Nông lâm

1 triệu ha lúa mùa có nguy cơ ảnh hưởng do bão

Trang Nguyễn 05/09/2024 - 18:30

Trước tình hình cơn bão số 3 có cường độ dự báo cấp cuồng phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đây là cơn bão mạnh nhất trong suốt 20 năm qua đổ bộ vịnh Bắc bộ. Dự báo khi vào đến bờ, bão giảm cấp 12 với rủi ro thiên tai cấp 4. Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai tham mưu.

Bộ NN&PTNT sẽ có các đoàn đi đến các địa phương để theo dõi và chỉ đạo tình hình khi cơn bão dự kiến sẽ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Trên tinh thần các biện pháp hành chính đều quyết liệt, tuyên tuyền để người dân chủ động chằng chống nhà cửa và bảo vệ tài sản là quan trọng. Bên cạnh đó, cần tính toán rút nước và vận hành các hồ chứa.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, nếu cơn bão diễn ra đúng theo dự báo, khu vực Đồng bằng Bắc bộ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là về sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, có khoảng 1 triệu ha lúa ở khu vực đang trong giai đoạn đứng đòng và trỗ, dễ bị thiệt hại nghiêm trọng nếu ảnh hưởng mưa bão lớn. Khu vực Bắc Trung bộ cũng có khoảng 15.000ha lúa đang vào giai đoạn thu hoạch, làm tăng nguy cơ tổn thất mùa màng. Ngoài ra, các loại rau màu, nuôi trồng thủy sản và cây ăn trái khác cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu mưa bão kéo dài.

bi-set-danh-suyt-chet-298-5092749.jpg
Ảnh minh hoạ

Trước tình hình bão lớn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, các ngành nghề khác có biện pháp linh động, nhưng riêng ngành trồng trọt "phải tại chỗ". Cục Trồng trọt đã có văn bản chi tiết chỉ đạo các địa phương xử lý lúa, cây công nghiệp, cây ăn quả trước và sau khi bão đổ bộ.

Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng, nếu không bảo vệ tốt khoảng 1 triệu ha lúa vụ mùa (dự kiến cho sản lượng 6 triệu tấn), việc hoàn thành mục tiêu sản xuất 43 triệu tấn lúa cả nước năm 2024 sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, khoảng 63.000ha rau màu và cây ăn quả khác cũng cần theo dõi, tính toán.

Rau màu và lúa là hai đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng. Như vậy, cần bám sát tình hình cụ thể, việc triển khai các đoàn kiểm tra đến địa phương giúp công tác chỉ đạo linh hoạt và sâu sát, tăng khả năng ứng phó ở địa phương, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết.

Đối với việc tiêu nước do ngập úng trong và sau bão, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, cần căn cứ vào thời gian bị ngập. Khi vừa sạ xong, nước ngập duy trì khoảng 3 - 4 ngày, cần phải tiêu nước toàn bộ. Song với 1 triệu ha lúa hiện nay, phải có phương án tiêu nước triệt để, sau đó vẫn cần tính toán ngập úng do hoàn lưu sau bão và xả lũ của các hồ thủy điện. Thứ trưởng chỉ đạo đơn vị liên quan bám sát tình hình, đặc biệt là 5 tỉnh Đồng bằng sông Hồng là: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Bình.

Đối với vấn đề sản xuất 8 tháng qua, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết lĩnh vực sản xuất trồng trọt phát triển theo kế hoạch, sản lượng tốt.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh việc gấp cần làm là chuẩn bị cho việc ứng phó kịp thời với cơn bão số 3. Sáng mai (6/9), Bộ NN&PTNT sẽ "xuất quân" đi các địa phương để theo dõi tình hình và đưa ra phương án ứng phó cụ thể. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra và xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân trước rủi ro do bão, lấy kinh nghiệm từ đợt mưa kéo dài gần đây, huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp để cùng đồng hành ứng phó với trận bão lần này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
1 triệu ha lúa mùa có nguy cơ ảnh hưởng do bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO