Hơn 1 năm qua, nhiều người dân ở thị trấn An Châu (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) như “ngồi trên lửa”, thậm chí có người suy sụp, rơi vào trầm cảm khi chủ hụi tuyên bố vỡ hụi, cắt đứt liên lạc, rời khỏi địa phương.
Theo phản ánh, chị Phạm Thị Tuyết H. (SN 1975) và chị Phạm Thị Tuyết V. (SN 1978) ngụ cùng địa phương với vợ chồng ông Nguyễn Phước Tr., bà Phạm Thị Th. tại thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Năm 2018, bà Th. tổ chức chơi hụi và mời chị H., chị V. tham gia. Thấy bà Th. buôn bán ở chợ, có kinh tế vững vàng, chồng lại là cán bộ nhà nước nên hai chị tin tưởng, đồng ý đóng tiền tham gia 3 dây hụi do bà Th. làm chủ.
Cụ thể, dây hụi thứ nhất, đóng 430 triệu đồng; Dây thứ 2 đóng 260 triệu đồng và dây thứ 3 đóng 120 triệu đồng. Tới kỳ đóng tiền, ông Tr. sẽ gặp thu trực tiếp. Chị H. và chị V. còn mua lại các chân hụi trong các dây hụi do bà Th. làm chủ với số tiền gần 660 triệu đồng.
Ngoài số tiền hụi nêu trên, bà Th. còn mượn riêng chị H. 340 triệu đồng. Tổng số tiền vợ chồng bà Th. nợ chị H. và chị V. là hơn 1,8 tỉ đồng (gồm tiền nợ hụi và tiền vay).
Tới tháng 2/2023, các hụi viên tá hỏa khi bà Th. tuyên bố vỡ hụi, không còn khả năng thanh toán, chi trả. Theo chị H., thời gian đầu, còn liên lạc nói chuyện được với bà Th. và người này xin cho thời gian sắp xếp để trả tiền. Tuy nhiên, sau đó họ cắt đứt liên lạc, trốn tránh không gặp mặt. Ông Tr. cũng từ chối trao đổi, không thiện chí giải quyết.
Bà Th. và bà H. đã nhiều lần tới nhà vợ chồng ông Tr., bà Th. để yêu cầu trả tiền, tuy nhiên ngôi nhà luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, gọi không ai trả lời.
Cho rằng, vợ chồng bà Th. có ý định chiếm đoạt số tiền hơn 1,8 tỉ đồng, chị H., chị V. đã gửi đơn tố cáo đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Ngày 15/6/2023, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có Phiếu chuyển đơn số 1244/PC-C01 (PC), chuyển đơn của bà H., bà V. kèm tài liệu liên quan tới Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang yêu cầu xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật, thông báo cho người có đơn và báo cáo kết quả trước ngày 31/10/2023.
Ngày 25/7/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã có văn bản báo cáo số 408/BC-VPCQCSĐT về việc giải quyết đơn gửi Cục C01 Bộ Công an. Nội dung, đã hướng dẫn bà H., bà V. khởi kiện vụ việc ra Tòa án.
Cho rằng, vợ chồng bà Th. có dấu hiệu phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cần phải khởi tố hình sự. Do đó, chị H. và bà V. tiếp tục chờ đợi, không làm đơn khởi kiện.
Theo chị H., từ đó tới nay, gần 2 năm trôi qua, dù đã tìm mọi cách nhưng không thể liên lạc hay gặp mặt bà Th. Trước viễn cảnh mất trắng số tiền làm lụng vất vả, tích cóp cả đời, chị Hoa và nhiều hụi viên khác luôn trong tình trạng mất ăn mất ngủ, suy sụp tinh thần.
“Chúng tôi hàng ngày vẫn qua lại căn nhà vợ chồng bà Th. nhưng luôn trong tình trạng đóng cửa, gọi không ai trả lời, số điện thoại hay Zalo đều trong tình trạng tắt máy, không hoạt động. Từ ngày bà Th. bỏ trốn, chúng tôi không thể tập trung làm ăn, cuộc sống đảo lộn, vì việc này mà nhiều gia đình vợ chồng lục đục, sức khỏe, tinh thần ảnh hưởng…”, bà H. cảm thán.
Phóng viên cũng đã liên hệ qua số điện thoại di động được cho là của bà Th. do bạn đọc cung cấp để tìm hiểu sự việc, tuy nhiên thuê bao không thể kết nối.
“Chúng tôi mong mỏi cơ quan chức năng xử lý vụ việc theo quy định pháp luật, để người dân yên ổn cuộc sống, làm ăn”, bà V. cho hay.
Ngoài trường hợp của chị H. và chị V., nhiều người sinh sống tại thị trấn An Châu, huyện Châu Thành cũng có đơn tố bà Phạm Thị Th. giật hụi, chiếm đoạt số tiền từ hàng trăm triệu tới hàng tỉ đồng. Như bà Trần Thị Kim M. hơn 550 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Mỹ D. hơn 1 tỉ đồng; bà Trần Thị Bích Ph. gần 500 triệu đồng…
Thời gian qua trên cả nước, cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố, bắt giam và xét xử nhiều chủ hụi với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Như trường hợp bắt chủ hụi Trần Quốc Huy (37 tuổi) ở Đồng Nai; Hoàng Thị Thảo ở Hà Tĩnh; Phan Hồng Thắm ở Bạc Liêu; Lý Thị Mỹ Nga ở Sóc Trăng...
Hụi, hay còn gọi là họ, phường, họp chơi, là một hình thức hợp tác tiết kiệm và vay vốn tự nguyện của một nhóm người. Mỗi thành viên tham gia hụi sẽ đóng góp một số tiền cố định vào quỹ chung theo định kỳ và một thành viên sẽ được nhận toàn bộ số tiền quỹ đó theo lượt. Việc chơi hụi giúp người tham gia có thể tiết kiệm hoặc vay vốn một cách nhanh chóng và linh hoạt hơn so với việc vay từ các tổ chức tài chính truyền thống.
Tuy nhiên, hiện nay, chơi hụi tồn tại khá nhiều rủi ro, dần biến tướng thành một hình thức huy động vốn với lãi suất cao. Do đó, việc chủ hụi bỏ trốn, chủ hụi giật tiền ngày càng phổ biến.