Bộ Tài chính nói gì về giải pháp cho hiện tượng "bong bóng chứng khoán"?

Mai Anh| 08/06/2022 20:45

Ngày 8/6, trong Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng thị trường chứng khoán đang có những chiêu trò thao túng, đầu cơ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đưa ra giải pháp để thị trường này phát triển bền vững.

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp luật về chứng khoán

Trả lời câu hỏi của đại biểu về "bong bóng" trong thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ ra rằng, những năm vừa qua thị trường chứng khoán phát triển tương đối tốt, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tăng 21,1% so với cuối năm 2021, giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng 8,1% so với bình quân năm 2021. Tuy nhiên, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Để khắc phục tình trạng này, hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe….

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn; tiếp tục chủ động thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán 

Tiếp tục thảo luận về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững, trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với ngân hàng nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra. Đồng thời, Bộ cũng sẽ tiến hành xử lý kỷ luật các cán Bộ trong lĩnh vực tài chính có những vi phạm trong khi thi hành công vụ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, Bộ cũng rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính, sẽ tập trung rà soát để đề xuất sửa đổi các chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Ngoài ra, liên quan đến công tác luân chuyển cán bộ trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng cho biết, công tác này được thực một cách minh bạch, công khai và công bằng, tạo tính tự giác đối với cán bộ các ngành hải quan, kho bạc, thuế. Cách luân chuyển cụ thể được tiến hành như sau: Đầu năm Bộ sẽ đưa ra danh sách luân chuyển cán bộ của năm sau từ tỉnh này sang tỉnh khác hoặc từ tỉnh lên bộ, từ phòng này sang phòng khác. Khi thực hiện luân chuyển cũng không có đơn thư kiện cáo. Công tác luân chuyển cán bộ trong ngành tài chính cơ bản thực hiện đúng chính sách, tiến độ theo quy định của pháp luật.

Đối với vấn đề thực hiện Nghị định 15/2022/NĐ-CP về chính sách giảm thuế VAT, Bộ đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương thức tính hợp lý, không bắt buộc tách hóa đơn. Bộ cũng đang hoàn thiện và sửa đổi Nghị định này, đặc biệt các hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp được thực hiện khá thuận lợi; đảm bảo các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện kê khai đúng và đầy đủ, tránh các vướng mắc có thể phát sinh. 

Trong phiên họp Quốc hội cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính như: Làm rõ giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và kiểm soát hoạt động kinh doanh trên nền tảng số; Các biện pháp chống thất thu thuế trong lĩnh vực bất động sản; Nghẽn cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Thẩm định giá, giá sách giáo khoa và giá xăng dầu; Thất thu thuế xe biếu, tặng… 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính là một Bộ đa ngành, thực hiện công tác quản lý, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quản lý nhiều lĩnh vực như ngân sách nhà nước, chính sách tài khóa, tài sản công, thị trường chứng khoán, bảo hiểm… Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã nỗ lực để xây dựng các thể chế, chính sách, tạo điều kiện cho tài chính nhà nước, tài chính dân cư, tài chính doanh nghiệp phát triển, góp phần phát triển kinh tế đất nước hằng năm.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Bộ Tài chính tham gia trả lời chất vấn tại phiên họp hôm nay trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội; trả lời thẳng, cụ thể các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài chính nói gì về giải pháp cho hiện tượng "bong bóng chứng khoán"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO