Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) vừa đưa ra dự báo 3 kịch bản cho ngành thủy sản trên toàn cầu vào năm 2050. Theo dự báo, kịch bản khả thi nhất là tiêu thụ cá và hải sản của người tiêu dùng tăng lên 22,3 kg/người.
Sản lượng thủy sản đánh bắt tăng nhẹ, chủ yếu do cải thiện khâu quản lý. Nuôi trồng thủy sản ngày càng giữ vai trò quan trọng, dù tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với các thập kỷ trước.
Về tiêu thụ, kịch bản thứ nhất dự báo mức tiêu thụ cá và hải sản bình quân tăng từ mức 20,2 kg/người ước tính vào năm 2020 và tăng lên 22,3 kg/người vào năm 2050. Đây là kịch bản FAO coi là hợp lý nhất do xuất phát từ việc ngoại suy các xu hướng trung bình được ước tính bởi mô hình của FAO cho đến năm 2050.
Mô hình sử dụng tập hợp các giả định kinh tế vĩ mô và các mức giá đã chọn chứ không chỉ dự đoán về tăng trưởng. Tuy nhiên, những giả định này không hoàn toàn chắc chắn trong thời gian dài và cần được điều chỉnh thường xuyên.
Kịch bản này dự báo việc mở rộng nuôi trồng thủy sản trên toàn thế giới gặp khó khăn. Việc tiếp tục sử dụng các phương pháp không bền vững dẫn đến sự suy thoái của nhiều dự án mới khiến tăng trưởng nuôi trồng thủy sản bị hạn chế và sản lượng đánh bắt tự nhiên giảm nhẹ.
Theo kịch bản thứ 2, nghề đánh bắt tự nhiên, cả biển và nội địa, sẽ tiếp tục làm suy giảm nguồn tài nguyên hàng năm cho đến năm 2050. Kịch bản cũng dự báo sản lượng năm 2050 sẽ giảm 9,6%, phù hợp với dự báo về tác động của biến đổi khí hậu. Mặt khác, việc không giải quyết được các hình thức đánh bắt quá mức hiện nay và tăng trưởng nuôi trồng thủy sản giảm sẽ dẫn đến tiêu thụ thủy sản bình quân giảm xuống 18,5 kg/người vào năm 2050, trở lại mức trước năm 2012.
Nuôi trồng thủy sản phát triển và được mở rộng một cách bền vững nhờ sản lượng tăng và đầu tư sâu rộng hơn vào nông nghiệp. Một số kết quả tích cực cũng được mong đợi đối với nghề đánh bắt trên biển, với mức tăng trưởng hướng tới sản lượng bền vững tối đa ước tính, đạt 95,5 triệu tấn vào năm 2050.
Thủy sản đánh bắt nội địa dự kiến sẽ tăng lên 13,5 triệu tấn. Mức tiêu thụ bình quân tăng lên đạt 25,5kg/người, về mặt lý thuyết sẽ có thể thực hiện được thông qua phát triển nuôi trồng thủy sản thâm canh và sáng tạo, kết hợp với quản lý hiệu quả, đầy tham vọng đối với tất cả nghề đánh bắt trên toàn thế giới.
Trong ngắn hạn, sự không chắc chắn của dự báo bị chi phối chủ yếu bởi đại dịch Covid-19 và các tác động liên quan khi chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại vẫn đang phục hồi. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến thương mại, giá cả, hậu cần, sản xuất, đầu tư, tăng trưởng kinh tế và sinh kế, gây ra những hậu quả đáng kể về an ninh lương thực không chỉ riêng tại Ukraine mà còn có tác động lớn cũng đối với ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Trong nửa đầu năm 2022, ngành cá hồi và tôm đều ghi nhận nhu cầu tiêu dùng và mức giá cao kỷ lục. Tuy nhiên, cho đến nay, nguồn cung của từng ngành đã phân hóa, với nguồn cung tôm tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022 còn nguồn cung cá hồi giảm mạnh nhất kể từ năm 2016, ở mức 6%.
Tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết trong nửa đầu năm 2022 ngành thuỷ sản ghi nhận nhiều mốc kỷ lục về xuất khẩu: kỷ lục doanh số, kỷ lục về tăng trưởng so với nửa đầu các năm. Cả ngành thuỷ sản đã thu về 5,7 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, phải kể đến kỷ lục mặt hàng cá tra với doanh số 1,4 tỷ USD, tăng 82,4%. Các mặt hàng hải sản dù khó khăn về nguyên liệu vẫn giữ được tăng trưởng từ 12-55% so với cùng kỳ, mang về trên 2 tỷ USD.