Nội chính

Bổ sung biện pháp xử lý hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm

Vân Anh 27/05/2024 - 12:28

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần bổ sung quy định về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, thêm vào đó người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động...

Sáng 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phiên họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Bổ sung biện pháp xử lý hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm

Cho ý kiến Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị bổ sung quy định về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp

Theo đại biểu Dung, về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lý hành vi được quy định tại Điều 37 và Điều 38, do đó cần bổ sung thêm các quy định về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo sự đồng bộ trong việc xử lý trong khi chưa sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế và Luật Việc làm.

maidungvinhphuc.jpg
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại phiên họp.

Về việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại tố cáo, đại biểu đề nghị tiếp tục về trình tự giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành vi về bảo hiểm xã hội tại khoản 2, khoản 3 Điều 119 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đối với những vụ việc có liên quan đến những người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH vào trước năm 1995.

Về vấn đề giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc nhất trí với dự thảo Luật đã được bổ sung nhiều quy định liên quan đến giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, nhất là có quy định mới, từ ngày 01/01/2026 thì sẽ thực hiện cấp sổ BHXH bằng bản điện tử cho người tham gia BHXH và Sổ BHXH bằng bản giấy thì chỉ được cấp khi người lao động có nhu cầu.

Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, hiện nay trong các quy định của dự thảo Luật, các nội dung này còn chưa đầy đủ. Do đó, tại khoản 7 Điều 7 về chính sách của Nhà nước đối với BHXH, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung là ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển và ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số giao dịch tiện tử và yêu cầu về quản lý BHXH cho đầy đủ hơn.

Về các hành vi nghiêm cấm quy định tại Điều 8, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đề nghị bổ sung thêm các hành vi cấm cho đầy đủ (như lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hành vi gian lận, giả mạo, chiếm đoạt trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử…) hoặc có thể quy định là các hành vi cấm theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình đóng bảo hiểm

Đóng góp ý kiến Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong phiên họp sáng nay, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ cơ bản thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Góp ý về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, đại biểu cho rằng phạm vi điều chỉnh hiện nay quy định tại dự thảo luật hiện rất rộng, khó quản lý đối với cơ quan chức năng. Hiện chưa có cơ sở dữ liệu về lao động nên tính khả thi chưa cao. Do đó, đề nghị nghiên cứu nội dung này rõ hơn, bảo đảm tính khả thi.

daochinghia.jpg
Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ

Về trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Điều 12, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hàng quý đến cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Đây cũng là hình thức kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Về trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội tại Điều 17, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng, quy định thời gian cơ quan bảo hiểm xã hội báo cáo với Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cùng cấp về tình hình, các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội và định kỳ 5 năm đánh giá khả năng cân đối Quỹ hữu trí, tử tuất trong báo cáo tình hình quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội là quá dài và không kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh tồn tại.

Do đó, đại biểu đề nghị giảm thời gian quy định tại điều này theo hướng: Cơ quan bảo hiểm xã hội định kỳ 3 tháng báo cáo với cơ quan quản lý, 6 tháng báo cáo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ có liên quan; 6 tháng báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp và định kỳ 3 năm sẽ đánh giá, dự báo khả năng cân đối quỹ.

Về biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu, môi giới việc làm…để người lao động có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định làm việc. Quy định này cũng nhằm nâng cao tính cảnh báo, răn đe và thông tin minh bạch.

Về bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Đào Chí Nghĩa tán thành với phương án 2. Đại biểu cho rằng phương án này dù không chấm dứt tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng đảm bảo quyền lựa chọn của người tham gia bảo hiểm xã hội; giữ chân người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài và về lâu dài người lao động sẽ được bảo đảm an sinh xã hội.

Chiều nay, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bổ sung biện pháp xử lý hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO