Trong khi các thương hiệu phân khúc trung cấp và bình dân đang khá “chật vật” trước các tác động của nền kinh tế, TP. HCM vẫn đón nhận các gương mặt mới ở phân khúc xa xỉ gia nhập thị trường.
Thêm các thương hiệu cao cấp gia nhập thị trường
Trong 6 tháng cuối năm 2023, thị trường bán lẻ cao cấp tại TP.HCM chào đón nhiều thương hiệu danh tiếng ở phân khúc cao cấp ở nhiều ngành hàng như thời trang, trang sức, mỹ phẩm, đồng hồ. Các tên tuổi nổi tiếng có thể kể đến như Loewe, Van Cleef & Arpels, Breitling,... Các thương hiệu này đều đã lựa chọn cho mình những mặt bằng đắc địa tại trung tâm quận 1 như Union Square hay trên trục đường Đồng Khởi.
Theo quan sát của Bộ phận cho thuê bán lẻ Savills TP.HCM, trong giai đoạn cuối năm, thị trường sẽ chứng kiến sự sôi động hơn của phân khúc bán lẻ cao cấp với các hoạt động khai trương cửa hàng mới.
Phân tích về sức hút của TP.HCM đối với các thương hiệu này, bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cho thuê bán lẻ Savills TP.HCM cho biết, sự tăng trưởng của tầng lớp có thu nhập cao và tâm lý chi tiêu phóng khoáng cho các mặt hàng xa xỉ, cao cấp nổi tiếng là một trong những yếu tố then chốt.
“Cùng với đó, không thể không kể đến sự phát triển của các tập đoàn phân phối bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian qua với thực lực mạnh mẽ và thị phần lớn đã thuyết phục được nhiều thương hiệu “khó tính” gia nhập vào thị trường Việt Nam”, bà Trần Phạm Phương Quyên nói thêm.
Yếu tố khác đến từ nguồn cung mặt bằng chất lượng cao tại thành phố trong năm 2023. Theo bà Quyên, sau khi nhiều mặt bằng đắc địa đã hoàn tất kế hoạch cải tạo, nâng cấp dự án, các thương hiệu đã có nhiều lựa chọn hơn trong việc chọn địa điểm để đặt cửa hàng phù hợp với chiến lượng kinh doanh của mình. Các chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ cũng mang đến những cơ sở chất lượng, uy tín và được những thương hiệu cao cấp tin tưởng, gắn bó.
Theo báo cáo Global Luxury Retail Outlook 2023 (Triển vọng ngành Bán lẻ Xa xỉ Toàn cầu 2023) của Savills, nếu không tính thị trường Trung Quốc, Châu Á chiếm 12% tổng số cửa hàng bán lẻ xa xỉ trên toàn cầu trong năm 2022, trong đó Đông Nam Á được xem là khu vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Chuyên gia Nick Bradstreet, Trưởng Bộ phận Bán lẻ Châu Á - Thái Bình Dương của Savills nhìn nhận Việt Nam cùng Singapore và Thái Lan là những quốc gia nổi bật nhất trong khu vực về bán lẻ cao cấp.
“Các thị trường này đều có nền kinh tế phát triển mạnh, tăng trưởng nhanh về số lượng người dân có thu nhập cao cùng với sự mở rộng của hàng loạt khách sạn cao cấp cũng như các câu lạc bộ dành riêng cho cho giới thượng lưu. Chính điều này đã thu hút sự chú ý của các thương hiệu bán lẻ xa xỉ”, ông Nick Nick Bradstreet nói.
Nhiều áp lực trong trung hạn
Bên cạnh những diễn biến tích cực trên, chuyên gia Savills cũng đưa ra một số khó khăn của thị trường trong giai đoạn nền kinh tế có sự chững lại.
“Tại TP.HCM, các thương hiệu ở phân khúc trung bình đang gặp nhiều thách thức khi doanh số giảm 20-30% so với kỳ vòng. Nguyên nhân chính là do nhóm người tiêu dùng của phân khúc này thường nhạy cảm hơn về giá thành các sản phẩm. Khi nền kinh tế chung khó khăn họ có xu hương thắt chặt hơn về chi tiêu cũng như cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố giá thành khi mua sắm”, bà Quyên dẫn chứng.
Do đó, các thương hiệu và các đơn vị bán lẻ đang đồng loạt đưa ra nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu giai đoạn cuối năm cũng như tăng tốc độ tiêu thụ các sản phẩm tồn kho trước thềm năm 2024.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM, bán lẻ là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2023. Trong 3 quý đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM ước đạt 871.198 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm nay, TP cũng có nhiều các hoạt động khuyến mãi được tổ chức thường xuyên, liên tục cũng giúp tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp bán lẻ với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, góp phần tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Ở bức tranh rộng hơn, ông Simon Smith, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Châu Á - Thái Bình Dương cho biết các nhà bán lẻ trong khu vực đang đối mặt với một số thách thức về kinh tế vĩ mô trong ngắn và trung hạn.
Cùng với đó, mối lo ngại đến từ phát triển của thương mại điện tử đối với các chủ mặt bằng bán lẻ cho thuê vẫn còn hiện hữu. Thói quen mua sắm trực tuyến đang trở nên phổ biến hơn sau giai đoạn đại dịch. Điều này đồng nghĩa với việc các cửa hàng và trung tâm mua sắm cần cung cấp nhiều trải nghiệm hơn để thu hút và giữ chân người tiêu dùng.
Đối với các doanh nghiệp phát triển các dự án bán lẻ, chuyên gia Savills cho biết tình trạng lạm phát đang làm tăng chi phí xây dựng và nhân công. Do đó, các chủ tài sản đang phải kỳ vọng rất lớn vào niềm tin của các thương hiệu vào cửa hàng vật lý tiếp tục tăng, từ đó thúc đẩy giá thuê.