Trước sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, việc xuất hiện tin giả trên mạng xã hội giống như một loại virus có sức mạnh lây lan chóng mặt. Lâu dần, loại virus này sẽ tác động trực tiếp đến “sức đề kháng” của người tiếp nhận thông tin, bóp méo sự thật làm tổn hại đến xã hội.
Mạng xã hội “con dao hai lưỡi”
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 75-80 triệu người trưởng thành đang dùng điện thoại di động thông minh. Việt Nam cũng là một trong 10 nước đứng hàng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội (MXH), với hơn 64 triệu tài khoản Facebook và gần 35 triệu tài khoản Youtube, hơn 60 triệu tài khoản Zalo.
We Are Social (một công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội tại Anh) thống kê: Trung bình mỗi ngày người Việt Nam sử dụng internet 7 giờ (đối với người dùng máy tính) và gần 5 giờ (đối với người dùng điện thoại thông minh). Trong đó, thời gian sử dụng MXH là hơn 5 giờ/ngày, một quỹ thời gian lớn so với nhiều quốc gia khác.
Dễ nhận thấy nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát, luồng thông tin giả, xuyên tạc liên quan đến dịch bệnh trên MXH xuất hiện nhiều, không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Theo nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters dựa trên 225 thông tin sai lệch liên quan đến dịch Covid-19, có đến 88% lượng thông tin trên xuất hiện ở các nền tảng mạng xã hội, trong khi con số này chỉ là 9% đối với truyền hình và 8% trên báo chí.
Việt Nam là một trong 10 nước đứng hàng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội. Ảnh minh họa
Với khoảng 3 tỷ người dùng trên khắp thế giới, các trang mạng xã hội đã và đang dễ dàng trở thành nơi chia sẻ và lan truyền những tin tức này với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nền tảng nào khác, bất chấp nỗ lực kiểm soát từ các hãng công nghệ. Hậu quả của những tin đồn thất thiệt này không chỉ dừng lại ở việc cản trở công tác chống dịch hay gây ra bất ổn xã hội, mà còn đe dọa đến tính mạng của người dùng nếu làm theo những chỉ dẫn sai lệch này.
Từ những dẫn chứng trên có thể thấy, MXH đang chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần và kinh doanh sản xuất của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn mà MXH mạng lại, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức không nhỏ từ không gian mạng, thậm chí đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Cụ thể như những ảnh hưởng tiêu cực từ các thông tin xấu, độc hại cũng như vấn nạn tin giả, tin sai sự thật.
Bên cạnh việc giúp báo chí tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và là “kho” đề tài phong phú, đa dạng, MXH còn là “con dao hai lưỡi” gây hậu họa khôn lường nếu đội ngũ những người làm báo không tự ý thức được trách nhiệm của mình mà lạm dụng MXH trong tác nghiệp thì hậu quả là khôn lường.
Thực tế cho thấy có một bộ phận người làm báo cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp thậm chí có thể dùng từ “lười nhác” trong việc kiểm chứng thông tin chạy theo những tin tức chưa được kiểm chứng trên các trang MXH. Cùng với việc nhiều cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, chạy theo các hình thức đưa thông tin giật gân, câu khách, sử dụng nguồn tin thiếu kiểm chứng từ MXH, xa rời tôn chỉ mục đích, dẫn đến cung cấp thông tin sai lệch, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, tin giả trên MXH đã trở thành một công cụ đắc lực để các cá nhân bất mãn và thế lực thù địch sử dụng nhằm chống phá Đảng và Nhà nước.
Giải pháp nào cho báo chí?
Trong bối cảnh MXH bùng nổ, tin tức giả được chia sẻ chóng mặt, lan truyền nhanh chóng trên không gian mạng với lượt thích (like), chia sẻ (share) vô tội vạ, không kiểm chứng. Thực tế này là môi trường thuận lợi cho loại virus nguy hiểm này ăn mòn “sức đề kháng” của người tiếp nhận thông tin. Ngăn chặn vấn nạn này là trách nhiệm của tất cả các bên có liên quan chứ không chỉ riêng báo chí. Tuy nhiên, với vai trò là lực lượng tiên phong trong việc định hướng thông tin cho công chúng, báo chí cần chủ động và tích cực là lực lượng nòng cốt ngăn chặn tin giả trên MXH để loại virus này không có cơ hội “gây bệnh”.
Trước sự bùng nổ thông tin của thời đại ngày nay, báo chí càng cần vững vàng để trở thành bến đỗ niềm tin cho xã hội, với điều kiện người làm báo phải thực hiện bằng trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp của mình. Nếu báo chí không làm được điều đó, độc giả sẽ càng tin và thậm chí là yêu những thông tin sai sự thật trên MXH và dần lãng quên báo chí. Báo chí muốn tồn tại, phải để độc giả tìm được niềm tin ở đó. Và con đường duy nhất các cơ quan báo chí cần làm đúng trách nhiệm của mình: Đưa tin đúng sự thật.
Các cơ quan báo chí cần tập trung phát triển những công nghệ mới để đấu tranh với tin giả trên mạng xã hội. Ảnh minh họa
Ngoài ra cũng cần áp dụng những giải pháp công nghệ trong việc đấu tranh với tin giả trên MXH. Các cơ quan báo chí cần tập trung phát triển những công nghệ mới như dữ liệu lớn (big data), học máy (machine learning), các ứng dụng lọc tin giả... trong việc thu thập, phân tích và kiểm tra thông tin trên MXH. Đồng thời, tăng cường đào tạo đội ngũ quản trị viên, hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao sự tương tác giữa các trang thông tin với bạn đọc; Xây dựng những MXH chuyên về báo chí, hoặc lấy báo chí, thông tin làm trọng tâm phát triển.
Đặc biệt, trong xu thế làm báo của “thế giới phẳng” hiện nay, mỗi cơ quan báo chí cần ý thức được việc nhất quán quan điểm của mình khi phát biểu, đăng tải thông tin trên các sản phẩm báo chí và những trang MXH mà báo chí tham gia sử dụng, tuân thủ nghiêm Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam.
Đồng thời, nhằm hạn chế sự xuất hiện của thông tin giả trên MXH, báo chí cần ý thức được việc tăng cường sự lành mạnh, luôn kiểm chứng và trau dồi kỹ năng tư duy phản biện khi tiếp nhận một thông tin mới. Với vai trò của mình, báo chí không chỉ phải đưa tin đúng mà cần có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt tin giả, tăng thêm lượng thông tin sạch, hạn chế cơ hội để những đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết, tò mò của bạn đọc... nhằm kích động, trục lợi. Từ đó, định hướng lại thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng.
Bên cạnh đó, để đẩy lùi tình trạng viết báo kiểu “salon”, “ngồi phòng máy lạnh” của một bộ phận những người làm báo chạy theo MXH - căn nguyên của những bài viết có thông tin sai lệch, không chính xác, cần sự phối hợp từ các ban ngành liên quan. Trong đó, các cơ quan chính quyền nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội cần ban hành và thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và những quy chuẩn nhằm xử lý khủng hoảng truyền thông cũng như định kỳ tổ chức họp báo nhằm thông báo tình hình hoạt động tới các cơ quan báo chí.
Phóng viên Báo Công lý tác nghiệp, đưa tin về tình hình dịch bệnh Covid-19
Hơn nữa cũng cần đề cao vai trò của luật pháp, giáo dục và truyền thông trong cuộc chiến chống tin giả. Về luật pháp, mỗi quốc gia cần có những điều luật nghiêm khắc để xử lý vấn nạn tin giả. Về giáo dục, cần có những chương trình để giáo dục học sinh, sinh viên nâng cao năng lực phân hóa, tiếp cận với thông tin. Và cuối cùng là sử dụng truyền thông để tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Vị trí của báo chí trong xã hội do chính đội ngũ những người làm báo tạo ra. Một khi báo chí bền bỉ, thành tâm thông qua những tác phẩm tốt đẹp của mình để gieo trồng niềm tin cho công chúng, vun đắp niềm tin cho xã hội, thì nhất định sẽ được công chúng và xã hội dành trọn tình cảm mến yêu. Và lúc đó virus tin giả trên MXH có mạnh đến đâu cũng không vượt qua được “lá chắn” mà đội ngũ những người làm báo đã tạo nên bằng niềm tin của công chúng.