.000đồng/1 chiếc. Tổng số tiền hàng là 1,1 tỷ đồng.

Yên đã bán được khoảng 2.000 chiếc váy với giá 200.000 đồng/1 chiếc. Sau khi trừ các chi phí sản xuất, vận chuyển và một số chi phí khác, Dĩnh được hưởng lợi 50 triệu đồng, Yên được hưởng lợi 20 triệu đồng.

Kết quả giám định Viện khoa học sở hữu Trí tuệ cũng cho thấy, 8.000 chiếc váy nữ người lớn có gắn thương hiệu Zara nêu trên là hàng hoá giả mạo. Hội đồng định giá tài sản xác định 8.000 chiếc có váy có giá trị 1,5 tỷ đồng.

Yên và Dĩnh sau đó bị cơ quan Công an khởi tố, điều tra về hành vi “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp", quy định Điều 226 Bộ luật Hình sự.

Trả giá

Khai trước tòa, Yên cho biết, do nắm được nhu cầu thị trường muốn mua váy có thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ nên nghĩ ra cách “hô biến” hàng chợ thành hàng thương hiệu nổi tiếng. Yên thừa nhận, biết nhân hàng quần áo Zara là thương hiệu nước ngoài nhưng không biết có được bảo hộ tại Việt Nam hay không. Khi bán Yên không lừa dối khách hàng, khách hàng cũng biết vì thực tế giá Yên bán rất rẻ so với giá của váy chính hãng. Yên chỉ nghĩ đơn giản, gắn nhãn Zara thì khách hàng sẽ chuộng hơn.

Yên khai, từ tháng 7/2023 đến tháng 11/2023 đã bán được khoảng 2.000 váy với giá 200.000 đồng/chiếc. Do bán online nên không biết chính xác số lượng là bao nhiêu và bán cho ai. Sau khi trừ các chi phí như giá vốn, tiền ship (vận chuyển), tiền quảng cáo, thuê người bán... Yên hưởng lợi khoảng 20 triệu đồng.

Trước HĐXX, Yên mong được xem xét hoàn cảnh phạm tội do nhận thức chưa đầy đủ về hành vi phạm tội, xin được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Còn về phía Dĩnh, đến thời điểm bị bắt, Dĩnh đã may theo đơn của Yên khoảng 10.000 cái váy, giá mỗi chiếc bán cho Yên chỉ 115.000 đồng/ cái, trừ chi phí tiền vải, tiền công thợ may, phụ kiện, thuê nhà xưởng, điện nước; thu lời bất chính được 50 triệu đồng. Dĩnh đã tự nguyện nộp lại số tiền hưởng lợi và mong HĐXX xem xét hoàn cảnh phạm tội do nhận thức chưa đầy đủ về hành vi phạm tội cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Căn cứ tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, HĐXX thấy hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm quyền sở hữu, sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu được bảo hộ tại Việt Nam. Do vậy, cần áp dụng pháp luật hình sự đối với các bị cáo mới có tác dụng giáo dụng riêng và phòng ngừa chung.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, do vậy các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải" quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS.

Lần phạm tội này của các bị cáo thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, ít nghiêm trọng do vậy các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.

Ngoài ra cả 2 bị cáo đều có nhân thân tốt, có nơi cứ trú rõ ràng, đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính, do đó HĐXX thấy cần chiếu cố, khoan hồng cho các bị cáo, áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Trên cơ sở đó HĐXX đã tuyên phạt Trịnh Thị Yên và Nguyễn Thị Kim Dĩnh 15 tháng tù treo, đồng thời buộc 2 bị cáo nộp bổ sung ngân sách 40 triệu đồng.

Hình phạt trên là bài học đắt giá cho riêng Yên và Dĩnh, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh chung cho những ai đang kinh doanh buôn bán, hám lợi buôn hàng giả nhưng đi tù...thật!

*Tên nhân vật đã được thay đổi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buôn hàng giả nhưng đi tù là... thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO