Mixue là một trong những thương hiệu trà sữa lớn nhất Trung Quốc. Hệ thống cửa hàng nhượng quyền của Mixue có mặt ở nhiều nước trên thế giới, chỉ riêng tại Việt Nam đã có tới hơn 200 cửa hàng.
Thương hiệu trà sữa Trung Quốc Mixue được thành lập bởi Zhang Hongchao vào năm 1997 khi ông còn là sinh viên đại học. Ban đầu nó chỉ là một cửa hàng bán kem và sinh tố đá bào có tên là “Mixue Ice Cream & Tea”. Một năm sau, ông Zhang đổi tên cửa hàng thành Mixue Bingcheng, có nghĩa là “lâu đài băng được xây dựng bằng tuyết ngọt ngào". Thành công lớn của Mixue chỉ đến vào năm 2006, khi họ tìm ra công thức tạo nên món kem ốc quế đặc trưng của thương hiệu.
Năm 2008, công ty Mixue Bingcheng chính thức ra đời và số lượng cửa hàng được nhượng quyền đã vượt quá con số 180. Năm 2010, Mixue Bingcheng chọn hợp tác với Zhengzhou Baodao Trading Co., Ltd. để phát triển nhượng quyền thương mại trên toàn quốc, nâng cao hơn nữa tầm nhìn và ảnh hưởng của công ty.
Tại quê nhà Trung Quốc, nơi thị trường trà sữa có doanh thu khoảng 20 tỷ USD, Mixue có 21.000 cửa hàng, bao gồm cả các cửa hàng được nhượng quyền, nơi bán các sản phẩm kem tươi và đồ uống từ trà. Con số này nhiều gấp ba lần so với Good Me – đối thủ đứng thứ 2 trong ngành. Công ty đặt mục tiêu chạm mốc 30.000 cửa hàng vào cuối năm nay.
Doanh thu của Mixue Bingcheng đã tăng gấp đôi lên mức 10,3 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,6 tỷ USD theo tỷ giá đầu năm 2022. Công ty đã đăng ký IPO trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến.
Giá cả là một yếu tố cạnh tranh của Mixue. Khi nền kinh tế khó khăn khiến phần lớn người tiêu dùng trở nên quan tâm hơn đến giá cả, các lựa chọn mua sắm hợp túi tiền đang trở nên phổ biến.
Người phát ngôn của Mixue từng nói với báo chí: “Có 1 tỷ người ở Trung Quốc chưa bao giờ đi máy bay và nhiều học sinh chỉ tiêu ít hơn 10 nhân dân tệ (1,39 USD) cho mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, dân số này cũng thích uống trà sữa”.
Mixue có nhiều loại đồ uống với giá cả phải chăng, chẳng hạn như nước trà sữa trân châu có giá 25.000 đồng hay kem ốc quế giá 10.000 đồng. Chính điều này đã cho phép doanh nghiệp thu được một lượng đáng kể người tiêu dùng trung thành.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh chính tạo nên doanh thu của Mixue là bán nguyên liệu, bao bì, thiết bị và các vật liệu vận hành khác cho các đơn vị nhượng quyền. Do đó, Mixue về bản chất là một công ty chuỗi cung ứng. Theo báo cáo của công ty, trong 3 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán nguyên liệu chiếm 72% tổng thu nhập của Mixue.
Để kiểm soát hiệu quả chuỗi cung ứng và chi phí, vào năm 2012, Mixue bắt đầu xây dựng trung tâm R&D và nhà máy trung tâm để tự quản lý chuỗi cung ứng và đạt được khả năng tự cung tự cấp. Năm 2014, công ty đã thành lập một trung tâm hậu cần tại thành phố Giao Châu, tỉnh Hà Nam. Với trung tâm kho bãi và hậu cần của riêng mình, chu kỳ vận chuyển của Mixue đã được rút ngắn, giảm chi phí hàng tồn kho và chi phí lưu kho.
Từ lâu, Mixue đã xác định Đông Nam Á là thị trường mục tiêu, nơi nền kinh tế đang phát triển và sức mua của một thế hệ trẻ đang tăng lên đáng kể. Thương hiệu trà sữa Trung Quốc bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 2018 và nhanh chóng gây ra cơn sốt không nhỏ. Tính đến ngày 31/3/2022, có tổng cộng 249 cửa hàng Mixue tại Việt Nam đang hoạt động, tạo ra doanh thu 9.2904 triệu nhân dân tệ (1,29 triệu USD).
Mixue cũng đã có mặt tại Indonesia từ năm 2020. Công ty hiện có hơn 300 cửa hàng tại quốc gia Đông Nam Á này. Ngoài ra, thương hiệu “người tuyết” còn đăng ký bản quyền tại 30 thị trường khác nhau, bao gồm Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Kyrgyzstan và Uzbekistan.
Theo Mixue, các thị trường quốc tế sẽ mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội hơn. Công ty hoàn toàn tự tin vào khả năng của mình do có kinh nghiệm đáng kể về R&D, quản lý chuỗi cung ứng và kiểm soát chất lượng.
Việc phát triển quá nhanh khiến Mixue không tránh khỏi rắc rối. Theo nền tảng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Heimao Tousu, hơn 4.000 đơn khiếu nại chống lại Mixue đã được đề trình, trong đó có nhiều lỗi về chất lượng đồ uống.