Đã nhiều năm người dân thôn Đồng Côi và công nhân đang làm việc tại Cụm công nghiệp Đồng Côi, thị trấn Nam Giang, tỉnh Nam Định, bị ám ảnh cả trong giấc ngủ. Nguyên nhân xuất phát từ Nhà máy xử lý rác Nam Giang, do Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Nam Trực làm chủ đầu tư.
Những điều mắt thấy, tai nghe
Theo phản ánh, quá trình hoạt động xử lý rác của nhà máy này tồn tại nhiều bất cập, nguy cơ ô nhiễm, để lại hệ lụy xấu lâu dài về đất đai, môi trường, nguồn nước...
Tiếp xúc với PV, nhiều người thôn Đồng Côi bức xúc, kể từ khi Nhà máy xử lý rác Nam Giang đi vào hoạt động, cư dân sống trong sợ hãi bởi mùi nồng nặc từ bãi rác lộ thiên, khói khét xả ra từ lò đốt. Bất kể nắng mưa, mùi đặc trưng ở đây theo gió xộc thẳng vào nhà, bủa vây cả những bữa cơm.
Ông Lê Văn T (73 tuổi, người dân thôn Đồng Côi) cho hay, từ năm 2012, hố chôn rác đã hình thành, sâu khoảng 15 mét, vị trí ngay giữa cánh đồng thôn, nằm sát chân đê sông Đào (tuyến đê cấp 3 - PV). “Ban đầu hố chưa đầy thì ít mùi, nhiều năm sau khi hố lấp đầy, dân chúng tôi khổ sở vì mùi hôi thối, ruồi muỗi bay đen kín”, ông T than.
Vẫn theo ông T, ngoài việc bãi rác bốc mùi, nhà máy xử lý rác theo kiểu đơn giản, mỗi lần đốt khói đen bốc lên khét lẹt khiến người dân hoa mắt, chóng mặt. Trời mưa nước thải từ bãi rác lộ thiên chảy xuống đen sì, kéo theo rác rưởi khiến người dân không dám cấy trồng, nếu có trồng, chẳng cây gì sống nổi...
Có xưởng sản xuất chỉ cách bãi rác vài trăm mét, anh B (Giám đốc một công ty cơ khí ở Cụm công nghiệp Đồng Côi) hoảng loạn, mỗi khi có gió đông bắc là tình trạng xú uế càng trầm trọng, năng suất lao động của công nhân giảm mạnh. “Ngoài xưởng mọi người làm việc đã mệt, nay còn phải chịu thêm cái mùi không thể chịu đựng được. Vì thế, một số người mắc viêm họng, viêm mũi mạn tính, hết tái lại hồi”, anh B phẫn nộ.
Tương tự, anh H, cũng là chủ doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Đồng Côi đặt câu hỏi, bãi xử lý rác nằm giữa cánh đồng thôn nhiều năm qua không ngừng “phình to”, việc ô nhiễm vì thế gia tăng theo từng năm. Không chỉ mùi, mà quá trình xử lý rác thải rắn, rác thải công nghiệp của nhà máy đang tồn tại nhiều vấn đề...
Ngoài việc gây mùi, khói, chủ đầu tư dự án đang có dấu hiệu đổ rác lấn chiếm đất nông nghiệp, lâu dài gây hệ lụy khó lường về môi trường, đất đai và nguồn nước, anh H khẳng định.
“Trước mắt, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp xử lý mùi hôi thối để doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Sau là làm rõ việc Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Nam Trực có hành vi đổ rác lấn chiếm đất nông nghiệp, xâm lấn hành lang đê sông Đào hay không? Qua đó làm rõ trách nhiệm, năng lực của doanh nghiệp này”, anh T đề nghị.
Có mặt tại khu vực Nhà máy xử lý rác Nam Giang trong nhiều ngày, PV chứng kiến bãi rác lộ thiên nằm sát đê sông Đào, bên trong rác chất cao quá mặt đê, rác để lộ thiên bốc mùi hôi thối nồng nặc. Bãi rác tiếp giáp 3 phía là cánh đồng, nước thải chảy xuống đồng đen kịt, ngập ngụa trong rác thải nhựa. Thời điểm PV ghi nhận, dù là trời mưa, đứng ở những vị trí mà người dân phản ánh, vẫn ngửi thấy xú uế nồng nặc, không khí khét lẹt.
Theo tìm hiểu, trước đó người dân thôn Bái Hạ, xã Nghĩa An (nằm phía Bắc nhà máy) cũng có đề nghị gửi UBND xã Nghĩa An, UBND huyện Nam Trực, sớm có biện pháp xử lý mùi hôi thối bốc ra từ bãi rác thải lộ thiên nằm giữa cánh đồng thôn Đồng Côi.
Cơ quan chức năng nói gì?
Liên quan tới những phản ánh của người dân, ông Lưu Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực cho biết, dự án Nhà máy xử lý, tái chế phế liệu Nam Giang có công suất xử lý 180 tấn rác thải/ngày (60 tấn rác thải sinh hoạt, 120 tấn rác thải công nghiệp thông thường). Nhà máy được thiết kế với 2 lò đốt đa năng công suất 1 tấn/giờ, có thể lên đến 5 tấn/giờ. Ngoài ra, nhà máy có thể tái chế 11 nghìn tấn hạt nhựa trong 1 năm, sản xuất 2,4 triệu viên gạch ba vanh/năm, 8 nghìn tấn phân vi sinh/năm.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Nam Trực, nhà máy được phê duyệt diện tích sử dụng đất 3,2ha, trong đó diện tích bãi chôn lấp cũ 5.697m2.
Cũng theo ông Dũng, nhà máy đi vào hoạt động với kỳ vọng giải tỏa áp lực rác cho thị trấn Nam Giang nói riêng và các xã khác trong địa bàn huyện Nam Trực. Tuy nhiên, nhiều năm do vướng mắc thủ tục, nhà máy hoạt động chưa đầy đủ công suất như kỳ vọng. Hiện tại các Sở, ngành địa phương đang cùng chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc để nhà máy hoạt động đúng, đủ theo thiết kế, quy hoạch đã được duyệt.
Về phản ánh của người dân, ông Dũng cho hay, ngày 16/5/2024, UBND huyện Nam Trực đã giao Phòng TN&MT chủ trì phối hợp các phòng, đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp thông thường tại Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Nam Trực.
Kết quả kiểm tra cho thấy, Công ty chưa có biện pháp xử lý hiệu quả, triệt để, mà chỉ có biện pháp chôn lấp gây ra việc quá tải khu vực. Ngoài ra, lượng rác tồn đọng chưa kịp xử lý khi dừng đốt lò cũ xây lò mới, Công ty tập kết tại khu vực chôn lấp gây mùi, gây ô nhiễm môi trường. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty khẩn trương thực hiện khoanh vùng khu vực chôn lấp, san phủ đất, đóng cửa các ô chôn lấp lộ thiên, đồng thời phun khử trùng, khử khuẩn toàn bộ khuôn viên nhà máy.
“Đối với phản ánh mùi hôi thối của người dân thôn Đồng Côi, trước mắt UBND huyện Nam Trực sẽ yêu cầu Công ty thực hiện ngay việc khoanh vùng, che đậy rác, khử khuẩn theo yêu cầu. Chúng tôi yêu cầu Công ty thực hiện đúng quy định việc tái chế rác, nếu phát sinh vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Dũng cho biết.
Công lý & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin!