Bánh chưng đen: Nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người dân tộc Tày

V. Thu Trang| 22/01/2020 15:42

Là một đặc sản mang đậm nét văn hóa ẩm thực đặc sắc bánh chưng đen không đơn thuần là món ăn cổ truyền mỗi dịp tết đến xuân về, mà nó còn thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ dân tộc Tày ở Lâm Bình, Tuyên Quang qua từng thế hệ.

anh-1-nguyen-lieu-lam-banh-chung-den-w1028-h779.JPG

Nguyên liệu làm bánh chưng đen phải được lựa chọn kỹ lưỡng

Hình ảnh bánh chưng xanh câu đối đỏ là hình tượng quen thuộc trong ngày Tết cổ truyền của người miền xuôi, còn đối với những người dân tộc Tày vùng quê Lâm Bình, Tuyên Quang mâm cỗ phải có bánh chưng đen mới gọi là Tết. Đã từ rất lâu đời, món ăn cổ truyền này không biết tự bao giờ trở thành đặc sản, nét đẹp văn hóa không thể thiếu của mỗi gia đình người dân tộc Tày nơi đây.

Bánh chưng đen còn có tên gọi khác là bánh chưng cẩm, bánh có màu đen bóng rất lạ mắt, quyện chặt vào từng hạt nếp chắc mẩy thơm ngon đến lạ. Ai đã từng ăn thử bánh chưng đen của người Tày Lâm Bình sẽ khó có thể quên được hương vị ngậy ngậy, thơm thơm, bùi bùi, ngọt ngọt của các nguyên liệu được chọn làm bánh.

Không phải cứ gạo nào, đỗ nào và cây nhuộm màu nào, cũng tạo ra được hương vị món ăn cổ truyền độc đáo ăn một lần nhớ cả đời. Đó phải là những nguyên liệu tươi ngon, được người dân nơi đây vun trồng chăm bón, đến ngày thu hoạch đã thấm đẫm mồ hôi công sức của người lao động, được hưởng cái nắng, cái gió của vùng sơn cước thì mới tạo ra hương vị đúng chuẩn của bánh chưng đen.

Trong vị thơm của đỗ xanh cùng với chút ngầy ngậy của thịt mỡ quyện chung với hương vị của lá dong núi rừng Đông Bắc, món bánh chưng đen của người Tày nơi đây dường như đã trở thành một tinh hoa đặc biệt không lẫn đi đâu được. Không còn đơn thuần chỉ là một món ăn, bánh chưng đen còn được coi như một biểu tượng của văn hóa vùng miền nơi đây.

anh-2-banh-chung-den-w720-h652.jpg

Chị Chẩu Thị Thêu người dân tộc Tày, sống tại Lâm Bình, Tuyên Quang

Chị Tuyến người dân tộc Tày, sống tại Lâm Bình Tuyên Quang cho biết: Để làm ra được những chiếc bánh chưng đen, người dân tộc Tày chúng tôi khá cầu kỳ và kỹ lưỡng trong từng công đoạn làm bánh. Nguyên liệu làm bánh được chọn lựa kỹ càng, từ khâu chọn lá. Lá dong dùng để gói bánh phải chọn lá bánh tẻ, lành lặn, rửa sạch, lau khô, cắt bớt gân cho lá mềm, khi gói lên bánh mới đẹp. Gạo nếp dùng để gói bánh là gạo nếp nương, thịt làm nhân bánh là thịt lợn đen còn tươi ngon, phần ba chỉ là ngon nhất, có chút nạc, chút mỡ để nhân bánh mềm, dẻo và thơm ngon hơn. Thịt cần thái mỏng rồi đem ướp gia vị.

Khâu quan trọng nhất khi làm bánh chưng đen chính là tạo màu đen cho bánh. Việc tạo màu này có nhiều phương pháp khác nhau mang đặc sắc riêng của từng vùng miền. Như dùng rơm lúa nếp hay cây núc nác, cây vừng, lá nhuộm…. Nhưng những chiếc bánh chưng đen của người Tày ở Lâm Bình thì mang đậm màu sắc và hương vị của cây vừng nương sau khi lấy phần hạt còn phần xác đem phơi khô sau đó đốt lửa lấy phần tro đem về ngâm nước để lọc cặn, tiếp đó lấy phần nước màu đen để ngâm gạo, khi ngâm đảo đều tay cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen nhánh. Dùng tay miết mạnh mà hạt gạo vẫn vẹn màu đen thì mới đạt yêu cầu, bánh khi làm xong mới ngon. Mọi nguyên liệu được chọn để làm bánh chưng đen đều phải tươi ngon, sạch và là sản vật của núi rừng nơi đây thì bánh khi ăn mới có đúng hương vị cổ truyền.

Không chỉ độc đáo trong nguyên liệu làm bánh, món ăn đặc sản này còn mang đậm phong cách đặc trưng của người dân tộc Tày, đặc biệt là phái nữ. Để làm hoàn thiện một chiếc bánh chưng đen, nhất thiết phải cần đến sự khéo léo, tinh tế. Cũng bởi vậy mà người thợ làm bánh lành nghề nhất chúng tôi bắt gặp thường là các chị em phụ nữ người Tày. Vậy nên khi chọn vợ, các chàng trai Lâm Bình thường để ý đến những cô gái biết làm nên chiếc bánh chưng đen tròn trịa, quánh đặc và đậm đà, thơm ngon… để cưới làm vợ.

Khác với bánh chưng truyền thống của người xuôi, bánh chưng đen của người dân tộc Tày không có hình vuông hoặc dài, mà lại có hình lưng gù. Hàm ý sâu xa của hình thù chiếc bánh là để thể hiện sự khéo léo, tần tảo của đôi bàn tay người phụ nữ. Đặc biệt, bánh lưng gù có phần lưng lồi lên giống như hình đỉnh núi và được bao quanh bởi 6 đường lạt dài chạy dọc thân bánh như hình ảnh những người phụ nữ Tày tần tảo sớm hôm địu con lên rẫy.

Có lẽ vì thế mà bất cứ người phụ nữ Tày nào cũng phải biết gói bánh, điều này tượng trưng cho sự khéo léo của họ đối với gia đình và họ hàng, thể hiện tính nết đảm đang, là người vợ hiền, người con dâu tốt.

anh-3-ba-theu-va-khach-du-lich-w720-h960.jpg

Bà Hoàng Thị Xướng chủ mô hình du lịch home Stay Hoàng Tuấn cùng khách du lịch làm bánh chưng đen

Ngay từ tháng 10 Âm lịch, người Tày ở Lâm Bình,  Tuyên Quang đã rục rịch chuẩn bị những công đoạn đầu tiên để gói bánh chưng đen. Mỗi gia đình người Tày ở đây đều có ý thức lưu giữ, bảo tồn và phát triển nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực này. Vậy nên bánh chưng đen không chỉ là món ngon không thể thiếu trong ngày Tết mà còn xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở các ngày lễ lớn, giỗ, chạp, cưới hỏi… Thậm chí là trong mô hình “phát triển mô hình du lịch cộng đồng” (home Stay) tại Lâm Bình, Tuyên Quang.

 Bà Hoàng Thị Xướng chủ mô hình du lịch home Stay Hoàng Tuấn tâm sự: “Bánh chưng đen là món ăn được rất nhiều khách du lịch yêu thích, đặc biệt là việc trải nghiệm việc được tận tay chọn nguyên liệu, gói bánh và nấu bánh… Mỗi du khách đến nhà tôi đều được tận tay trải nghiệm việc làm bánh chưng đen, sau đó là thưởng thức và mang về làm quà. Họ đều rất thích thú với món đặc sản này, đây cũng là cách để không làm mai một nét văn hóa ẩm thực của người Tày…”

Trước kia, loại bánh này chỉ xuất hiện trong ngày lễ, Tết, giỗ chạp… Tuy nhiên, hiện nay, nó đã trở thành thứ đặc sản phổ biến mà bất cứ ai tới Lâm Bình, Tuyên Quang đều có thể mua về làm quà.

Bà Xướng cho biết thêm: “Cùng với các sản vật như lợn, gà, cá, rau củ…., sự có mặt của bánh chưng đen trong mâm cơm thờ cúng tổ tiên ngày Tết hay lễ chạp đã thể hiện được lòng thành kính, biết ơn tổ tiên trong một năm đã qua và mong muốn tổ tiên phù hộ cho một năm mới no ấm, đầy đủ của gia đình trong năm mới…”

Theo tìm hiểu của phóng viên, xưa kia, theo phong tục của người Tày ngoài việc để trưng bày trên bàn thờ, thắp hương cúng ông bà, tổ tiên, bánh chưng đen còn được dùng trong các bữa cơm ngày tết mời bà con, họ hàng trong làng, trong bản với quan niệm màu đen của bánh là thể hiện sự hòa hợp của đất trời, của lòng người trong đó.

Hòa quyện trong từng chiếc bánh là hương vị của núi rừng, của đất trời, của lòng người đã tạo nên nét đặc trưng, mang đậm nét riêng đầy dư vị không thể nào quên qua nét đẹp văn hóa ẩm thực của người dân tộc Tày vùng cao Tuyên Quang cho bất cứ ai đã từng một lần thưởng thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bánh chưng đen: Nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người dân tộc Tày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO