Từ ngày 17/4 - 5/5, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn xảy ra 2 đợt mưa to kèm dông, lốc, gió giật mạnh, gây thiệt hại lớn về nhà ở và hoa màu của người dân.
Theo thống kê từ Văn phòng Ban Chỉ huy về phòng chống thiên tai tỉnh, 2 đợt thiên tai đã làm hư hỏng trên 2.000 nhà ở, 5 nhà văn hóa, gần 160 chuồng trại; thiệt hại sản xuất nông, lâm nghiệp trên 500 ha cây trồng; nhiều tuyến đường bị sạt lở và nhiều công trình khác bị hư hỏng; ước tính thiệt hại gần 16 tỷ đồng.
Trong đó, mưa, dông lốc từ ngày 17/4 đến 24/4/2024 làm thiệt hại 1.557 nhà; 432,2 ha cây ngô, thuốc lá, hoa màu, cây lâm nghiệp bị gãy đổ. Cùng với đó, nhiều công trình khác bị hư hỏng gồm 4 cột điện bị nghiêng, đổ; 111 chuồng trại, công trình phụ bị tốc mái; 4 nhà văn hóa thôn, 12 phòng học bị tốc mái; 2 trụ sở UBND xã bị hỏng công trình phụ. Ước thiệt hại khoảng 13,856 tỷ đồng.
Từ đêm 30/4 đến ngày 5/5/2024, thiên tai làm 562 nhà ở bị tốc mái; 134,01 ha cây ngô, thuốc lá, hoa màu, cây lâm nghiệp bị gãy đổ; 7 con gia súc bị chết. Tại nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở 252 m3 đất, đá; lề, mặt đường bị xói 375 m3; lún cục bộ lề, mặt đường 71 m3; sạt lở taluy âm dài 3 m; hỏng 14 bộ biển báo; 5 tràn bị tắc.
Ngoài ra, thiên tai cũng gây thiệt hại nhiều công trình khác như: 2 cột điện bị nghiêng, đổ; 47 chuồng trại, công trình phụ bị tốc mái; 95 cây xanh bị gãy đổ; 1 nhà văn hóa thôn bị tốc mái; 1 nhà xe trụ sở UBND xã bị sập mái. Ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
Ngay khi có thông tin thiệt hại, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy về phòng chống thiên tai cấp tỉnh đã xuống kiểm tra chỉ đạo. Chính quyền địa phương huy động lực lực lượng, phương tiện tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục và chỉ đạo công tác khắc phục tại một số địa phương bị thiệt hại nặng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tham mưu và tổ chức hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai để ổn định đời sống nhân dân.
Tại các nơi xảy ra thiên tai, chính quyền địa phương đã chủ động đi kiểm tra và chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục các hư hỏng về nhà ở để ổn định chỗ ở; người dân chủ động chăm sóc cây trồng sau thiên tai.
Đến thời điểm hiện tại, cơ bản hư hỏng về nhà ở đã được khắc phục; cây trồng hồi phục sau thiên tai; đối với diện tích cây trồng hư hỏng nặng không thể hồi phục, địa phương có phương án gieo trồng lại, hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.