Bản quyền World Cup 2022: thách thức lớn với Việt Nam

Minh Đức (TH)| 01/08/2022 12:43

Đến thời điểm hiện tại, chưa có đơn vị truyền hình nào tại Việt Nam sở hữu bản quyền World Cup 2022. 15 triệu USD (350 tỷ đồng) là mức giá FIFA đề đặt với các đối tác bên phía Việt Nam.

World Cup 2022 đang đến gần, người hâm mộ Việt Nam đang rất quan tâm đến bản quyền phát sóng của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, trái với các giải đấu lớn khác thường có bản quyền từ khá sớm, hiện tại vẫn chưa có bất cứ đơn vị nào tại Việt Nam sở hữu bản quyền World Cup 2022 do phía đối tác hét giá quá cao.

Được biết, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã đưa ra mức giá bản quyền World Cup 2022 tại Việt Nam là 15 triệu USD, tương đương 350 tỷ đồng. Chia trung bình, mỗi trận đấu trực thuộc World Cup sẽ có giá hơn 5 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, công ty Infront Sports & Media có trụ sở tại Thụy Sĩ đang sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 ở Indonesia và 25 quốc gia khác tại khu vực châu Á.

Nhìn rộng ra, trên thế giới cũng rất ít đơn vị truyền hình nào công bố số tiền mua bản quyền World Cup. Thực tế, cứ ở đâu có đông đảo người hâm mộ bóng đá, thì chắc chắn giá sẽ cao. Bên cạnh đó, một vài kỳ World Cup trước, đã xảy ra tình trạng cạnh tranh để có độc quyền, khiến giá bản quyền World Cup bị đẩy lên cao một cách phi lý.

VTV từng sở hữu bản quyền World Cup 2018 vào phút chót

Bản quyền phát sóng World Cup không chỉ tăng giá ở mỗi Việt Nam. Nhiều quốc gia khác cũng từng phải trả thêm nhiều tiền để sở hữu bản quyền của giải đấu.

Vào năm 2014, Thái Lan đã phải bỏ ra 20 triệu USD để sở hữu bản quyền phát sóng World Cup. Tuy nhiên, con số đó vẫn tiếp tục tăng lên. Vào kỳ World Cup 2018, mức giá mà người Thái bỏ ra để xem 32 đội tuyển bóng đá trên thế giới so tài là 40 triệu USD - cao gấp đôi so với năm 2014.

Đối với những quốc gia lớn, số tiền bản quyền còn cao hơn. Kênh CCTV của Trung Quốc đã từng chi tới 155 triệu USD để giành quyền phát sóng trực tiếp World Cup 2018. Thậm chí, cùng năm đó, kênh Fox của Mỹ còn mạnh tay chi hẳn 200 triệu USD để độc quyền khai thác giải bóng đá này trên truyền hình.

Nhiều nguồn tin cho biết FIFA thu về 1,85 tỷ USD tiền bán bản quyền World Cup 2018 và 2022 từ các đài truyền hình và đơn vị khai thác trên toàn thế giới. Con số này nhiều hơn gần gấp đôi so với những gì mà cơ quan bóng đá quyền lực đạt được khi bán bản quyền trong thời gian năm 2010 tới 2014.

Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu bản quyền World Cup 2022. Đài truyền hình hàng đầu của xứ cờ hoa là Fox chi ra tới 425 triệu USD để phủ sóng các giải đấu lớn của FIFA kể từ năm 2015.

Tháng 4/2021, đài truyền hình quốc gia Italia là Rai công bố quyền sở hữu phát sóng World Cup 2022 với mức giá 100 triệu euro. Tất cả 64 trận đấu sẽ được truyền hình trực tiếp miễn phí tới người xem.

Được biết, FIFA chấp nhận bán muộn bản quyền phát sóng World Cup 2022 tại Italia vì các đài địa phương sợ "Azzurri" không thể góp mặt như 4 năm về trước. Dù vậy, đội bóng áo thiên thanh vẫn có lần thứ hai liên tiếp lỡ hẹn với ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới.

Tại Đông Nam Á cho tới lúc này, các nước chính thức có bản quyền phát sóng World Cup bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines và Timor Leste. Tất cả quốc gia này đều mua trực tiếp từ FIFA chứ không qua bên thứ ba.

Trong đó, Brunei được chia sẻ bản quyền miễn phí từ công ty Astro của Malaysia. Bản quyền phát sóng World Cup 2022 không bán rời mà đi theo gói các giải đấu của FIFA từ năm 2018 đến 2022 với giá trị có thể lên tới 35 triệu USD.

Còn nhớ ở World Cup 2018, chỉ có duy nhất Đài truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện các cuộc đàm phán với nhà phân phối của FIFA. Cuộc thương thảo đã từng bị đóng băng nhưng sau khi có doanh nghiệp hỗ trợ, VTV đã mua được với giá được cho là khoảng 12 triệu USD chỉ trước ngày World Cup khai mạc một tuần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản quyền World Cup 2022: thách thức lớn với Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO