Tập đoàn Adani của Ấn Độ đang xúc tiến dự án đầu tư cảng biển tại Việt Nam với mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Theo đó, tại cảng Liên Chiểu, Adani dự kiến đầu tư hạ tầng kỹ thuật để có thể làm được hàng tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí và container.
Ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã có buổi làm việc với ông Karan Adani, Tổng giám đốc Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani Ấn Độ về triển vọng hợp tác hai bên lĩnh vực GTVT.
Ông Karan Adani cho biết, Tập đoàn Adani đầu tư nhiều lĩnh vực như năng lượng, vận tải và logistics... đối với lĩnh vực GTVT tại Ấn Độ, Adani đang quản lý và phát triển 8 sân bay, phục vụ hơn 80 triệu hành khách mỗi năm; đầu tư, khai thác 13 cảng liên hợp quốc tế và 5 khu hậu cần.
"Adani đang xúc tiến dự án đầu tư cảng biển tại Việt Nam với mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Theo đó, tại cảng Liên Chiểu, Adani dự kiến đầu tư hạ tầng kỹ thuật để có thể làm được hàng tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí và container. Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ của Bộ GTVT để có thể hiện thực hóa dự án đầu tư tại cảng Liên Chiểu một cách nhanh nhất”, ông Karan Adani cho biết.
Adani cũng cho biết sẽ tiếp tục tìm hiểu triển vọng hợp tác đầu tư tại các cảng biển khác của Việt Nam và hợp tác về nguồn nhân lực khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, đội tàu viễn dương...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Việt Nam-Ấn Độ nhiều năm qua, nhất là từ năm 2016, khi hai nước trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam-Ấn Độ đạt hơn 15 tỷ USD, Ấn Độ trở thành một trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Riêng lĩnh vực GTVT, hai bên đã có nhiều hợp tác với việc ký Hiệp định vận tải hàng không, nhiều chuyến bay thẳng giữa hai nước; ký Hiệp định hàng hải song phương, tổ chức vận tải chuyên tuyến...
Bộ trưởng Bộ GTVT nhận định, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cởi mở, thông thoáng nhưng số lượng doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư còn khiêm tốn. Vì vậy, sự hiện diện của Tập đoàn Adani, thương hiệu lớn của Ấn Độ tại Việt Nam là tín hiệu đáng mừng, mở ra triển vọng hợp tác hiệu quả hơn nữa.
Về kế hoạch đầu tư của Adani trong lĩnh vực cảng biển, trước tiên là dự án cảng Liên Chiểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Bộ GTVT luôn chào đón và hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Adani.
“Bộ GTVT mong muốn tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia với tư cách là nhà đầu tư cảng. Bộ GTVT luôn sẵn sàng giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn Adani nghiên cứu đầu tư tại cảng Liên Chiểu nói riêng, tại các cảng khác một tổ hợp gồm hai hợp phần: Cơ sở hạ tầng khai thác cảng và khu công nghiệp hậu cần sau cảng phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam để phát huy hiệu quả đồng bộ.
Cùng ngày 24/5, Tổng giám đốc Karan Adani đã có buổi gặp mặt, trao đổi và ký kết biên bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác phát triển cảng và logistics với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC).
Tổng giám đốc Karan Adani khẳng định, VIMC và Adani đều là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải ở mỗi quốc gia, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước, có điểm tương đồng là cung cấp dịch vụ hàng hải vươn tầm thế giới. Vì vậy ông Karan Adani tin tưởng sự kết hợp kinh nghiệm năng lực chuyên môn của VIMC và Adani sẽ góp phần cải thiện chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Ấn Độ, góp phần hiện thực hóa quan hệ thương mại tổng thể giữa hai quốc gia.