Môi trường

Bắc Kạn: Ngang nhiên chặt phá rừng phòng hộ

Lê Diệp Lâm Anh 01/07/2024 - 08:25

Theo thông tin từ người dân tại xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, từ khoảng tháng 5/2024 đã có nhiều đối tượng đến phá, múc đất và xây dựng lán trại xâm hại rừng tại khu vực Khuổi Lò, thôn Bản Đán và Khuổi Kẹn, thôn Nà Đán, xã Đôn Phong.

Tại hiện trường thuộc khu vực Khuổi Lò, thôn Bản Đán có dấu vết đào bới làm lán trại, phát phá rừng, bắc cầu qua khe cạn. Bên cạnh đó, có một lô rừng bị đào bới, 1 lán trại có diện tích hơn 12m2 được dựng lên. Nhiều cây rừng bị chặt hạ, thân cây nằm rải rác trên toàn bộ tuyến đường.

Còn tại khu vực Khuổi Kẹn thuộc thôn Nà Đán, xã Đôn Phong, xuất hiện việc san ủi, mở đường và phát phá rừng, chiều dài tuyến đường là 550m, chiều rộng 3m.

Toàn bộ tuyến đường được san ủi bằng máy xúc để mở đường. Người dân thôn Nà Đán, Bản Đán rất bức xúc bởi toàn bộ diện tích bị phát phá ở Khuổi Lò và Khuổi Kẹn này đã được giao cho cộng đồng thôn quản lý và bảo vệ.

ttxvn-rung-phong-ho-1-8032.jpg(1).jpg
Hiện trường khu vực được cho là rừng phòng hộ bị chặt, phá.

Bà Bùi Thị Xuân, trưởng thôn Nà Đán, cho biết khoảng hơn 1 tháng trước, người dân đã phát hiện việc phá rừng và báo cáo chính quyền địa phương nhưng trong khoảng 20 ngày trở lại đây, khi đi tuần, người dân trong thôn tiếp tục thấy rừng bị xâm phạm.

Bà con mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm vào cuộc điều tra, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Ông Triệu Phúc Tỵ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đôn Phong, cho biết ngay sau khi biết sự việc, xã chỉ đạo trưởng 2 thôn quản lý có rừng bị xâm phạm cùng với lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự xã đến kiểm tra hiện trường; đồng thời điều tra, xác minh các đối tượng vi phạm.

Sau khi kiểm tra hiện trường, UBND xã Đôn Phong ra báo cáo số 132/BC-UBND ký ngày 26/6 về việc phát phá rừng trên địa bàn, căn cứ theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng tại Quyết định 1794/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 của UBND tỉnh Bắc Kạn, hiện trường có 3 vị trí bị tình trạng đào bới, san ủi, phát phá.

ttxvn-rung-phong-ho-2-311.jpg(1).jpg
Hiện trường khu vực được cho là rừng phòng hộ bị chặt, phá.

Vị trí thứ nhất: san, ủi tuyến đường thuộc lô 5, 6, 11, khoảnh 5, tiểu khu 361 (thửa đất số 156, 160, 191), chức năng rừng phòng hộ; trạng thái rừng hỗn giao núi đất. Hiện trường san ủi mở đường sử dụng phương tiện máy xúc. Diện tích san ủi đo đếm được có chiều dài 550m, rộng 3m, tổng là 1.650m2.

Vị trí thứ hai là hiện trường chặt phá thuộc lô 12, khoảnh 5, tiểu khu 361 (thửa đất số 195), chức năng rừng phòng hộ; trạng thái rừng hỗn giao núi đất. Diện tích phát phá đo được là 1.220m2; tại hiện trường có cây vầu đường kính trung bình từ 6-8cm bị chặt hạ.

Vị trí thứ ba là hiện trường đào bới tuyến đường vào thác nước thuộc lô 10, 12, 13, 15, 16, 18, khoảnh 3, 4, 5, tiểu khu 361 (thửa đất số: 195, 188, 171, 164, 163), chức năng là rừng phòng hộ; trạng thái rừng hỗn giao núi đất.

Hiện trường tuyến đường là mở đường mòn đi bộ, bắc cầu qua khe, làm sàn; công cụ sử dụng bằng cuốc, xẻng, dao. Diện tích rừng bị đào, bới làm đường có tổng chiều dài 676m, chiều rộng 0,6m, diện tích 405,6m2.

Diện tích rừng bị chặt phá tại 3 khu vực trên chủ yếu là rừng nghèo kiệt, là cây vầu, không có cây gỗ bị chặt, mức độ thiệt hại về tài sản lâm sản không lớn, giá trị thấp. Tuy nhiên, các vị trí này đều là rừng phòng hộ, việc chặt phá rừng phòng hộ là bị cấm theo Luật Lâm nghiệp.

Ông Hà Kim Oanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bạch Thông, cho biết để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, đơn vị đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện vào cuộc. Cụ thể là Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, UBND xã Đôn Phong, Phòng Tài nguyên và Môi trường… phối hợp kiểm tra, rà soát thực hiện đồng bộ các biện pháp. Biện pháp trước mắt là ngăn chặn các hành vi vi phạm, tháo dỡ các công trình cầu, lán trại dựng trái phép; xác minh tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, từ đó xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hành động phá rừng ở Đôn Phong là rất rõ ràng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, nơi đầu nguồn của suối Đôn Phong chảy ra Sông Cầu. Người dân mong muốn sự việc này được cơ quan chức năng làm rõ và xử lý nghiêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bắc Kạn: Ngang nhiên chặt phá rừng phòng hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO