5 tiêu chí xét điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng

Mai Anh| 07/09/2022 14:01

Dự kiến hôm nay 7/9, Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức có văn bản điều chỉnh room tín dụng với các ngân hàng thương mại. Một khả năng được xét đến là Ngân hàng Nhà nước sẽ đề nghị các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, “đổi lại” sẽ tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để khuyến khích.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thống nhất chủ trương điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các trường hợp có văn bản đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu đã giao đầu năm nay. Thông tin này phù hợp với định hướng mà Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu trong hội nghị về triển khai gói hỗ trợ lãi suất cuối tháng 8. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: chinhphu.vn)

Hiện việc điều chỉnh room tín dụng đợt này của NHNN vẫn dựa trên đơn xin “nới room” của các ngân hàng thương mại (NHTM) và căn cứ điểm xếp hạng của NHNN nước với các ngân hàng này. Điều mà hiện nay các ngân hàng và doanh nghiệp quan tâm là các tiêu chí để điều chỉnh room tín dụng có một số thay đổi so với hồi đầu năm đã được NHNN nêu cụ thể vào cuối tháng 7/2022.

Theo đó, 5 tiêu chí điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay được thảo luận đề cập đến là: Kết quả xếp hạng năm 2021; Ưu tiên các NHTM tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém; Ưu tiên NHTM tham gia xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém; Tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để khuyến khích các NHTM trong danh sách NHNN sẽ đề nghị giảm lãi suất cho vay; Giảm trừ đối với các NHTM có tỷ lệ dư nợ cho vay thị trường 1 so với huy động vốn thị trường 1 cao. 

Ngoài ra, các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng tích cực trong lĩnh vực tín dụng ưu tiên, giảm lãi suất cho vay với khách hàng… cũng là điểm cộng khi xem xét cấp thêm room tín dụng. Vừa qua NHNN đã nêu cụ thể quan điểm và các cơ sở/tiêu chí xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các NHTM.

Cụ thể, điều chỉnh room tín dụng sẽ căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong, ngoài nước. NHNN cũng cho biết đã phân bổ tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng tổ chức tín dụng (TCTD) trên nhiều cơ sở.

Ảnh minh hoạ 

Thứ nhất là phân bổ theo kết quả xếp hạng từng TCTD theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN. Thứ hai là xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD trong quá trình phân bổ/điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.

Các tiêu chí này được NHNN xem xét theo nguyên tắc chung và được Ban lãnh đạo NHNN thông nhất trên cơ sở tham mưu của các đơn vị chức năng. Chủ trương được công bố công khai ngay từ đầu năm tại Chỉ thị số 01 hàng năm về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng. 

Như vậy, đợt điều chỉnh room tín dụng hiện nay có thể dự tính NHNN đã có một số thay đổi về tiêu chí. Theo đó, khả năng nhà điều hành không nêu cụ thể tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp như trước. 

Đồng thời, NHNN cũng giảm hoặc hạn chế chỉ tiêu đối với trường hợp có tỷ lệ cho vay trên huy động ở thị trường 1 quá cao và nhất quán định hướng tăng chỉ tiêu để khuyến khích các trường hợp giảm lãi suất cho vay (khả năng NHNN sẽ có danh sách các ngân hàng đề nghị giảm lãi suất), cũng như với các NHTM tham gia hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống. Việc thông báo và điều chỉnh tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, nâng cao khả năng quản trị kinh doanh của các tổ chức làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 tiêu chí xét điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO